Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 22, tập trung vào ba nội dung chính: quản lý nhà nước đối với nội dung trên Internet, các game online có yếu tố bạo lực, khiêu dâm; quản lý cấp phép tần số và nội dung các kênh truyền hình và về nguồn thu ngân sách từ vô tuyến điện.
Ngay từ phần giải trình bằng văn bản, bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận có sự khiếm khuyết trong quản lý và điều hành những vấn đề nêu trên. Dường như lường trước sẽ có nhiều câu hỏi gai góc, người đứng đầu ngành thông tin truyền thông trần tình về những khó khăn khi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
"Trước khi đi vào trả lời chất vấn, tôi xin vài phút trình bày về đặc điểm của ngành thông tin truyền thông, với mong muốn đại biểu chia sẻ với khó khăn mà bộ đã vượt qua và đồng tình với các kế hoạch sắp tới. Bộ chúng tôi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từ trên trời như viễn thông, dưới biển (cáp quang) và các vấn đề mặt đất. Chúng tôi đi nước ngoài mới thấy, với số lượng công việc mà bộ chúng tôi đang làm thì họ phải 3 bộ mới quản lý xuể", ông Hợp trần tình.
Giãi bày của bộ trưởng được đại biểu Nguyễn Ngọc Đào ghi nhận, song ông tiếp tục chất vấn về vấn đề quản lý trò chơi điện tử trực tuyến cho dù trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi văn bản giải trình trước phiên họp. Cho rằng game online bạo lực và khiêm dâm đi vào từng ngõ xóm và đang là hiểm họa với cộng đồng, ông Đào chất vấn: "Bộ có biện pháp gì về kỹ thuật để kiểm soát vấn đề này?".
Để quản lý trò chơi trực tuyến, từ năm 2006, liên bộ Văn hóa - Thông tin, Bưu chính - Viễn thông, Công an đã ban hành Thông tư số 60 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online, người chơi và trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan.
Thông tư cũng đưa ra các quy định cụ thể nhằm cấm phát hành game có nội dung xấu, hạn chế việc chơi quá nhiều, hạn chế tác động tiêu cực của game online đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh.
|
Theo Bộ trưởng Hợp, game online cũng có những hiệu quả xã hội nhất định, không hoàn toàn xấu. Chẳng hạn những trò chơi tại gia đình phù hợp với các lứa tuổi sẽ giúp rèn luyện phản xạ nhanh, rèn luyện trí não, giúp người chơi tiếp cận thông tin rộng. Game cũng là phương tiện giải trí hữu ích sau thời gian căng thẳng học hành, làm việc. Tuy nhiên, ông thừa nhận 2 điểm tiêu cực của game online. Theo ông, trò chơi này rất hấp dẫn, dễ cuốn hút làm mất thời gian và thậm chí khiến người chơi lệ thuộc vào thế giới trong game. Hơn nữa, có nhiều nội dung không tốt, bạo lực, khiêu dâm, ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.
"Cái gì cũng có hai mặt, ngay cả cái tốt nếu như làm quá đi cũng không tốt, ví dụ ăn uống cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, nhưng quá đi cũng không tốt. Game online mỗi ngày chơi một hai tiếng không sao, nhưng chơi quá đi không tốt, các cháu cần phân bổ thời gian chơi hợp lý, dưới sự định hướng của gia đình", ông Hợp thẳng thắn.
Theo ông, game online do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trực tuyến phát hành đều đã được thẩm định nội dung, kịch bản, hình ảnh để đảm bảo không vi phạm quy định. Tuy nhiên do đặc thù môi trường Internet, vẫn còn tồn tại những trò chơi trực tuyến do nước ngoài cung cấp (máy chủ ở nước ngoài) và trò chơi điện tử offline (trò chơi điện tử được cài đặt sẵn trên máy tính, băng đĩa, không cần nối mạng internet) có nội dung bạo lực, sex chưa được kiểm duyệt nội dung. Tới đây, bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn cho Chính phủ xây dựng quyết định mới thay thế Thông tư 60 để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp từng là người ngoại đạo đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, song phần trả lời chất vấn trực tiếp cho thấy ông nắm rõ vấn đề có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giải đáp thắc mắc của đại biểu. Trả lời đại biểu Đào Trọng Thi về giải pháp của bộ với vấn nạn cung cấp thông tin không đúng, thông tin chống phá Nhà nước, trái thuần phong mỹ tục, Bộ trưởng Hợp cho rằng cần nhìn nhận ưu điểm và lợi ích của Internet để bình tĩnh xử lý vấn đề.
"Blog, Internet ra đời là sự phát triển ngoạn mục của công nghệ thông tin. Internet là không gian rộng, cửa mở toang, không phân biệt quốc gia, vùng miền. Đây là điểm hay nhất nhưng với cơ quan quản lý lại là điều khó nhất. Song chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng, không nên nhìn cái gì cũng màu xám, mà cần bình tĩnh để xử lý tình huống", ông nhấn mạnh. Ông Hợp dẫn chứng sức mạnh của Internet khi cho biết lượng người dùng lên đến hơn 21 triệu, lớn hơn 3 lần người đọc báo.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người kiến tạo và cung cấp nội dung thông tin trên Internet ở mọi nơi, mọi lúc không cần công khai danh tính. Vì thế sẽ phát sinh tiêu cực nếu người dùng cố tình cung cấp thông tin sai, độc hại.
"Tiếp cận Internet là đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong. Chúng ta không thể dùng barie ngăn việc cung cấp nội dung trên Internet mà cần nghiên cứu, định hướng và khai thác phương tiện này một cách hiệu quả, có lợi cho mình", người đứng đầu ngành truyền thông tỏ ra cởi mở với phương tiện thông tin hiện đại.
Đại biểu Hoàng Văn Toàn đề cập tới vấn đề nóng nhất hiện nay của Bộ Thông tin Truyền thông: Quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước. Viễn thông là ngành có doanh thu lớn và đóng góp ngân sách quan trọng. Theo số liệu của Bộ trưởng Hợp, doanh thu viễn thông hiện đạt tương đương 95.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó di động đóng góp 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn nạn tin nhắn rác, cung cấp thông tin phản cảm qua điện thoại di động đang gây khó chịu cho người sử dụng, và một phần nguyên nhân, theo đại biểu Toàn, là sự lỏng lẻo trong quản lý thuê bao trả trước. Trong khi chưa quản đến nơi đến chốn, mới đây Bộ lại ban hành thông tư cho phép mỗi thuê bao có thể sở hữu tới 21 sim điện thoại trả trước (trung bình mỗi mạng, khách hàng được mua tối đa 3 sim). "Chúng ta cho mua tới 21 sim, liệu có nhiều không và có nên điều chỉnh?", ông Toàn chất vấn. Ông cũng nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin cá nhân do thuê bao tự khai báo.
Bộ trưởng Hợp mạnh dạn nhận khuyết điểm và cho biết có sự lúng túng trong quản lý thuê bao trả trước. Việc cho phép mỗi thuê bao sở hữu tối đa 21 sim điện thoại, theo Bộ trưởng có thể không khả thi. Ông kể câu chuyện một du học sinh sang Hàn Quốc, gia đình vẫn chưa liên lạc được, vì chưa làm xong thủ tục mua sim điện thoại. "Ta làm cái này kém, sim bán hơi tự do", ông Hợp nói.
Theo quy định hiện hành, tất cả các thuê bao dù trả trước hay trả sau đều phải khai báo khi hòa mạng. Song độ chính xác của những thông tin khai báo này, theo đánh giá của Bộ trưởng Hợp là khó đảm bảo, chỉ khoảng 30%. Ông đề nghị các bộ ngành phối hợp tham gia quản lý cùng Bộ Thông tin Truyền thông trong vấn đề này. Đặc biệt, công tác quản lý sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu Bộ Công an hoàn thiện dữ liệu chứng minh thư nhân dân, và càng tốt hơn nếu có được chứng minh thư điện tử.
Song Linh