PV: Aptech đã có mặt tại 54 quốc gia trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về thành công của Aptech tại Việt Nam?
Ông Ninad Karpe: Aptech cùng với các đối tác VN mở hệ thống các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành phần mềm Việt Nam từ năm 1999. 10 năm qua, chúng tôi đã đào tạo được 60.000 học viên ở các chuyên ngành: lập trình phần mềm, quản trị mạng và thiết kế đa phương tiện. Có thể nhận thấy rõ trong vài năm gần đây, lĩnh vực IT phát triển rất nhanh tại VN. Chúng tôi rất vui vì Aptech đã đóng góp 1 phần vào sự phát triển đó.
PV: Chứng chỉ của Aptech được công nhận như thế nào tại Ấn Độ cũng như hơn 50 quốc gia khác mà Aptech có mặt?
Ông Ninad Karpe: Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực IT là rất lớn. Các công ty đều muốn nhận những người có khả năng làm việc ngay. Tấm bằng của Aptech là sự khẳng định về khả năng bắt tay ngay vào công việc của người sở hữu nó.
PV: Nhưng ở VN để nhận được việc làm, sinh viên thường phải tốt nghiệp từ một trường ĐH chính quy. Nhiều nơi coi bằng Aptech chỉ là một thứ “phụ gia tốt”. Là tập đoàn có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin (IT), Aptech sẽ làm gì để nâng cao “vị thế” của tấm bằng được cấp cho học viên?
Ông Ninad Karpe: Ở nhiều nước, chúng tôi phối hợp với các đối tác để thực hiện chương trình “đào tạo thêm”. Nghĩa là sau khi có bằng Aptech, học viên có thể theo học 1 -2 năm nữa tại một trường ĐH để có thêm tấm bằng khác. Chúng tôi cũng đang thảo luận vấn đề này tại VN.
PV: Ấn Độ là nước xuất khẩu và gia công phần mềm nổi tiếng thế giới. Theo ông, yếu tố nào đã mang lại “thương hiệu” này cho Ấn Độ?
Ông Ninad Karpe: Quan điểm của chúng tôi là, để xây dựng phần cứng, cơ sở hạ tầng thì không khó. Nhưng để đào tạo ra nhân tài mới khó. Chúng tôi đã thành công trong đào tạo con người. Ấn độ đã chứng tỏ cho các nước đang phát triển thấy là để phát triển ngành CNTT chỉ cần mất 10 năm.
PV: VN có lợi thế nguồn nhân lực rẻ. VN cũng đang xây dựng đội ngũ IT có trình độ và kỹ năng. Ông có tin là VN sẽ sớm bắt kịp thậm chí vượt qua Ấn Độ để trở thành “trung tâm phần mềm thế giới”?.
Ông Ninad Karpe: So với Ấn Độ, VN đã có 90% thành công. Chỉ còn 10% nữa. Đó là tiếng Anh. Tiếng Anh của người Việt còn nhiều hạn chế.
PV: Vậy để đào tạo “nhân tài công nghệ thông tin cho VN” như ông nói, Aptech có chú trọng vấn đề tiếng Anh?
Ông Ninad Karpe: Vâng. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sớm mở thêm các khoá đào tạo tiếng Anh công nghệ thông tin.
PV: Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế như hiện nay, Aptech đang phải đối mặt với những thách thức nào?
Ông Ninad Karpe: Là một cơ sở giáo dục, Aptech không gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng. Đầu tư cho giáo dục là vấn đề mà các gia đình không bao giờ phải “thoả hiệp”. Các bậc cha mẹ có thể tiết kiệm tiền mua xe hơi, quần áo, chứ không tiết kiệm tiền học cho con. Có lẽ nước nào cũng vậy. Cha mẹ đều muốn con cái có tương lai tốt hơn mình. Ở VN chắc cũng thế?
PV: Vâng, nhưng tại VN, nhiều gia đình cũng cảm thấy lao đao trong bối cảnh khủng hoảng. Thu nhập của họ bị giảm sút mạnh. Trong khi học phí của Aptech cũng khá cao.
Ông Ninad Karpe: Quan điểm của tôi là, chi tiền cho con đi học là đầu tư dài hạn. Nếu không có giáo dục thì khó có thể kiếm được việc làm tốt.
PV: Trở thành CEO của một tập đoàn lớn là mong ước của không ít bạn trẻ. Ông có gửi thông điệp gì cho thanh niên VN?
Ông Ninad Karpe: Thông diệp của tôi là hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Bóng đá chỉ là số 2, giáo dục mới là số 1.
PV: Xin cám ơn ông.
Minh Đức thực hiện
(theo báo Lao Động)