Kèm theo đó là các nhóm giải pháp, cơ chế - chính sách quan trọng mang tính dẫn đường cho sự phát triển của toàn ngành CNTT&TT Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đưa CNTT&TT trở thành động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Các trụ cột của ngành CNTT&TT sẽ có sức bật lớn, cụ thể, nguồn nhân lực CNTT đạt tiêu chuẩn quốc tế; công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu; hạ tầng viễn thông băng rộng được thiết lập trên phạm vi cả nước, CNTT được ứng dụng hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020, tỷ trọng CNTT&TT đóng góp vào GDP đạt từ 8-10%.
Những chỉ tiêu dẫn đầu
Đề án chỉ ra các mục tiêu cụ thể của ngành CNTT&TT từ nay đến năm 2020. Theo đó, về nguồn nhân lực CNTT, 80% SV CNTT&TT tốt nghiệp ĐH đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 1 triệu người. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 70%.
Trong xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT&TT, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn CNTT hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt trình độ, quy mô thế giới, trong đó một số doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 15 tỷ USD.
|
Việt Nam sẽ nằm trong 10 nước dẫn đầu về gia công phần mềm và nội dung số. |
Để thực sự khẳng định vị thế “nước mạnh về CNTT&TT”, Đề án đưa ra những mục tiêu cụ thể nhằm xác lập vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng của thế giới.
Về công nghiệp CNTT, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có mặt trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số.
Hạ tầng viễn thông băng rộng, theo mục tiêu của Đề án, sẽ nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu.
Về ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử Việt Nam thuộc loại khá trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng CPĐT.
Cơ chế đặc thù - Chính sách đột phá
Để hoàn thành các mục tiêu, 6 nhóm giải pháp được Thủ tướng phê duyệt bao gồm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tích cực xã hội hoá đầu tư cho CNTT&TT; đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng và hoàn thiện thể chế; và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, đặc biệt quan trọng là bổ sung các cơ chế - chính sách đột phá phù hợp với đặc thù của lĩnh vực CNTT&TT.
Về chính sách đầu tư, ưu đãi cao nhất về đầu tư đối với các dự án phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các dự án xây dựng các khu công nghiệp CNTT tập trung.
Về thuế, Thủ tướng cho phép áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất của Luật Công nghệ cao về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với các hoạt động CNTT&TT bao gồm cả hoạt động đầu tư, xây dựng và sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT.
Ngoài ra, về đất đai, địa điểm, sẽ miễn, giảm tiền giao đất, tiền thuê sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT; ưu tiên lựa chọn, bố trí đất sạch có vị trí và diện tích thuận lợi phù hợp với yêu cầu xây dựng khu CNTT tập trung nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư và nguồn nhân lực trình độ cao.
Bên cạnh Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng loạt các Bộ và cơ quan ngang Bộ bao gồm Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ cùng chung tay thực hiện các mục tiêu của Đề án này.
Theo Vietnamnet