Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị quốc gia về CNTT-TT năm 2010, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 –CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” diễn ra vào ngày 3/12 tại Hà Nội.
“Từ không thành có”
Ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào hội nhập và phát triển kinh tế, Chỉ thị 58 (ban hành năm 2000) đã thổi luồng sinh khí mới tạo tiền đề thúc đẩy ngành CNTT-TT phát triển. Sau 10 năm, ngành CNTT-TT đã có những tiến bộ vượt bậc với tốc độ tăng trưởng hàng năm 20-25%, cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Công nghiệp CNTT và viễn thông đã đạt 13 tỷ USD trong năm 2009, tăng gấp 15 lần so với năm 2000 và đóng góp khoảng 6,7% tổng GDP cả nước. Dự kiến trong năm 2010, công nghiệp CNTT và viễn thông sẽ đạt 16 tỷ USD. CNTT hiện được ứng dụng rộng rãi trong xã hội và các thành phần kinh tế. Tỷ lệ người sử dụng Internet và di động của Việt Nam đã cao hơn mức trung bình thế giới. Bên cạnh đó, năng lực đào tạo nhân lực ngành CNTT-TT cũng tăng khoảng 5 lần với 50.000 chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT-TT mỗi năm.
Vị trí của ngành CNTT-TT Việt Nam trên bản đồ thế giới, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đã phát triển “từ không thành có”. Ở lĩnh vực phần mềm, Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm; riêng Hà Nội và TP.HCM được xếp trong top 10 thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.
Phát triển lệch, đầu tư chưa tương xứng
Mặc dù phát triển “từ không thành có”, nhưng trong 10 năm qua ngành CNTT-TT đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần có giải pháp khắc phục để phát triển trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hạn chế đầu tiên là nhận thức và sự quan tâm đối với ứng dụng, phát triển CNTT chưa đồng đều, có sự chênh lệch trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Đơn cử, trong khi một số bộ như Bộ Tài chính và Bộ Công thương có tới 100% cán bộ được trang bị máy tính và kết nối Internet thì một số nơi như Bộ Y tế và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ có 30-50% cán bộ có máy tính và kết nối Internet.
Sự chênh lệch về trang bị máy tính và Internet ở các địa phương lên tới 20 lần. Ví dụ, Điện Biên, dù là một tỉnh miền núi xa xôi, rất nghèo nhưng tỷ lệ cán bộ viên chức có máy tính là 100%. Trong khi đó, Lai Châu chỉ đạt tỷ lệ cán bộ có máy tính là 50%, Tuyên Quang tỷ lệ này đạt 33%, còn Thái Nguyên chỉ có 5%.
Việc phát triển công nghiệp, theo Phó Thủ tướng, vẫn mang tính tự phát cao, vai trò hỗ trợ dẫn dắt của nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành CNTT còn hạn chế mặc dù đã có các hiệp hội. Phát triển công nghiệp phần cứng cũng đang lúng túng, hầu hết giá trị ngành này thuộc về các công ty nước ngoài và chỉ có một công ty Việt Nam duy nhất ở quy mô khá là CMS về sản xuất máy tính. Hơn nữa, ngành CNTT cũng có rất ít những sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia. Việc phát triển phần mềm mã nguồn mở dù nói khá nhiều nhưng tốc độ đạt được còn chậm.
Trước thực trạng trên, Ph&
oacute; Thủ tướng cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến ngành CNTT đạt hiệu quả chưa cao là do các chính sách ban hành chậm. Đơn cử như cơ chế quản lý các dự án CNTT dùng ngân sách và văn bản về định giá phần mềm phải 9 năm sau khi có Chị thị 58 mới có. Chính sách để thu hút cán bộ chuyên trách CNTT-TT trong cơ quan cũng chậm trễ, hiện mới chỉ có vài địa phương có.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cũng chỉ ra rằng đầu tư về nhân lực và tài chính thời gian qua chưa tương xứng với các mục tiêu “đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tỷ lệ đầu tư ngân sách cho CNTT của Việt Nam chỉ chưa đầy 1%, quá thấp so với các nước trong khu vực (ví dụ Thái Lan và Indonesia đầu tư khoảng 4% ngân sách cho CNTT) và so với đóng góp của ngành này cho GDP. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế đặc thù cho trả lương và đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT.
Tăng tốc có trọng tâm, trọng điểm
Trong giai đoạn 10 năm tới, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, ngành CNTT-TT sẽ triển khai theo Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo chương trình triển khai đề án này. Dự thảo chương trình này đã liệt kê gần 150 nhiệm vụ cụ thể dành cho các bộ ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp chủ lực và các hiệp hội trong ngành CNTT-TT.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, chương trình triển khai “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” sẽ dựa trên 6 giải pháp cơ bản: tăng cường tuyên truyền nhận thức; tích cực xã hội hoá đầu tư cho CNTT-TT, đặc biệt là phát triển hạ tầng; đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện các thể chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và đất đai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Nhận định về giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tin rằng ngành CNTT-TT hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đóng góp 10% tổng GDP cả nước và có thêm 1 triệu nhân lực trình độ cao. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT-TT cần tập trung vào 3 điểm đột phá. Đầu tiên là đột phá về quản lý nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, nhà nước phải tham gia vào việc nhân rộng mô hình hiệu quả cao để có nhiều người, nhiều công ty và địa phương đạt hiệu quả cao; có cơ chế và chính sách để các doanh nghiệp tham gia các dự án CNTT-TT lớn theo hình thức hợp tác công – tư; nghiên cứu tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông. Bên cạnh đó, ngành CNTT-TT cần thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ 6 tháng 1 lần giữa nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách.
Trong năm 2011, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phải dứt điểm việc xây dựng đề án chế độ thu nhập cho các cán bộ chuyên trách về CNTT trong hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương cho đến địa phương.
Đột phá thứ hai là tập trung phát triển các doanh nghiệp và các sản phẩm quốc gia. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ tiếp thị, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn để trở thành những doanh nghiệp đầu đàn trong cả nước và tạo thành thương hiệu quốc tế khi bước ra nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực CNTT cũng sẽ được khuyến khích sáp nhập để tăng quy mô cạnh tranh và được hỗ trợ về đào tạo kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, những sản phẩm hiện nay xấp xỉ thương hiệu quốc gia hoặc những sản phẩm đã vươn ra thế giới như BKAV sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước để sớm trưởng thành và có vị trí quốc tế.
Đột phá thứ ba là phát triển nhân lực. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết chính phủ sẽ đặt hàng một đơn vị đứng ra thống kê và khảo sát nhu cầu nhân lực CNTT với hy vọng tạo ra liên kết chặt chữa giữa cung và cầu. Ngoài ra, Chính phủ sẽ sớm hình thành một hội đồng hiệu trưởng và các trưởng khoa của các trường đào tạo CNTT trên cả nước để thống nhất về chương trình đào tạo, chuẩn đào tạo và liên thông.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT và viễn thông như Viettel và CMC nên có các trung tâm đào tạo nhân lực cho mình cũng như xã hội. Hiện nay, mới chỉ có FPT và VNPT có trường đào tạo nhân lực riêng.
“Thổi” lại nhiệt huyết phát triển CNTT
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho rằng Chỉ thị 58 ra đời đã thổi không khí nhiệt huyết với phát triển CNTT trong những năm đầu thế kỷ 21. Ngay khi có Chỉ thị 58, TP.HCM đã rất nhiệt tình ban hành ngay một chương trình phát triển CNTT chung với 9 chương trình và 12 dự án cụ thể. Trong số đó đến nay, có hai dự án có thành quả tốt là cổng thông tin điện tử thành phố Cityweb và công viên phần mềm Quang Trung.
Để triển khai thành công tham vọng đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, theo ông Hà, cần có làm sống lại nhiệt huyết phát triển CNTT-TT giống như Chỉ thị 58 đã từng làm được. Bên cạnh đó, ông Hà cũng đề nghị ngành CNTT-TT nên đầu tư có trọng điểm, chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phần mềm ở những thành phố lớn chứ không nên chú trọng phát triển ngành này ở những vùng sâu, vùng xa. Trọng điểm thứ hai là tập trung vào phát triển ứng dụng CNTT, tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp phát triển. Còn về công nghiệp, ông Hà cho rằng chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phần mềm. Trong đó, nhà nước chỉ cần tạo ra hạ tầng thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT cũng cho rằng cần có chương trình quốc gia khơi lại không khí phát triển CNTT nhằm tạo sức hút cho ngành này. Theo ông Tùng, ngành CNTT đang dần mất giá, biểu hiện cụ thể là số lượng thí sinh dự thi vào ngành này bắt đầu giảm kể từ năm 2008.
Về vấn đề này, ông Đỗ Trung Tá, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, cho biết Ban Chỉ đạo sẽ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên về CNTT-TT nhằm chỉ đạo, định hướng để đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng sẽ kiến nghị đưa vào văn kiện Đại hội Đảng XI nội dung “ứng dụng và phát triển CNTT-TT giai đoạn 2011-2015 là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tạo sự phát triển đột phá chiến lược, là nền tảng và động lực cho hiện đại hoá và tri thức hoá nền kinh tế”.
Nếu những đề nghị trên được thực hiện cùng với chương trình triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, ông Tá tin rằng không khí phát triển ngành CNTT-TT ở Việt Nam chắc chắn sẽ lại được thổi bùng lên như đã từng có được trong những năm đầu tiên Chỉ thị 58 ra đời.
Duy An
|
Duy An- Nguyễn Khiêm