Cuối năm 2010, đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” (đề án) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bằng quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010. Giới CNTT-TT Việt Nam thấy như “mở cờ” trong bụng. Vì một lĩnh vực quan trọng của Quốc gia chính thức được người đứng đầu nhà nước ghi nhận với những mục tiêu cụ thể của đề án.
Tuy nhiên, nỗi vất vả xây dựng nên đề án cũng như để đề án được phê duyệt thì không phải ai cũng rõ. TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin – Truyền thông (viện TT-TT) đã chia sẻ những câu chuyện phía sau đề án này.
- Thưa ông, nhiều người tò mò không biết đề án này được hình thành và viện TT-TT bắt tay xây dựng đề án như thế nào?
- Vào năm 2009, trong cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng chiến lược chính sách để đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin (CNTT). Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã thực hiện ý kiến chỉ đạo đó. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong bộ và tại thời điểm đó, các đơn vị thấy rằng nhiệm vụ này viện TT-TT tiếp nhận nhiệm vụ này là hợp hơn cả.
Như Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói, đây là cơ hội vàng cho thế hệ trẻ, là định hướng xuyên suốt từ nay đến năm 2020 về lĩnh vực CNTT-TT. Và nhiệm vụ này là lời hứa danh dự với dân Việt Nam và với thế giới trong lĩnh vực CNTT-TT. Do đó, chúng tôi bắt tay vào làm ngay đề án này.
Nhiều người sẽ hỏi tại sao đây không phải là chiến lược mà gọi là đề án. Vì tại thời điểm đó, Bộ TT-TT vừa trình lên chính phủ chiến lược Phát triển CNTT-TT đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020. Như vậy ra một chiến lược nữa thì không cần thiết. Và đề án ra đời cụ thế hóa những chiến lược đã trình. Đó là xuất xứ ra đời đề án.
- Đề án có nêu khá rõ về mục tiêu đến năm 2020 đóng góp của CNTT-TT là 8% - 9% cho GDP. Nhân lực làm về CNTT trong các doanh nghiệp là 1 triệu. Vậy, đơn vị xây dựng đề án đã dựa vào căn cứ gì để đưa ra những con số mục tiêu như vậy trong đề án, thưa ông?
- Về con số đóng góp cho GDP, chúng tôi đưa ra cao hơn mức 8%-9%. Con só này có được dựa vào kinh nghiệm một số nước như Mỹ, Ireland, Singapore, Ấn Độ... Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có góp ý nên để ở mức 8% - 9% để đảo bảm đạt mục tiêu được tốt.
Đối với lĩnh vực rất mạnh là CNTT-TT mà không đòi hỏi đầu tư nhiều mà chủ yếu đầu tư vào nguồn lực trí tuệ. Vì vậy, như Bộ trưởng Bộ TT-TT có nói là kiến nghị nhà nước đầu tư vào đào tạo nhân lực CNTT. Khi CNTT-TT đóng góp cho GPD 8%-9% là khá lớn và đạt yêu cầu trở thành nước mạnh về CNTT.
Còn 1 triệu nhân lực được nêu trong đề án, con số này đã được đưa ra tại quyết định 698 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Kế hoạch này do Bộ Giáo dục – Đào tạo trình, Thủ tướng phê duyệt vào năm 2009. Thực ra con số này có xuất phát từ viện chiến lược TT-TT, Bộ TT-TT. Khi xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020. Quy hoạch này khi chúng tôi trình lên Thủ tướng Chính phủ, khi đó, Thủ tướng có ý kiến Bộ TT-TT tự phê duyệt. Sau đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã lấy con số đó đưa vào kế hoạch phát triển nhân lực.
Con số này có được dựa vào liệu cứ khoa học của chúng tôi như căn cứ vào số lượng cán bộ nhân viên, dựa vào lượng đào tạo, căn cứ vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Nếu nhà nước đầu tư thêm kinh phí vào lĩnh vực đào tạo CNTT thì đến năm 2020, chúng ta sẽ đạt được con số này. Vì 1 triệu nhân lực không chỉ là con số đào tạo từ các trường thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo mà còn từ các trường dạy nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.
|
Ông Lê Xuân Lan (thứ 3 từ trái sang) Viện trưởng viện Chiến lược TT-TT nhận cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2010" do chính phủ tặng.
|
- Được biết, để đề án được phê duyệt, Bộ TT-TT đã trải qua nhiều khó khăn và phải rất kiên nhẫn phải không thưa ông?
- Theo tôi, việc tuyên truyền để các bộ, ngành, doanh nghiệp hiểu rằng CNTT –TT là mũi nhọn đột phá để phát triển nền kinh tế là hết sức quan trọng.
Nhưng nhận thức này ở các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân chưa thấm nhuần lắm. Khi chúng tôi xây dựng đề án, nhiều nơi có nhiều ý kiến, tại sao không để CNTT phát triển tự nhiên. Nhưng theo chúng tôi, nếu không có một chính sách “mồi” từ nhà nước và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này thì cơ hội sẽ trôi đi.
Một điều tế nhị nữa là khi qua các bộ ngành góp ý về đề án, có bộ ngành đồng ý và ủng hộ nhưng cũng có đơn vị thấy không có lợi ích gì từ đề án này thì họ đề nghị chỉnh sửa.
Chúng tôi đã kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, chúng tôi tuyên truyền vận động suốt 1 năm 9 tháng ròng rã, tổ chức rất nhiều hội nghị hội thảo với các bộ, ngành trường đại học…Và nhận thức quan điểm đó đó dần dần được khai thông. Và kết quả là quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án. Hơn nữa, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các ban ngành đã thấy rằng vai trò của CNTT, đầu tư cho CNTT và nhân lực CNTT là bước ngoặt biến mục tiêu của đề án thành hiện thực.
- Trong đề án có nêu tới 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng theo ông nhiệm vụ nào quan trọng hàng đầu?
- Đề án có 2 điểm chính chúng tôi thấy cần thiết sự đầu tư của nhà nước là đào tạo nguồn lực CNTT. Mà đào tạo CNTT chỉ là một phần trong chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì, Bộ TT-TT phối hợp Bộ Giáo dục – Đào tạo xây dựng giáo trình…Chúng tôi sẽ bám sát Bộ GD- ĐT để tăng cường nhiệm vụ đào tạo nhân lực CNTT.
Vấn đề thứ 2 của đề án là đưa thông tin về cơ sở, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và được phê duyệt. Cái này hoàn toàn trong tay Bộ TT-TT và chúng ta hoàn toàn có thể thắng lợi như Bộ trưởng Bộ TT-TT đã nói.
|
Để nội dung đề án thấm nhuần vào các bộ ngành, doanh nghiệp, Bộ TT-TT đã tổ chức nhiều hội thảo để làm rõ nội dung và mục tiêu đề án.
|
- Vai trò của Bộ TT-TT trong việc tuyên truyền để các đơn vị nhận thức thông suốt và triển khai theo đề án như thế nào?
- Là đơn vị soạn thảo, chúng tôi nắm được tinh thần đề án, nắm được hồn của đề án. Nhưng khi thực hiện, đề án được phê duyệt chỉ có hơn 10 trang. Như vậy, khi đọc bản tóm tắt đề án, không phải ai cũng hiểu rõ được đề án này.
Bản thân chúng tôi khi làm phải nói chuyện rất nhiều, vấn đề mới vỡ được. Vì vậy, cần phải đến từng bộ ngành, địa phương để giải thích cho họ hiểu, và để tinh thần của đề án ngấm vào họ thì họ mới thực hiện nhằm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Tôi thấy chỉ đạo của Bộ trưởng rất rõ, chúng ta cần làm với từng doanh nghiệp, địa phương. Làm 1 lần chưa được thì làm 2 lần, 3 lần. Chúng ta cần có 1 đội chuyên nghiệp để làm việc này.
- Một vấn đề quan trọng của các đề án, dự án bao giờ cũng có phần kinh phí đi kèm, tại sao trong đề án này không thấy đưa phần dự toán kinh phí thưa ông?
- Đây là câu hỏi khó và liên quan đến vốn càng khó. Khi xây dựng đề án, ngoài vốn phê duyệt cho các đề án đã được đề xuất. Chúng tôi đề xuất thêm kinh phí là 140 ngàn tỉ đồng. Nhưng cần hiểu 90% vốn là của doanh nghiệp do đầu tư hạ tầng, kinh phí từ nhà nước chỉ là 10% trong 10 năm. Khi trình bày, các bộ ngành đã đồng ý, Bộ Tài chính cũng ủng hộ.
Tuy nhiên, do lo ngại trượt giá, nếu cố định con số đó sẽ bất lợi cho đề án. Vì vây, cuối cùng đề án đã không để con số vốn đầu tư thực hiện cụ thể. Từ đề án, Bộ TT-TT sẽ giao cho các đơn vị xây dựng dự án với vốn chi tiết và trình cấp trên phê duyệt.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo Vietnamnet