Mất mát không thể bù đắp
“Tình hình chảy máu chất xám tin học đang diễn ra phổ biến trong các cơ quan nhà nước ở Hà Nội”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở BCVT Hà Nội nói.
Vậy mà theo ông Dũng ở các sở ban ngành khác của Hà Nội, tình hình này còn "thê thảm" hơn nhiều. Không có con số cụ thể về số lượng người làm tin học trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn chuyển ra làm cho doanh nghiệp, nhưng ông Dũng nói “đi hầu hết, người làm tin học trong các cơ quan nhà nước thường xuyên thay mới, mặc dù đã có phụ cấp nhưng không ăn thua”.
Cũng như Hà Nội, tình trạng người làm tin học trong các cơ quan nhà nước nhảy ra làm cho doanh nghiệp đang là vấn đề nóng ở cả địa phương và cơ quan trung ương.
Với tỉnh Bắc Ninh, ông Ngô Vĩnh Sinh, Giám đốc Sở BCVT có thể kể nhiều dẫn chứng điển hình đã xảy ra ở ngay cổng thông tin điện tử của tỉnh, ở Sở. Ông Sinh cho biết những người làm được việc một chút đều “chuồn” ra Hà Nội. Sở BCVT Bắc Ninh đã tuyển được sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội loại ưu nhưng cũng chỉ giữ chân được 6 tháng. Mặc dù tỉnh đã tuyển thẳng vào biên chế, thưởng “nóng” 5 triệu đồng ngay sau khi tuyển dụng nhưng họ sẵn sàng trả lại 5 triệu đồng để được nghỉ việc.
Đối với Bộ Xây dựng, ông Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Tin học đã dùng từ “trầm trọng” để nói về tình trạng người làm tin học trong bộ nghỉ việc. Ông cho biết Trung tâm Tin học đã mất hết lực lượng cốt cán. Những người khá chỉ làm được một hai năm là lại xin đi ngay. Riêng năm ngoái, Trung tâm của ông đã để mất 4 chuyên viên “cứng”. Phòng phát triển phần mềm có 5 người giờ chỉ còn lại 3. Trung tâm tích hợp thì đi mất 2 người, hiện không còn người nào có chuyên môn về CNTT.
Đáng ngại theo ông Giao là những người xin đi để lại khoảng trống lớn. Trong khi đó, việc tuyển dụng người có trình độ, làm được việc là rất khó.
Thu nhập ngành IT: Mất cân đối nghiêm trọng giữa doanh nghiệp - Nhà nước
Từ 3 năm nay, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước có chế độ phụ cấp cho người làm tin học trong cơ quan hành chính nhà nước: 1 triệu đồng/ tháng với người có trình độ đại học và tối đa 700.000 đồng/tháng với người có trình độ cao đẳng và trung cấp. Còn nhìn chung, thu nhập của các nhân viên tin học ở cơ quan nhà nước chủ yếu là lương ngân sách theo hệ số. Với nhân viên vừa ra trường là mức 540.000 đồng x hệ số 2,34. Nếu không có gì đột biến, cứ ba năm được tăng lương một lần.
Trong khi đó, qua khảo sát của phóng viên báo Bưu điện Việt Nam với hàng chục doanh nghiệp CNTT ở Hà Nội cho thấy mặt bằng lương cao hơn gấp đôi lương ở cơ quan nhà nước, thời hạn tăng lương khoảng 6 tháng – 1 năm và chưa kể đến tiền thưởng.
Ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty phần mềm Vietsoftware cho hay mặt bằng lương kỹ sư CNTT mới ra trường là 3 triệu đồng/tháng. Sau đó, trung bình một năm thu nhập của họ lại tăng thêm 15-20%. Những người giỏi thì lương có thể tăng gấp rưỡi sau một năm.
Tại tập đoàn CMC, bình quân lương kỹ sư CNTT là 5 triệu đồng. Những kỹ sư CNTT mới tốt nghiệp là 3 triệu, sau đó mỗi năm lại có hai đợt xét tăng lương. Năm vừa qua, CMC đã tiếp nhận khá nhiều kỹ sư CNTT từ các cơ quan nhà nước.
Không chỉ chuyện cơm áo
Ngoài vấn đề thu nhập, môi trường làm việc cũng là một yếu tố “đẩy” nhân viên tin học nhà nước ra làm ngoài. Điều này, những người đứng đầu cơ quan nhà nước không phải là không biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, cán bộ tin học có hai đam mê: hiệu quả nghề nghiệp và kinh tế. Nhưng hiện tiến độ cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước quá chậm chạp.
“Những người mới ra trường, về Sở thử việc chỉ được thời gian ngắn là họ lại xin chuyển, nhất là ở các phòng dự án. Có em chuyên GIS (hệ thống thông tin địa lý - pv) về Sở với mong muốn được phát huy kiến thức nhưng do thiếu thốn đủ thứ, cả chính sách chưa biết bao giờ các dự án GIS mới được triển khai nên đành phải ra đi. Chỉ những người sinh năm 1966 trở về trước là ở lại, có lẽ vì hầu hết họ cũng đã ổn định rồi”, ông Nguyễn Mạnh Dũng nói.
Mặc dù rất bức xúc và lo lắng trước tình trạng nhân viên tin học lần lượt rũ áo ra đi, nhưng hầu như chưa thấy cơ quan nào có giải pháp thấu đáo cho vấn đề này. Theo ông Đặng Kim Giao, các cơ quan hữu quan như Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa có động thái gì ngăn chặn “chảy máu chất xám” CNTT trong cơ quan nhà nước.
Trần Anh (theo ICTnews)