Báo chí là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình”*, điều mà C.Mác đã nói về sứ mệnh chân chính của báo chí ngày càng chứng minh tính hiện thực sống động của nó.
Đặc biệt là trong thời đại của “Internet nối mạng toàn cầu”, một sự kiện xảy ra, cho dù ở nơi khuất nẻo tít tắp cùng trời cuối đất của thế giới, thì lập tức ở mọi chân trời góc bể đều có thể nhận được thông tin.
Khi mà “ngôi làng toàn cầu” đã trở nên gần gũi và chật hẹp, nhờ những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, điều mà vào thế kỷ XIX, cho dù là thiên tài, C.Mác cũng không sao hình dung ra nổi “tấm gương tinh thần” ấy đang được khuếch đại và sáng tỏ như thế nào khi báo chí được nhân sức mạnh lên cấp số nhân.
Kỹ thuật số đã lấp kín những khoảng trống không gian và thời gian của thế giới bằng sự kết nối qua mạng. Chính vì vậy mà thông tin, hàm chứa nội dung kịp thời đưa thông tin và tức thời được cập nhật thông tin là chỉ báo xã hội học về trình độ văn minh mà một xã hội đạt được.
Trong thế kỷ XXI, sự tiến bộ hay lạc hậu được xem xét và thẩm định trước hết căn cứ vào chỉ báo nói trên. Tiếp đó, mới nói đến trình độ kinh tế, xã hội thể hiện qua các chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội), GNP (tổng sản phẩm quốc dân, HDI (chỉ số phát triển con người), HPI (chỉ số nghèo khổ của con người)… và sự phân phối thu nhập có công bằng không. Cũng vì thế, bước vào thế kỷ XXI, người ta hiểu ra rằng, “con đường cũ dừng ở đây.
Con người phải nhìn thế giới với đôi mắt tỉnh ngộ
|
Xa lộ thông tin ngày càng rộng và sâu |
Thế giới đã thay đổi, kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến tính”. Trong vòng một thập kỷ của thế kỷ XX bước sang thế XXI với cái mốc ngày 11/9 thảm khốc, những biến động dữ dội chưa có tiền lệ đã khiến con người phải nhìn thế giới với một đôi mắt tỉnh ngộ” điều mà Ph. Angghen đã cảnh báo từ hai thế kỷ trước đây!
Thiên tai dồn dập. Thảm họa sóng thần tàn phá những nước Nam Á vào những ngày cuối năm 2004. Sau sóng thần là động đất, là bão lũ, là khô hạn, là núi lửa phun., là cháy rừng, là thảm họa nước biển dâng…
Rồi chỉ tháng trước, “cơn siêu bão” chưa từng có tàn phá Miền Điện, động đất khủng khiếp ở Tứ Xuyên, Trung Quốc với những dư chấn kéo dài cho đến tận hôm nay, là những minh chứng đầy sức thuyết phục về ý tưởng nói trên.
Trời "nổi giận" vì người bậy quá, có ý thức hay vô ý thức, đã hủy hoại, thậm chí có nơi là hủy diệt môi trường sống của chính mình, cũng là điều mà Ph.Angghen từng báo trước về sự không sao lường hết được mức tàn hại sự trả thù của thiên nhiên.
Những sự kiện vừa xảy ra trên thế giới xem ra còn dữ dội và tàn khốc hơn sự cảnh báo đó. Việt Nam cũng đã phải lãnh những hậu quả của sự tàn phá môi trường.
Trên màn ảnh tivi, hình ảnh đau thương của những gốc cây bị chém cụt ở những khu rừng vừa bị triệt hạ, như tiếng gào thảm thiết và vô vọng của thiên nhiên, những lá phổi của những cơ thể sống chưa bị ung thư đã bị cắt bỏ vì bàn tay con người.
Báo chí đã có tiếng nói kịp thời qua những trang phóng sự nóng bỏng và đầy tính chiến đấu, góp phần to lớn vào việc đánh thức lương tri con người và dư luận xã hội, thôi thúc những hành động, những quyết sách kịp thời của những cơ quan chịu trách nhiệm.
Nếu hiểm họa môi trường là sự trả thù của thiên nhiên đối với hành động vô ý thức của con người, tàn phá chính một trường sống của mình, thì còn một sức tàn phá đáng sợ hơn, dai dẳng và thầm lặng hơn mà những hậu quả phải tính bằng thế hệ, đó là sự tàn phá môi trường xã hội. Môi trường này có nơi, có lúc, có lĩnh vực cũng đang cất lên tiềng gào thét thảm thiết và vô vọng chẳng kém.
Có những cái có thể phơi ra trước mắt mọi người như những tệ nạn xã hội mà ống kính nhà báo đã kịp thu vào để đưa ra công luận.
Nhưng cũng có những cái không “chụp” được, sự xuống cấp của đạo lý xã hội chẳng hạn, cái có sức gặm nhấm và làm băng hoại cuộc sống con người từ trong tổ ấm gia đình ra đến cộng đồng nhỏ rồi cộng đồng lớn.
Không “chụp” được bằng ống kính, thì ngòi bút sắc sảo giàu tính cảnh báo và thấm đượm tinh thần nhân văn của nhiều nhà báo đã kịp thời đưa tin với những bình luận hoặc phục dựng bằng những trang phóng sự sống động và giàu sức thuyết phục.
Những trang báo như vậy trong một số tờ báo giàu tính chiến đấu mà những phóng viên của họ biết “sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”*.
Chỉ báo của văn minh đô thị
|
Báo chí - chỉ báo của văn minh đô thị (Ảnh minh hoạ nguồn: lh4.ggpht.com)
|
Trong đời sống tinh thần của xã hội ta những năm qua, đặc biệt là trong đời sống đô thị, nhất là những đô thị có vị trí đặc biệt như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nét khởi sắc rõ nét nhất trong đời sống tinh thần của xã hội chính là hoạt động của báo chí: báo viết, báo hình, báo nói. Không là sự thổi phồng quá đáng khi người ta cho rằng, báo chí là một chỉ báo của văn minh đô thị.
Người ta có thể nhận ra những thành tựu trong đời sống tinh thần của các tầng lớp cư dân đô thị qua nội dung và chỉ số phát hành của báo và chí cũng như sự nhiệt tình đón nhận của công chúng.
Từ mờ sáng, những chiếc xe đạp, xe máy của những người đưa báo, người bán báo dạo quả thật là những người khởi động sớm nhất mạch sống đô thị của thành phố Hồ Chí Minh, của Hà Nội và vài thành phố khác.
Điều ấy chưa thể hiện rõ trong đời sống nông thôn, song đề tài nông thôn, nông nghiệp, nông dân vẫn là một mảng hết sức quan trọng trên các trang báo, có ý nghĩa lớn trong nhận thức về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tùy thuộc vào cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân như thế nào.
Đồng hành cùng Đổi mới
|
Báo chí luôn đồng hành cùng Đổi Mới
|
Dõi theo những phóng sự nóng bỏng những thông tin giàu sức cảnh báo, với nội dung truyền cảm đầy tính thuyết phục mà để thu thập được chúng, những người làm báo phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, kể cả không loại trừ khả năng bị đe doạ đến tính mạng. Chúng ta hiểu được cuộc chiến đấu trên trận địa này không kém phần cam go.
Sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích sự kiện của một số nhà báo tài năng thể hiện trên nhiều trang của những tờ báo được công chúng đón chờ, là món ăn tinh thần thực sự bổ ích.
Cũng chính vì thế, người đọc thực sự biết ơn những cây bút trung thực và can đảm dám nói lên sự thật cho dù có phải trả giá cho việc đó.
Sẽ hiểu được rõ vai trò của báo chí trong cuộc sống hôm nay nếu làm được một thống kê xem thử, những sự kiện tiêu cực lớn, những sai lầm được bưng bít và bao che, những thủ đoạn gian manh được bảo kê bởi những thế lực khó ngờ do nhà báo phát hiện, phanh phui và cảnh báo với dư luận, dẫn đến những phiên toà, chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với cuộc đấu tranh từ bên trong tổ chức, đẩy tới sự can thiệp của sức mạnh pháp luật.
Đồng hành cùng với sự nghiệp Đổi Mới, sự khởi sắc của báo chí là thành tựu của sự nghiệp Đổi Mới, đồng thời, báo chí đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp lớn lao đó. Nhìn lại chặng đường mấy mươi năm của tiến trình Đổi Mới, chúng ta thấy rõ báo chí thật sự là một nhu cầu to lớn trong đời sống xã hội.
Có điều đó chính vì, đối với một số tờ báo, người đọc trung thực nhận ra ở đó cách nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó, tạo ra một áp lực của dư luận đấu tranh chống lại những tiêu cực xã hội, những trì trệ, thoái hóa của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy quản lý đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Hợp lực của những tiềm năng phát triển
Quyền được thông tin là một đảm bảo cho sự phát triển đó. Báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đấu tranh và tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân thực hiện được quyền đó. Chống lại sự bưng bít thông tin như thời gian qua báo chí đã kiên cường và nhẫn nại tiến hành, báo chí đã thật sự góp phần to lớn khơi thông dòng chảy của dòng sông cuộc sống.
Sự vận hành của cuộc sống đã cho thấy rằng, mọi sáng tạo đều được nảy sinh từ trong quần chúng, tức là từ cuộc vật lộn khắc nghiệt của con người vươn lên trong cuộc mưu sinh. Tạo cơ hội và điều kiện cho sự sáng tạo đó có điều kiện bừng nở, thúc đẩy những "tiềm năng"của mọi con người trong xã hội, mọi nhóm, mọi giai tầng xã hội.
Những "tiềm năng" không ai giống ai ấy phát triển, sẽ là một hợp lực cực kỳ to lớn thúc đẩy đất nước phát triển. Báo chí có một lợi thế không gì so sánh được trong việc tạo ra cái hợp lực lớn lao đó.
Vì cùng với việc thực hiện chức năng chuyển tải những chủ trương, đường lối đến với mọi người, và cùng với những thông điệp từ trên xuống ấy, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên. Và đây là mới là trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của báo chí.
Không làm được nhiệm vụ tạo nên một luồng chảy sống động của thông tin phản hồi từ cuộc sống "bên dưới", từ "phần chìm của tảng băng", báo chí sẽ tự đánh mất vai trò thật sự của mình!
Sứ mệnh cao cả của báo chí là thường xuyên gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tâm trạng quần chúng, những bức xúc, băn khoăn, những khát khao, kỳ vọng, những buồn vui, phẫn nộ, tuỳ thuộc vào việc thực hiện chức năng cao quý của mình.
Chức năng mà báo chí cách mạng, nếu muốn xứng đáng với ý nghĩa của thuộc tính “cách mạng” đúng như nó cần có, phải biết cách hoàn thành thật xứng đáng.
Nếu nhân dân chính là đồng tác giả của sự nghiệp Đổi Mới thì con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân mà những câu chữ trên những trang báo trung thực đã phản ánh sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên tinh thần nhân dân tham gia vào sự nghiệp lớn lao đẩy lùi những khó khăn, những trì trệ bảo thủ, dám mạnh dạn và sáng tạo bứt lên trên chặng đường mới.
Đương nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò cao cả và cam go đó, những người làm báo trung thực sẽ gặp phải những lực cản không nhỏ.
Thói thường, không mấy ai thích vạch áo cho người xem lưng, không ít những người có chức quyền e ngại những nhà báo biết săn tìm sự thật và biết cách nhìn ra sự thật. Vì thế, hoàn toàn không lạ khi có những nhà chức trách cản trở, thậm chí hăm doạ nhà báo.
Khi mà những tàn dư của thói gia trưởng và cửa quyền chưa bị dọn sạch thì người ta sẽ không hiểu được rằng “trong lĩnh vực báo chí, những người cai trị và những người bị cai trị có khả năng như nhau để phê bình những nguyên tắc và yêu cầu của nhau không phải trong khuôn khổ những quan hệ lệ thuộc mà trên cơ sở ngang quyền với nhau, với tư cách là những công dân của nhà nước…với tư cách là những sức mạnh trí tuệ, với tư cách là những người thể hiện những quan điểm hợp lý”*. Đây chính là điều mà C.Mác đã từng sáng suốt chỉ ra.
Tiếp sức cho công chúng
Những nhầm lẫn trong việc nhà báo đưa tin với kết luận chính thức của cơ quan nhà nước trên cùng một sự kiện là ví dụ rất cụ thể. Báo chí không thể làm thay cho những cơ quan chức năng có nhiệm vụ điều tra và kết luận, song báo chí phải tiếp sức cho sự phán đoán của công chúng bằng những thông tin chân thực và kịp thời, báo chí phải khơi dậy ý thức công dân trong mỗi độc giả để họ góp phần đấu tranh cho chân lý.
Phải làm cho được điều ấy vì báo chí chân chính “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”*.
“Dòng thác đầy sinh khí” ấy cuộn chảy trong mạch sống của xã hội, tiếp nhận sức mạnh từ mạch sống ấy, góp phần nâng cao thêm, phát huy lên, rồi lại chuyển tải sức mạnh ấy đến từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng. Trên ý nghĩa ấy, báo chí chính là một động lực của phát triển.
Trong những ngày tháng 6 này, có một sự kiện đặc biệt đã là minh chứng sống động cho vai trò và sức mạnh của báo chí vừa nói: sự kiện ông Sáu Dân đột ngột ra đi vào lúc 7h40 ngày 11.6.2008. Việc con người ấy nằm xuống, chiếc băng tang phủ trên nhiều trang báo lại không gợi lên sự chết chóc đau thương mà lại như bừng lên một sức mạnh mới từ những trang báo ấy.
Bình sinh, những trang viết của Võ Văn Kiệt- Sáu Dân đăng trên các báo, chuyển tải những bức xúc từ một trái tim lớn, những tư tưởng giàu tính dự báo và chất cảnh báo ở tầm chiến lược của một bộ óc lớn, đã có tác động thuyết phục và làm xúc động công chúng.
Khi con người ấy nằm xuống, sau những phút bàng hoàng choáng váng vì khoảng trống do sự ra đi đó tạo nên, tĩnh tâm suy ngẫm, người ta hiểu ra hơn tầm vóc của những tư tưởng giàu tính dự báo và sức cảnh báo đó được báo chí dồn dập đăng tải.
Thì ra, sự nằm xuống của ông lại là thước đo sức thẩm thấu của tư tưởng và tình cảm của ông trong lòng dân mà trước đây nhìn chưa rõ hoặc không tiện nói ra. Trái tim ông ngừng đập, nhưng nguồn mạch tư duy mãnh liệt của bộ óc lớn ấy như có dịp tuôn trào trên mặt báo, cuộn chảy trong lòng dân.
Hơn lúc nào hết, chúng ta có dịp cảm nhận thật sống động thế nào, và bằng cách nào, tư tưởng một khi thâm nhập được vào quần chúng sẽ trở thành một lực lượng vật chất.
Có nhiều cách thâm nhập, nhiều kênh để thâm nhập, nhưng có lẽ báo chí là cách cập nhật nhất, rộng rãi nhất và cũng là tiện lợi nhất, kênh báo chí truyền thông là kênh thông tin trực tiếp nhất đưa những tư tưởng lờn, những tình cảm lớn đến tận hang cùng ngõ hẻm.
Báo chí vốn đã có chức năng và lợi thế khó có gì so sánh được, chức năng và lợi thế đó lại tăng lên bội phần với công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền tin của thế kỷ XXI.
Báo chí đã làm cho tư tưởng và hoài bão của một con người chuyển thành dòng thác đầy sinh khí biến thành hiện thực trong hành động của quần chúng nhân dân.
Vì thế những gì còn là dở dang trong sự nghiệp của con người đã nằm xuống đó sẽ được tiếp nối trong dòng thác đầy sinh khí đó.
Từ sự kiện đặc biệt ấy, chúng ta có dịp hiểu rõ sức mạnh của báo chí, hiểu ra được quả thật, báo chí là một chỉ báo sống động về đời sống tinh thần xủa xã hội.
Hiểu được như vậy để có đủ căn cứ mà tin thêm vào sức mạnh của dân như tin vào tốc độ của dòng sông xuôi về biển cả. Tốc độ ấy được quyết định ở sức cuộn chảy từ bên dưới.
Ở những đoạn nước xoáy, nơi những khúc sông rẽ ngoặt, sức cuộn chảy từ bên dưới đẩy những bèo bọt rác rưởi dồn lên, dạt vào hai bên bờ để dong sông xuôi về biển lớn, cái đích phía chân trời!
----
* C.Mác và Ph. Ang-ghen Toàn Tập. Tập I. NXBCTQG 1995, trang 99. tr.237, tr.290; tr.100