"5 năm nữa, bạn sẽ đang ở vị trí nào?" là câu hỏi muôn đời và có phần phiền phức mà mọi người thường được hỏi. Câu hỏi này cũng hay được hỏi trong tuyển dụng hay trong các buổi nói chuyện ở một sự kiện nào đó của công ty, thậm chí trong cả những buổi tiệc rượu bình thường. Hiểu và tiếp cận các mục tiêu nghề nghiệp luôn là thử thách đối với cả những người có tham vọng và hãnh tiến nhất. Bạn có bao giờ thực sự biết rõ bạn sẽ làm gì, hoặc muốn làm gì ở mốc thời gian 5 năm tới không?
Các nhà khoa học nói gì?
Trong thế giới của công việc hiện nay, sự nghiệp thường có nhiều biến chuyển và những lối rẽ không ngờ. Theo Giáo sư Quản trị và hành vi có hệ thống của Trường Cao đẳng Babson Joseph Weintraub, đồng thời là đồng tác giả cuốn sách "Giám đốc định hướng: phát triển tài năng đỉnh cao trong kinh doanh": "Thật khó đoán được 5 năm tới sẽ như thế nào trong môi trường hiện nay. Phần lớn người ta không biết được các ngành nghề đòi hỏi những gì ngay cả trong thời gian chỉ hai, ba năm tới".
Mặc dù khó để tìm được đáp án cho câu hỏi ông đưa ra, Weintraub và Timothy Butler, Ủy viên cao cấp và chỉ đạo chương trình Phát triển Sự nghiệp tại trường Kinh doanh Harvard đều cho rằng bạn cần chuẩn bị kĩ lưỡng cho câu hỏi đó. Và bạn cần xem mọi cuộc chuyện trò đều giống như một buổi phỏng vấn.
"Mỗi người bạn nói chuyện hoặc gặp mặt đều là một mối quan hệ tiềm năng cho hiện tại hoặc tương lai", Weintraub nói.
Bước đầu tiên, bạn cần biết câu trả lời cho chính mình. Butler nói: "Đó là một câu hỏi rất sâu sắc. Ẩn chưa trong nó là câu hỏi: đâu là nơi trú ngụ ý nghĩa đối với tôi?". Bạn cần xác định rõ với bản thân những thứ bạn thực sự mong mỏi được làm, với nghề nghiệp của mình, trước khi có thể bộc lộ một cách tự tin điều đó trước những người khác.
Hãy tự xem xét bản thân
Tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này cũng không phải dễ. Trong cuốn "Để không bị bế tắc: một hướng để tìm ra lối đi cho sự nghiệp sắp tới" của ông, Butler cảnh báo rằng, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách tự xem xét bản thân và cân nhắc đến những phần cuộc sống mà bạn không thường xuyên nghĩ đến.
"Nó bắt đầu với sự phản chiếu từ những việc bạn có thể làm tốt và không giỏi lắm," Weintraub nói. Có quá nhiều người dành thời gian làm những thứ mà họ chẳng thích hợp làm hoặc không thực sự thích làm. Weintraub yêu cầu bạn trả lời 3 câu hỏi sau:
- Giá trị của mình là gì?
- Mục đích của mình?
- Mình sẵn sàng làm gì để có thể đạt được chúng?
Những định liệu này có thể giúp bạn đưa ra một tầm nhìn chuyên nghiệp cho 5 năm tới. Bạn cần sử dụng tầm nhìn này trong những hoàn cảnh khác nhau: trong cuộc họp với giám đốc của bạn, một cuộc chuyện phiếm trong hệ thống hoặc trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng.
Thừa nhận những điều bạn không biết
Ngay cả một chuyên gia tư vấn tâm lý sâu sắc nhất cũng không thể mang lại một bản kế hoạch cụ thể cho riêng bạn. Có rất nhiều bước đẩy trong những quyết định về sự nghiệp của một con người: gia đình, kinh tế, tài chính - và bạn có thể không biết được những điều sẽ xuất hiện trong 5 năm nữa. Các câu hỏi chưa có đáp án đến từ nhiều hướng và có thể đúng trong một vài trường hợp.
Weintraub cho rằng: "Với một vài người, nếu bạn không có tham vọng, bạn sẽ không thực sự nghiêm túc". Tuy nhiên bạn không nên tạo ra một câu trả lời giả hoặc bịa ra để làm thỏa mãn người nghe, điều đó sẽ đặc biệt nguy hiểm trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng. Nói rằng bạn muốn có trách nhiệm với lời và lỗ của doanh nghiệp trong 5 năm tới trong khi bạn không có những tham vọng như vậy có thể giúp bạn có được công việc, nhưng cuối cùng bạn có thực sự vui với công việc đó không?
Weintraub khẳng định: "Luôn nhớ rằng mục tiêu của bạn là tìm được công việc phù hợp chứ không phải được tuyển vào một công việc đơn thuần. Bạn không muốn bạn có được công việc này chỉ bởi vì bạn đã có một buổi phỏng vấn tốt".
Nắm rõ người tuyển dụng thực sự hỏi gì
Butler và Weintraub đồng tình rằng câu hỏi "năm năm tới" không phải là một câu hỏi trực tiếp. Butler cho rằng, người tuyển dụng dựa vào câu hỏi này để tìm kiếm nhiều thông tin khác nhau một lúc. Người phỏng vấn có thể muốn biết rằng người này liệu có gắn bó với họ trong suốt năm năm tới. "Cái giá của sự chuyển đổi là rất cao, vì vậy một trong những mối quan tâm của nhà tuyển dụng là tìm được những người trung thành", Butler nói.
Cũng có câu hỏi ngụ ý khác như: Vị trí có thực sự phù hợp với bạn? Người phỏng vấn muốn biết bạn có thực sự thích thú với công việc. Weintraub chỉ ra một khả năng khác: "Họ cố gắng hiểu mục đích mà bạn muốn đạt được và mức độ tham vọng của bạn". Trước khi trả lời một câu hỏi, hãy cân nhắc thật kĩ xem người hỏi muốn biết điều gì.
Tập trung vào học hỏi và phát triển
Bạn có thể sẽ trở nên ngạo mạn nếu trả lời rằng bạn muốn có được một vị trí cụ thể trong công ty, đặc biệt nếu người phỏng vấn đang ở vị trí đó. Butler khuyên bạn nên tránh nêu ra một vị trí, vai trò cụ thể mà hãy trả lời câu hỏi với định hướng học hỏi và phát triển. Bạn muốn phát triển năng lực gì trong 5 năm nữa?
Ví dụ, "Tôi không thể nói chính xác trong thời điểm năm năm tới tôi đang làm gì, nhưng tôi hy vọng rằng sẽ nâng cao hơn những kĩ năng của mình như một nhà chiến lược hoặc quản trị con người". Đây là cách nói an toàn để trả lời phù hợp cho câu hỏi ngụ ý vị trí và nghề nghiệp. Weintraub cho rằng: "Bạn đừng tạo cho người tuyển dụng ấn tượng rằng bạn nghĩ mình đã học hỏi đủ".
Thu hẹp câu hỏi
Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn trả lời chính xác câu hỏi không quan trọng bằng việc bạn đưa ra một câu hỏi đã được trau chuốt. Khi tham gia một buổi phỏng vấn, bạn cần nắm rõ ba điều mà bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn.
Hãy sử dụng nhiều câu hỏi chứ không phải chỉ một câu để thể hiện những thông tin này. Bạn cũng có thể rút ngắn giới hạn thời gian được hỏi bằng cách trả lời những thứ như: "Tôi không biết tôi đang ở đâu trong vòng năm năm tới, nhưng nếu chỉ trong một năm, tôi hy vọng sẽ kiếm được một vài khách hàng giá trị".
Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội đó để biểu đạt điều bạn thích thú nhất về công việc trong câu hỏi. Butler khẳng định: "Trong mọi môi trường cạnh tranh, thành công chỉ đến với những người thực sự quan tâm và thể hiện rõ ràng mối quan tâm của họ".
Những công thức cần nhớ
Nên:
- Đầu tiên, hãy phát triển câu trả lời riêng cho câu hỏi theo những mong muốn của bạn.
- Hiểu rõ người phỏng vấn muốn tìm kiếm thông tin gì ở câu trả lời của bạn.
- Giới hạn thời gian mà câu hỏi đặt ra bằng cách đưa ra câu trả lời cụ thể và hợp lý.
Không nên:
- Tự dựng lên câu trả lời mà chính bạn cũng không tin tưởng.
- Đưa ra một vị trí hoặc chức vị cụ thể thay vì tập trung vào việc bạn sẽ học hỏi được những gì.
- Cảm thấy hạn chế trước việc trả lời các câu hỏi hẹp. Hãy tự mở rộng giới hạn câu hỏi bằng cách truyền đạt những nội dung mà bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn.
Trường hợp nghiên cứu 1: Nắm rõ bạn có thể phát triển đến mức nào
Bob Halsey từng làm việc trong giới doanh nghiệp, nắm giữ vị trí CFO ở một công ty sản xuất và bán lẻ và giữ chức phó giám đốc và trưởng phỏng Thương mại tín dụng của một ngân hàng lớn.
Công việc phó hiệu trưởng đến với ông cũng tương tự vị trí ông đạt được trong giới kinh doanh. Phản ảnh lại những năm kinh nghiệm, Bob Halsey biết ông thích hợp nhất trong vai trò hỗ trợ hơn là đứng đầu. Trong khi vị trí phó hiệu trưởng thường được nhìn nhận như vị trí bước đệm cho những ai muốn trở thành hiệu trưởng, Bob thực sự không hứng thú với điều đó. Ông không muốn trở thành trung tâm của sự chú ý trong hiện tại hoặc cả trong tương lai.
Thêm nữa, mọi người trong trường đều yêu quý vị hiệu trưởng hiện tại, Dennis Hanno và Bob biết sẽ không dễ dàng để nói với hội đồng bầu cử về việc thay thế Dennis.
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, Bob rất rõ ràng: "Tôi đã nói, tôi không có bất cứ mục tiêu nào trở thành Hiệu trưởng. Và nếu ông Dennis ra đi, tôi sẽ giữ cho con tàu tiếp tục lăn bánh cho đến khi có hiệu trưởng mới. Tôi luôn là số hai tuyệt vời và là người hỗ trợ cho số một thành công".
Chuyên gia Joe Weintraub cho rằng rõ ràng Bob rất hứng thú với vai trò hiện tại và Hội đồng rất ấn tượng với sự công bằng của ông. Ông nói rằng, có thể trong trường hợp khác, Bob có vẻ thiếu tham vọng, nhưng trong trường hợp này, câu trả lời của ông ta đơn giản cho chúng tôi biết, ông ta là người thích hợp cho công việc.
"Khi người ta thực sự cần một công việc, người ta có xu hướng quá lời. Tôi nhận ra rằng vướng vào những ảo vọng chẳng mang lại lợi ích gì", Bob nói. "Động cơ thúc đẩy của tôi trong công việc này là được làm việc cùng với Dennis và học hỏi từ anh ấy". Ông đã giữ chức Phó hiệu trưởng được gần một năm nay và tìm thấy sự thỏa mãn mà ông luôn tìm kiếm.
Trường hợp nghiên cứu 2: Hãy thành thật về tương lai của bạn
Ba năm trước, Margaret Quandt đang làm việc với vai trò phụ trách của công việc HR chung ở Bristol Myers Squibb. Một người đồng nghiệp cũ làm cho Citigroup đã hỏi cô có quan tâm tới việc nộp đơn làm vị trí phụ trách những công việc chung. Lúc đó, Margaret không chắc cô có muốn tiếp tục với những công việc chung như thế không. Cô biết mình muốn có nhiều kinh nghiệm chuyên môn hơn.
Cô chia sẻ: "Tôi đã đến HR để trở thành chuyên viên HR chứ không phải làm những việc chung chung". Nhưng người bạn cô nói rằng có thể trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội được làm chuyên môn hơn, vì vậy Margaret đã đồng ý nộp đơn.
Trong buổi phỏng vấn với Brian, RSP của bộ phận hỏi Margaret: "Cô có muốn làm điều hành HR vào một ngày nào đó?" Brian là một nhân viên cao cấp hãnh tiến, với vị trí SVP của bộ phận Giải pháp Chi trả Thương mại, ông nắm đầy đủ quyền P&L. Margaret trả lời: "Tôi không biết".
Cô thấy Brian phản ứng ngay lập tức, ngôn ngữ toàn bộ cơ thể ông thay đổi và ông ta ngồi tựa lưng vào ghế. Sau đó cô trả lời lại: "Tham vọng mà nói thì tôi có muốn, nhưng tôi yêu nghề dạy học và muốn nghiên cứu. Tôi là một phụ nữ trẻ và tôi đã làm việc với đủ loại phụ nữ ở vị trí HR đủ để hiểu chúng ta không phải luôn có được những cái chúng ta muốn. Tại thời điểm này, rất khó cho tôi định hướng rõ công việc của mình trong hơn ba năm tới".
Brian dừng lại một lúc và nói: "Đây là một trong những câu trả lời thật lòng nhất mà tôi từng được nghe". Sau buổi phỏng vấn, Margaret đã lo rằng cô có thể bị đánh trượt, nhưng cô cũng thấy rất vui vì đã quyết định trả lời thật thà. "Tôi không nói dối trong những buổi phỏng vấn".
Margaret được nhận việc và không lâu sau khi cô được tuyển, Brian thổ lộ rằng, lúc đầu ông thấy nghi ngại với câu trả lời của Margaret. Nhưng khi ông suy xét kĩ, ông nhận thấy rằng câu trả lời đó thật ý nghĩa. Nó cho ông viết rằng Margaret thực sự suy nghĩ cẩn thận và nghiêm túc với công việc của mình. Margaret đã làm ở bộ phận của Brian trong 17 tháng, và sau đó đúng như cô hằng mong, Margaret được cân nhắc lên vị trí hiện tại, chuyên quản lý chương trình phát triển lãnh đạo toàn cầu cho những nhà quản lý xuất sắc.
Phượng Hoàng - nguồn HBR
(theo Diễn đàn Kinh Tế VN)