Liên tục tăng trưởng doanh thu
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam buộc phải cắt giảm doanh thu và nhân sự. Nhưng riêng với mảng gia công xuất khẩu phần mềm, các doanh nghiệp vẫn liên tiếp đón nhận những tín hiệu vui về sự tăng trưởng doanh thu và thị trường.
Điển hình như Công ty Phần mềm FPT Software, doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2013 đã đạt tổng doanh thu 47 triệu USD, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ 2012; tính riêng thị trường Nhật Bản, hết tháng 6/2013 đã tăng trưởng 52%, còn các thị trường khác, như Mỹ, cũng tăng trưởng khoảng 54% so với cùng kỳ. Mục tiêu doanh thu năm 2013 của FPT Software là 100 triệu USD. Ngoài hai thị trường chiến lược là Nhật Bản và Mỹ, FPT Software sẽ đặc biệt quan tâm tới thị trường châu Âu, dự tính tốc độ tăng trưởng doanh thu tại thị trường này trong 2 năm 2013 và 2014 lần lượt là 50% và 60%.
Không chỉ những "cây đa, cây đề" như FPT Software mà các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang tiếp đà tăng trưởng doanh thu và khách hàng. Trao đổi với ICTnews, ông Lê Quang Lương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Luvina cho biết doanh thu năm 2012 của Luvina đã tăng trưởng 1,8 lần so với 2011 và năm 2013 lại tiếp tục tăng trưởng hơn năm 2012.
Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên, Phụ trách Phát triển Kinh doanh Công ty ISB Việt Nam cũng chia sẻ rằng ISB Việt Nam đang hoạt động sôi nổi với rất nhiều dự án mới, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu hàng năm đạt tới 25%. Còn theo ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Công nghệ Công ty RikkeiSoft, doanh thu từ thị trường Nhật Bản, một trong các thị trường trọng tâm của Rikkeisoft, luôn có tốc độ tăng trưởng hơn 100%/năm.
Nhìn chung, thị trường gia công xuất khẩu phần mềm còn rất nhiều tiềm năng, nhất là khi Việt Nam đã nằm trong Top 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm trên thế giới và các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia đều đang có xu hướng thuê làm gia công phần mềm thay vì tự đầu tư bộ phận riêng chuyên làm những phần việc này. Với ưu điểm về giá rẻ, thương hiệu xuất khẩu phần mềm Việt Nam ngày càng được nhiều khách hàng quốc tế biết đến và lựa chọn.
Đáng chú ý, theo một khảo sát do Hiệp hội Tin học Nhật Bản vừa thực hiện đối với hơn 1.100 doanh nghiệp CNTT Nhật Bản về hoạt động thuê ngoài (offshore), đã có khoảng 31,5% các công ty CNTT Nhật Bản lựa chọn Việt Nam, cao hơn nhiều so với sự lựa chọn Ấn Độ (20,6%), Trung Quốc (16,7%), Thái Lan (9,7%), Phillipines (7,4%)...
Không chỉ tập trung vào thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp outsourcing Việt Nam đã khai thác thêm nhiều thị trường mới như Hàn Quốc, Singapore, EU, Mỹ, Đức... Song nhìn một cách tổng thể thì các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam với quy mô trung bình còn khiêm tốn (đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ) mới chỉ đang "tỉa" dần từng "mẩu bánh" nhỏ trong "chiếc bánh" thị phần khổng lồ.
Không lo thiếu việc, chỉ lo thiếu năng lực
Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hanel phân tích: "Đối với 1 doanh nghiệp làm gia công xuất khẩu phần mềm, nếu làm đúng cách, đi theo chiến lược rõ ràng đã xây dựng trước thì doanh thu mỗi năm có thể tăng trưởng gấp 2 - 3 lần. Những khách hàng đầu tiên trong năm đầu tiên là khó nhất, nhưng sau năm đầu làm tốt được hợp đồng và có đối tác thân thiết thì chắc chắn không bao giờ lo thiếu việc".
Cơ hội về việc làm đang rất dồi dào, song không có nghĩa mọi đơn hàng đều đang "chờ" doanh nghiệp Việt Nam đến "ẵm" về. Ông Nguyễn Lê Hoàng lưu ý: "Nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ là cơ hội cho Việt Nam vì Mỹ và EU sẽ tăng cường việc thuê ngoài dịch vụ, phần mềm (outsource) để giảm chi phí. Tuy nhiên, theo như tôi thấy thì bản thân các nước Mỹ, EU cũng phải thu hẹp sản xuất, đồng thời lại phải tăng cường tạo việc làm để giảm sức ép từ thất nghiệp, vì vậy cũng không dễ cho các doanh nghiệp Việt Nam "nhảy vào". Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải "đối mặt" với các đối thủ luôn cạnh tranh gay gắt như Trung Quốc, Philippines, Indonesia,... - những đối thủ đang ngày càng phát huy ưu thế về giá cả, ngôn ngữ, văn hóa...".
Ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software cũng bày tỏ quan ngại: "Vấn đề hiện nay là liệu doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để triển khai hay không. Các thị trường gia công phần mềm lớn hiện nay như Ấn Độ, Trung Quốc đều là những thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có không ít doanh nghiệp có quy mô lớn hàng trăm, hàng chục ngàn người. Quy mô của ngành càng lớn thì miếng bánh thị trường càng to. Việt Nam muốn trở thành thị trường gia công phần mềm hấp dẫn thì cũng cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp phần mềm có quy mô lớn giống như thị trường Ấn Độ, Trung Quốc".
Ngọc Mai
Theo ictnews.vn