Theo nội dung công văn số 3715/VPCP - KGVX vừa được ban hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, hoàn chỉnh lại Đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông năm 2020". Song song với việc hoàn thiện lại Đề án, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông còn là dự thảo Quyết định của Thủ tướng, xong trước ngày 10/6/2010.
Cũng trong công văn này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định Đề án và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6/2010.
Được đánh giá là một trong những đề án thể hiện khát vọng tăng tốc, giành thời cơ phát triển của ngành CNTT-TT, dự thảo đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông năm 2020 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng đã thu hút sự quan tâm góp ý của đông đảo nhân dân cũng như giới CNTT-TT Việt Nam trong thời gian vừa rồi.
Có thể nói, ít có một đề án nào về lĩnh vực CNTT mà lại giành được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng trong giới như Đề án Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Ngay khi những bản dự thảo đầu tiên của Đề án được đưa ra, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện ở nhiều khía cạnh. Từ đại diện các Hội, Hiệp hội, các chuyên gia trong ngành tới các doanh nghiệp hiện đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Mỗi người đưa ra một ý tưởng, một quan điểm đóng góp khác nhau song đều rất tâm huyết.
Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại dự thảo Đề án đó là đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ đứng thứ 60 trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỉ trọng 20 - 23% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Gần hơn, mục tiêu tổng quát đưa ra đến năm 2015 Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo hoạch định, để đạt được các mục tiêu này, CNTT-TT Việt Nam phải thực hiện tốt 6 nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông; Đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn, máy tính đến hộ gia đình; Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội của người dân; Phát triển công nghiệp CNTT; Phát triển nguồn nhân lực CNTT; Xây dựng các tập đoàn CNTT làm chủ quốc gia vươn ra quốc tế.
Thuỷ Nguyên