Hàng ngàn người đổ dồn về hướng tìm thấy vị trí chiếc xe khách mất tích. Từng thớ thịt trên khuôn mặt mỗi người giãn ra, sáng lại sau gần 3 ngày miệt mài dõi theo cuộc tìm kiếm (chiếc xe khách bị cuốn trôi sáng 18/10). Chặng thời gian ấy, cánh báo chí cũng bao phen hộc tốc chạy đến những điểm được cho là nơi chiếc xe nằm lại nhưng toàn là con số không tròn trĩnh.
Chạm tay vào… đầu người chết!
Xác minh chính xác chiếc xe đang ở dưới đáy sông Lam, phương án được đưa ra là phải có người lặn xuống mò. Thời khắc ấy, bóng tối đã bao phủ khắp nơi. Nước dưới sông như nổi cơn thịnh nộ cuộn sóng. Gió lạnh thổi hắt vào mặt. Cách bờ 50 mét, trên chiếc tàu cũ kĩ, tốp thợ lặn mang chúng tôi theo với bao sự hồi hộp.
Nguyễn Văn Thạnh - một trong số những thợ lặn ở phường Trung Đô (TP Vinh - Nghệ An) được giao trọng trách tiên phong. Khuôn mặt căng thẳng. Thạnh rít một hơi thuốc dài, thổi khói bay mù mịt trước mặt: “Chưa bao giờ tôi lại thấy căng thẳng đến thế. Hàng chục năm làm tay lặn mới thấy sao giờ là lạ.
"Nước chảy xiết lắm. Phải lặn bo thôi. Ở độ sâu 14 đến 15 mét mà mặc đồ lặn thì nước đánh dạt đi. Phải lột hết quần áo thôi”, anh Thạnh nói. Bênh cạnh Thạnh, mấy “rái cá” khác cũng đã sẵn sàng. Những chiếc bình ôxy nằm ngổn ngang.
Thạnh cởi phăng áo và quần dài. Từng thớ thịt của người thợ lặn nổi cuồn cuộn, láng bóng. Quấn ống dẫn khí vào người, một đầu ngậm vào miệng hít một hơi dài, tốp thợ lặn nhảy xuống mặt sông, biến mất vào nước. Nhiều ánh mắt đổ dồn, nín thở chờ đợi. Chưa đầy hai phút đã thấy Thạnh trồi lên mặt nước, thất vọng.
“Nước mạnh lắm. Chưa thể tiếp cận được xe đâu”, Thạnh bảo. Trên tàu, hai tay thợ lặn khác tên Bình và Sơn đã sẵn sàng. Trong thế tay bo “lặn nhộng”, các anh lại nhảy xuống. Một, hai, rồi ba phút vẫn chưa thấy ai lên. Sự lo lắng xen lẫn niềm tin đã hiện rõ. Tiếng vỡ oà rồi vỗ tay vang cả mặt sông kéo theo “rừng cười” trên bờ khi hai thợ lặn xuất hiện.
“Xe đây rồi. Xe khách đây rồi”, thợ lặn tên Sơn vuốt mặt xua nước cười như tỏa hoa dưới mặt nước nói.
Sau này khi mọi chuyện đã ổn, Sơn mới sợ hãi nhớ lại: “Không những sờ trúng đầu xe mà tay em còn chạm vào một cái gì đó có tóc anh ạ. Giờ thấy kính ở trước mặt buồng lái bị vỡ mới biết mình đã chạm tay vào đầu của một nạn nhân đang nổi bồng bềnh trong xe”.
Cái chết… chính Ngọ!
Ngay khi tìm được chính xác vị trí chiếc xe thì trời đã tối hẳn. Nhiều phương án được đưa ra. Trục vớt ngay trong đêm rất khó khăn: “Kính vỡ nên kéo xe lên thì nhiều thi thể sẽ bị trôi ra. Đêm mịt mùng, nước chảy mạnh sẽ cuốn xác đi mất. Nhiều cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập. Cuối cùng phải chờ sáng hôm sau mới tiến hành trục vớt.
Đêm ấy, là đêm trắng của người thân. Thời điểm ấy, hàng ngàn người dân đã kéo về điểm xe nằm. Tờ mờ sáng, ba, bốn chốt chặn đã được lập ra nhưng hàng chục người dân vẫn tìm cách luồn núi để chứng kiến trục vớt. “Tôi đã phải đi từ 3 giờ sáng. Gửi xe cách hàng chục cây số rồi đi bộ leo núi mới vào xem được đấy…”, một người dân bảo.
|
Để đưa thi thể ra, các chiến sĩ đã dùng búa đinh và ống sắt để phá vỡ kính xe. |
Chừng 8h sáng một tốp thợ lặn đã sẵn sàng. Công việc của họ là phải lặn xuống để cột hai móc cáp vào đầu xe. Sau đó dùng ròng rọc nâng đầu xe lên khỏi đáy sông chừng 1 mét để khi kéo thi thể không bị trôi ra. Tuy nhiên gần một phần nửa chiếc xe đã bị vùi cát. Ba bốn tốp thợ lặn đã phải lặn xuống để moi cát móc xe.
Công việc đó thực hiện xong lại xảy ra khó khăn mới. Cát trong xe rất nhiều. Để xe nhẹ khi kéo, tốp thợ khác lại phải lặn xuống dùng “vòi rồng” hút cát từ trong xe ra. “Sợ lắm. Lúc hút cát cứ lo thi thể cũng bị trôi ra”, một thợ lặn nói.
|
Mặc độc chiếc quần cộc, ngậm đầu ống khí quấn vào người, thợ lặn Sơn bắt đầu lao xuống đáy sông Lam sâu 15 mét tìm xe |
Mọi thứ đã sẵn sàng. Xích tời cáp đã tập hợp. Tiếng chân chạy dồn dập. Tiếng máy nổ ầm ầm. Tiếng cáp rít vào gió. Đó là lúc việc trục vớt bắt đầu. Hàng trăm mét dây cáp được sử dụng chứng tỏ chiếc xe nằm rất sâu. Chiếc tời trên bờ kéo chầm chậm chiếc xe vào bờ.
Dây cáp căng như dây đàn, cách mấy bước chân, hàng ngàn ánh mắt đổ dồn. Ai đó chợt nghĩ: Cáp mà đứt, thì bao nhiêu con người sẽ gặp tai họa. Cáp tuột, mọi người sợ hãi nhốn nháo chạy, ngỡ là cáp đứt. Ba bốn lần phải thốn cáp, chừng ấy thời gian công việc trục vớt gián đoạn, ai cũng lo lắng.
Cuối cùng, đúng 12 giờ cùng ngày - chính Ngọ - tắp lự đầu xe khách màu trắng nổi lên mặt nước cách bờ mấy sải tay. Tiếng vỡ òa bởi rừng người rộn rã. Sự sung sướng hiện lên từng nét mặt. Ở một góc sông, người thân của những hành khách xấu số khuỵu xuống. Có người đã gục ngất đi!
Cái chết của chiếc xe và những nạn nhân mới được xác định. Một cái chết hiện hữu sờ được bằng tay!
Tôi có búa đinh sẽ ít ai chết!
Đầu xe được kéo lên cao hơn trên mặt nước. Quan sát phần gương trước mặt buồng lái đã vỡ. Lỗ hở duy nhất đã cứu được 18 con người. Số người còn lại vẫn nằm trong xe. Một số khác đã thoát ra ngoài nhưng không thắng nổi “giặc nước” đang nằm bồng bềnh đâu đó.
Hàng chục chiếc ca nô mang theo nhiều chiến sĩ áp sát chiếc xe. Phải đưa thi thể các nạn nhân ra xe trước, sau đó mới tính chuyện cẩu lên bờ. Để đưa được thi thể ra khỏi xe, người ta đã dùng đến búa đinh. Tiếng búa đinh phang vào phần kính trước mặt xe lốp bốp. Hàng chục tiếng dội vào nhưng kính chẳng xoay chuyển.
Các chiến sỹ còn phải dùng cả những ống sắt, tay chèo bằng kim loại mới phá vỡ được kính xe. “Tôi mà có búa đinh lúc xảy ra tay nạn thì ít người chết. Đến búa mà không phá nổi huống chi lúc đó họ chỉ tay không lại trong trạng thái hoảng loạn”, chứng kiến cuộc “hành xe” một người dân tiếc nuối.
|
Thợ lặn Nguyễn Văn Thạnh giờ phút trước lúc đi "tiên phong". |
Một phần kính xe được phá vỡ, những thi thể được giải thoát nổi bồng bềnh trôi ra ngoài xe. Thời điểm ấy thật rùng rợn. Trước mặt hàng chục ngàn người dân, trên sông hàng chục chiếc ca nô di chuyển. Cứ một cái đi lại kéo theo sau một thi thể không còn nguyên dạng.
Xót xa quá các nạn nhân ơi. Sống đã khổ, thác còn vật vã gấp vạn lần. Cho đến khi toàn bộ thi thể được đưa ra và chiếc xe được cẩu lên mặt đường, chúng tôi vẫn ám ảnh. Một sự ám ảnh tột độ!
Làm phúc… nát nhà!
Sau khi được sự đồng ý của các cơ quan ban ngành, Công ty Vận tải biển Trường Thành (đóng ở Thành phố Vinh) vào tìm kiếm trục vớt chiếc xe xấu số. Nghe tin, đội quân thợ lặn chính gồm 6 người xung phong xin đi. Họ đã vật lộn với con nước lũ để tìm kiếm và đưa xe lên bờ.
Ông Nguyễn Văn Bình - một thợ lặn, chưa hết bàng hoàng: “Đã theo nghề lâu, đối đầu với bao nguy hiểm nhưng đây là lần lặn khó khăn nhất trong đời tôi, bởi khi lặn xuống cứ bị nước đẩy đi không theo như ý muốn”.
Vậy mà, trở về nhà sau khi đưa đưa được các thi thể và xe lên bờ, căn nhà của ông Nguyễn Văn Hoàn -Thợ lặn khác, đã bị nước lũ cuốn đi mang theo nhiều tài sản. Trước cảnh hoang tàn, ông Hoàn tâm sự: “Trong mấy ngày qua tôi đi lặn tìm xe nên nhà cửa mới đến nông nỗi này. Nhưng việc làm của chúng tôi đã góp phần chia sẻ nỗi đau cho các nạn nhân”.
Ông Nguyễn Văn Bình nói: “Những người thợ lặn chúng tôi rất nghèo nhưng trước việc các nạn nhân bị chìm trong nước mấy ngày nên thương lắm. Chúng tôi có nghề sao lại không sẵn sàng giúp đỡ, làm ơn…”.
Câu chuyện với những thợ lặn kết thúc. Ngoài kia vẫn còn những nạn nhân xấu số chưa được tìm thấy. Thấy xót xa. Và lại day dứt khi nghe người thợ lặn tên Hoàn bảo: Mình làm ơn nhưng nhà mình chẳng còn gì. Nước đã đánh tan tất cả!
Tạm giữ tài xế xe khách bị cuốn trôi!
|
Sáng nay 23/10, trao đổi với Bee, đại tá Phan Văn Đán - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết hiện vẫn đang tạm giữ tài xế Trần Văn Trường (Hải Hậu - Nam Định) và phụ xe của xe khách bị tai nạn khiến hàng chục người thiệt mạng. Hiện CQĐT đang xem xét để khởi tố vụ án.
|
Trọng Đức - Đắc Thành