Nghề tester là gì?
Công việc của tester là tìm kiếm các lỗi của hệ thống phần mềm hoặc thẩm định, xác minh xem hệ thống phần mềm có đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu nghiệp vụ hay không. Công việc kiểm định phần mềm có thể chia ra 4 mức:
1. Unit Test (Kiểm tra mức đơn vị).
2. Integration Test (Kiểm tra tích hợp)
3. System Test (Kiểm tra mức hệ thống).
4. Acceptance Test (Kiểm tra chấp nhận sản phẩm) và khâu Regression Test (Kiểm tra hồi quy).
Như vậy có thể thấy vị trí tester vô cùng quan trọng, có thể nói đây là khâu sống còn của việc phát triển phần mềm. Hai chữ "kiểm thử" nghe có vẻ đơn giản, nhàn rỗi nhưng khâu này lại giúp cho sản phẩm được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của khách hàng. Sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao sẽ tạo thêm niềm tin và uy tín của công ty với đối tác. Nếu không có khâu này, tình trạng khách hàng trả sản phẩm về sẽ xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, tester là vị trí không thể thiếu và công việc này quyết định khá nhiều vào sự thành công chung của dự án.
Có một điều khá đặc biệt, khác với nghề lập trình, đa phần là nam, nghề kiểm thử phần mềm được nhiều bạn nữ lựa chọn theo học và làm việc. Lý do vì đây là một công việc tương đối nhẹ nhàng và cần đức tính cẩn thận, kiên nhẫn. Mặc dù công việc nhẹ nhàng nhưng lại khá hấp dẫn vì luôn có những thách thức. Việc tiếp xúc với thiết bị, công nghệ mới thường xuyên sẽ giúp tester tăng thêm kiến thức và công việc không rập khuôn, nhàm chán như những lầm tưởng đã kể trên.
Tiềm năng của nghề
Thống kê cho thấy, đối với các dự án phần mềm nói chung, cứ 3 lập trình viên thì phải có 1 kiểm thử viên phần mềm. Ngoài ra, nhiều dự án outsource chuyên về kiểm thử phần mềm cũng thu hút một lượng lớn nhân sự trong lĩnh vực này. Việt Nam hiện nay đang được đánh giá sẽ trở thành con hổ trong ngành kiểm thử phần mềm châu Á với lượng nhân công trẻ và nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo con đường này.
Tại Việt Nam, những ai theo học ngành Công nghệ thông tin đều đa phần là nghĩ ngay đến nghề lập trình vì thế khiến đầu ra của nghề kiểm thử phần mềm có số lượng thấp hơn hẳn khiến các nhà tuyển dụng lao đao trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực. Nhưng cũng nhờ đó mà những ai định hướng theo nghề tester ngay từ đầu có thể yên tâm có trong tay tấm vé xin việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp. Đối với những người yêu thích ngành Công nghệ thông tin và vẫn đang suy nghĩ lựa chọn cho mình một nghề phù hợp trong lĩnh vực này cần cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định, học lập trình hay kiểm thử phần mềm đều có tương lai nhưng lựa chọn ngành nào phù hợp nhất với khả năng của bản thân và xu thế chung của thời cuộc mới là quan trọng.
Theo: TLA News