Tại hội thảo “Ứng dụng, khai thác hiệu quả Viễn thông – CNTT trong quản lý Nhà nước và kinh doanh” do Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu KV1 (VDC1) và VNPT Nghệ An tổ chức vừa qua, ông Hồ Quang Thành - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho biết – Lãnh đạo tỉnh đã đưa ra quyết tâm: đến năm 2015, Nghệ An sẽ phấn đấu trở thành “tỉnh điện tử”.
Những cơ sở khả quan
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Nghệ An đã và đang nổi lên là một trong những địa phương năng động, có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội… nhanh chóng. Đặc biệt, trong lĩnh vực viễn thông – CNTT, nếu như cách đây 3 năm chỉ số sẵn sàng CNTT của Nghệ An chỉ đứng thứ 37 trên tổng số 64 tỉnh thành, thì năm 2008 đã xếp ở vị trí thứ 18. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An xếp thứ 13/64 tỉnh thành (theo kết quả xếp hạng của Bộ TT&TT công bố tháng 1/2009), chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT index) của tỉnh năm 2008 xếp thứ 18 trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước, trên 400 doanh nghiệp và 25 cơ quan Nhà nước có website…
Cũng với thời điểm năm 2008, trên 60% cơ quan Nhà nước đã kết nối băng thông rộng; 83,2% doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có mạng LAN và 91% kết nối Internet… Theo lộ trình, đến cuối năm 2009 tỉnh sẽ đưa thêm 4 dịch vụ công lên mạng là cấp phép đầu tư, xây dựng, cấp phép chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý nhân khẩu, hộ khẩu.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai 4 dự án CNTT quan trọng theo Quyết định 43 của Chính phủ như dự án xây dựng Công viên CNTT, dự án thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng, dự án BMGF do tổ chức phi Chính phủ Bill and Melinda Gates (Hoa Kỳ) viện trợ không hoàn lại và đang vận động dự án ODA nhằm xây dựng tỉnh Nghệ An điện tử từ Ngân hàng Thế giới…
Cụ thể, ông Hồ Quang Thành cho biết: Từ tháng 9/2006, đề án xây dựng TP Vinh trở thành Trung tâm CNTT của vùng Bắc Trung Bộ đã được phê duyệt với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hoá từ các doanh nghiệp bưu chính, CNTT… chiếm khoảng 1.600 tỷ. Hiện TP Vinh đang triển khai xây dựng công viên CNTT (Nghe An IT Park) với diện tích 10ha theo mô hình “đô thị CNTT” với các lĩnh vực sản xuất phần mềm, lắp ráp thiết bị phần cứng, khu vực văn phòng cho doanh nghiệp CNTT thuê… Dự kiến, trong năm 2010 dự án sẽ khởi công. Như vậy, cùng với Công viên phần mềm VTC ở trung tâm TP Vinh (khởi công từ năm 2008 với mức đầu tư 83 triệu USD), các dự án hứa hẹn sẽ trở thành môi trường đầu tư, làm việc thuận lợi.
Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam, ông Đỗ Duy Dũng, Giám đốc VNPT Nghệ An cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2009, Nghệ An đã có thêm gần 11.000 thuê bao ADSL mới, đẩy số lượng thuê bao MegaVNN lên tới con số 35.000. Theo dự kiến, đến hết năm nay sẽ phát triển thêm 20.000 thuê bao mới. Đứng trước tốc độ phát triển nhanh chóng đó, trong thời gian tới VNPT sẽ đẩy mạnh “cáp quang hoá” các tuyến truyền dẫn viba, tăng cường xây dựng hạ tầng thông tin di động, đảm bảo hạ tầng và nguồn lực cho phát triển 3G, lắp đặt thiết bị IP - DSLAM cho tất cả các trạm chuyển mạch tại những khu vực mật độ dân số cao như khu đô thị mới…
Con đường trở thành “tỉnh điện tử” đã gần
Với các dự án đang thực hiện, mục tiêu của tỉnh đặt ra đến cuối năm 2010 sẽ có 60% thông tin điều hành được tích hợp lên cổng thông tin điện tử (hiện nay là 30%), 60 - 80% công chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh sử dụng e-mail thường xuyên trong công việc, 80% văn phòng, UBND tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành qua mạng...
Trong định hướng đến năm 2015, lãnh đạo tỉnh phấn đấu sẽ đưa Nghệ An trở thành “tỉnh điện tử” với hầu hết dịch vụ công cơ bản trực tuyến đạt mức 3 và 4, tạo môi trường làm việc điện tử trong các cơ quan như sử dụng e-mail, phần mềm quản lý hồ sơ công việc và điều hành, đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh, đầu tư, xây dựng… qua mạng, đẩy mạnh thực hiện giao ban trực tuyến để thực hành tiết kiệm, thời gian, hình thành cửa tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân qua mạng…
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Tại hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Hồ Quang Thành nhấn mạnh đến một số khó khăn như nhận thức của lãnh đạo nhiều đơn vị, cơ quan về lợi ích của mạng Internet và ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế… Cùng với đó, hiện nay dù đã kết nối Internet tốc độ cao nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chỉ khai thác ứng dụng ở mức thấp và tự phát (như gửi thư, lướt web…), còn rất nhiều ứng dụng mang hiệu quả cao hơn như VoIP, hội nghị video, intranet… vẫn chưa được biết tới để có thể phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Nguyên Đức