Theo đó, NISCI đã lựa chọn các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây trên máy chủ của IBM để xây dựng một trung tâm kiểm thử điện toán đám mây, giúp NISCI có được một nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) linh hoạt và năng động hơn.
Trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, NISCI có chức năng nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách, và các dự án phát triển trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số tại Việt Nam. Ngoài ra, NISCI cũng triển khai những sáng kiến và đề xuất các giải pháp CNTT cho một số các cơ quan chính phủ. Để thực hiện được những trách nhiệm này, NISCI đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây như một phương thức tiếp cận cho mọi dịch vụ dựa trên nền tảng CNTT.
Trong số các giải pháp điện toán đám mây trên máy chủ hiện có trên thị trường, NISCI đã lựa chọn giải pháp tổng thể của IBM bao gồm: máy chủ phiến IBM BladeCenter S, giải pháp quản lý đám mây IBM Tivoli Service Automation Manager, giải pháp kiểm thử IBM Rational Test Portfolio, và dịch vụ triển khai điện toán đám mây của IBM.
Thông qua việc ứng dụng các công nghệ điện toán trên máy chủ của IBM, NISCI cũng đã thành công trong việc nghiên cứu phát triển giải pháp điện toán đám mây doanh nghiệp trên máy trạm trong dự án iDragon Cloud, tạo thành một nền tảng hài hòa cho ứng dụng điện toán đám mây doanh nghiệp ở Việt Nam.
TS. Trần Viết Huân, Giám đốc kiêm Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Giải pháp Điện toán đám mây của IBM tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi vui mừng nhận thấy những thành tựu mà Trung tâm Giải pháp điện toán đám mây của IBM tại Việt Nam đang góp phần giúp các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp những mô hình công nghệ tiên tiến trên thế giới”.
“Điện toán đám mây chính là nhân tố thúc đẩy các quá trình chuyển đổi kinh doanh. Đây chính là mục tiêu mà thế giới cũng như ngành công nghiệp ICT Việt Nam đang hướng tới”, ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng NISCI chia sẻ.
Năm 2008, với tư cách là doanh nghiệp đầu tiên khai thác và tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây tại Việt Nam, IBM đã hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST) thành lập nên Cổng thông tin Đổi mới và Sáng tạo (VIP), một chương trình định hướng sáng tạo mở trên nền tảng điện toán đám mây. Sau đó, cũng trong năm 2008, IBM đã thành lập Trung tâm Giải pháp Điện toán Đám mây tại Việt Nam để giúp chính phủ đưa ra những mô hình đầu tư CNTT mới, hướng tới một môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế và xã hội Việt Nam.
IBM đã triển khai giải pháp điện toán đám mây cho nhiều khách hàng tại Việt Nam, như Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) năm 2008 và gần đây là Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) năm 2009
Khôi Linh