Tận dụng lợi thế "đối tác ưa thích"
Mặc dù vậy, những nỗ lực trên vẫn được nhìn nhận là "tiềm năng" chứ chưa trở thành "cơ hội" thực sự đối với ngành phần mềm Việt Nam. Theo ước tính của Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA), tổng doanh thu ngành công nghiệp phần mềm nước này năm 2008 lên tới 170 tỷ USD. Trong đó, "miếng bánh" dành cho thuê gia công ngoài biên giới Nhật Bản khoảng 3,9 tỷ USD được 2 "đại gia" outsourcing là Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần hết với tỷ lệ lần lượt là 85% và 15%.
Việt Nam có tốc độ phát triển rất ấn tượng trong những năm gần đây đã vươn lên vị trí thứ 3 trong các đối tác với Nhật Bản, nhưng thị phần vẫn rất nhỏ bé chỉ ới 0,5%. Nhiều công ty phần mềm Việt Nam có 100% doanh thu từ Nhật Bản, doanh nghiệp phần mềm lớn nhất Việt Nam là FPT có 56% doanh thu từ thị trường này. Các công ty phần mềm lớn của Nhật như Hitachi, NEC, Fujitsu… đều đã mở công ty con tại Việt Nam và đang phát triển quân số rất nhanh để đáp ứng nhu cầu gia công đến từ công ty mẹ.
"Sau 5 năm, từ con số 0 chúng ta đã vươn lên là đối tác lớn thứ 3 trong gia công phần mềm với Nhật Bản, chiếm 0,5% thị phần và là đối tác được ưa chuộng nhất", ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch CLB Hợp tác CNTT Việt - Nhật, cho biết. "Cơ hội cho hợp tác doanh nghiệp 2 nước còn rất lớn, nếu chúng ta khai thác tốt thì trong 5 năm tới có thể nâng thị phần lên 10 lần, chiếm 5%".
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhân lực CNTT là vấn đề then chốt để phát triển công nghiệp phần mềm nói riêng, CNTT nói chung. Thực trạng nhân lực CNTT trên thế giới hiện nay là sự thiếu hụt ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước phát triển. Đây là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có dân số đông và nền giáo dục tốt. Ấn Độ, Trung Quốc là 2 nước đang tận dụng tốt ưu thế của mình và giành được những thành công.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã nhìn thấy cơ hội và Chính phủ đã tuyên bố mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực CNTT đến năm 2020. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), hiện Việt Nam có khoảng 15.000 kỹ sư CNTT đang làm việc - con số này quá ít so với những "đối thủ" cạnh tranh. Bên cạnh đó, những lao động này cũng chưa thực sự có "thương hiệu" chất lượng cao để đảm nhiệm những công việc có hàm lượng chất xám nhiều.
"Nhân lực Việt Nam vẫn chỉ đang đảm nhận những công việc từ mức trung trở xuống chứ chưa được mức cao. Cụ thể, chúng ta vẫn đang thực hiện những dự án mà người Nhật đã thiết kế sẵn, đưa ra những yêu cầu rất cụ thể và đưa cho chúng ta làm từng phần một", ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA, chia sẻ. "Cũng có những dự án chúng ta làm từ đầu đến cuối, nhưng vẫn dưới sự thiết kế hoặc quản trị dự án của người Nhật. Chưa có sản phẩm hoặc dự án nào Việt Nam có thể làm từ A-Z hay Việt Nam tự nghĩ ra và giới thiệu cho người Nhật “đây là phần mềm của chúng tôi".
Ông Nguyễn Đình Thắng: "Mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT là hoàn toàn có thể".
|
|
Cần tác động để "vặn" chìa khóa
Trao đổi về mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT tới năm 2020, người đại diện VINASA cũng khẳng định con số trên là "hoàn toàn có thể" bởi những nhân tố phục vụ việc đào tạo đảm bảo cả về lượng và chất đều đã hội tụ đủ. Điều đó thể hiện qua 4 yếu tố chính.
Thứ nhất, Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm. Tháng 6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu của Kế hoạch là tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực CNTT, đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Chính phủ sẽ dành 900 tỷ đồng ngân sách để triển khai Kế hoạch quan trọng này.
Thứ hai, xu hướng dịch chuyển nhân lực CNTT của thế giới trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế cũng tạo các điều kiện và cơ hội cho Việt Nam. Các hãng công nghệ nước ngoài vẫn đang tìm kiếm những nước đang phát triển có nguồn nhân lực CNTT trẻ, rẻ để dịch chuyển.
Thứ ba, nhu cầu CNTT trong nước cũng trở nên mạnh mẽ. Càng suy thoái, các doanh nghiệp lại càng tìm kiếm các công nghệ cao để ứng dụng nhằm giảm chi phí quản lý, nâng sức cạnh tranh.
Thứ tư, nền tảng công nghệ của Việt Nam hiện nay cũng đã rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Nếu không có điều kiện về hạ tầng viễn thông Internet tốt như vậy, chắc chắn đào tạo CNTT sẽ không phát triển tốt, không có đào tạo về e-learning, không có môi trường để các kỹ sư CNTT-VT ra trường và thực tập, trau dồi kiến thức và trau dồi thêm kỹ năng.
Một trong những yếu tố căn bản của lao động CNTT Việt Nam hiện nay vẫn là khả năng ngoại ngữ cùng các "kỹ năng mềm" khác như làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, quản lý thời gian, giải quyết khủng hoảng...
"Trong quá trình làm việc, phía Nhật Bản cũng luôn mong muốn người lao động Việt Nam nâng cao được các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Điểm đặc biệt trong làm việc với đối tác Nhật Bản là phải thông thạo tiếng Nhật", Phó Chủ tịch VINASA chia sẻ kinh nghiệm.
Để đạt được điều này, cung và cầu trên thị trường nhân lực CNTT nội địa cần có một nỗ lực để bắt nhịp được với nhau.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết vấn đề bằng cách xúc tiến với các doanh nghiệp để gắn kết, điều chỉnh được những hoạt động đào tạo của mình. Lắng nghe doanh nghiệp, nhưng không phải là những nhu cầu cụ thể của họ mà đưa vào chương trình chính thức. Những cái đó được giải quyết bằng các chương trình ngắn hạn.
"Thực tế, trường đại học và doanh nghiệp hiện nay vẫn là hai thực thể khác nhau. Đầu vào và đầu ra của 2 nơi cũng không phải khi nào cũng trùng khít. Đây cũng là băn khoăn của chúng tôi tại trường Đại học FPT", TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, nói.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị đào tạo không dựa trên nhu cầu của một hoặc vài đơn vị cụ thể mà phải dựa trên số liệu phân tích của cả ngành. Những số liệu có thể thay đổi, nhưng hoàn toàn có thể dự đoán và ổn định trong khoảng 5-7 năm.
"Đây là thời điểm thích hợp để kích thích phát triển công nghệ phần mềm. Và quyết tâm của Đảng, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp, cộng thêm đội ngũ lao động trẻ của Việt Nam, chắc chắn việc đưa đội ngũ lao động lĩnh vực CNTT lên mức 1 triệu trong vòng 10 năm tới là hoàn toàn đạt được", Phó Chủ tịch VINASA nói.
Hải Phương
(theo VietNamNet)