Theo Quy chế quản lý 2 Chương trình trên vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, 304 tỷ đồng vốn sự nghiệp sẽ dành cho việc điều tra, khảo sát thu thập thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT của 63 tỉnh, thành phố; xây dựng thương hiệu quốc gia, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường cho ngành công nghệ này...
Trong số đó, 88,6 tỷ đồng được phân bổ để thúc đẩy phát triển phần mềm mã nguồn mở và 30 tỷ đồng hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và nội dung số.
Thủ tướng cũng quyết định dành 676 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho 11 dự án gồm cổng thông tin điện tử về công nghiệp phần mềm và nội dung số, xây dựng Quỹ phát triển phần mềm và nội dung số, hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin, xây dựng Khu tổ hợp CNTT, hỗ trợ phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp phần mềm và nội dung số...
90 tỷ đồng từ nguồn vốn này sẽ dành cho 2 dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI (mô hình đánh giá năng lực sản xuất phần mềm) và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn.
Theo Quy chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) thống nhất quản lý việc triển khai, thực hiện chương trình thông qua Ban điều hành chương trình do lãnh đạo MIC làm trưởng ban.
Quy chế cũng nêu rõ việc phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thuộc chương trình, quản lý các dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, mỗi dự án gồm 2 phần chính là phần tư vấn, đào tạo và phần đánh giá cấp chứng chỉ công nhận doanh nghiệp đạt quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI từ mức 3 trở lên.
Mỗi doanh nghiệp tham gia dự án được hỗ trợ kinh phí tư vấn, đào tạo tối đa 15.000 USD từ ngân sách nhà nước. Trong thời gian thực hiện dự án, mỗi doanh nghiệp được đánh giá đã đạt chứng chỉ CMMI từ mức 3 trở lên sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí đánh giá theo thực tế nhưng không quá 10.000 USD.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5, Quy chế này được đánh giá sẽ góp phần phát triển hơn nữa ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của nước ta, hiện là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố ngày 31/3/2009.
(theo chinhphu.vn)