Rao bán trên mạng
Một số trang rao vặt trong nước như 5giay, enbac, toitim... đang rao bán thiết bị phá mật khẩu WiFi với giá từ 300.000 đến gần 1 triệu đồng.
Một mẩu rao vặt, quảng cáo thiết bị mang tên Hunter Web Key Crack như sau: “Khả năng bắt sóng xa tới 1km, xa gấp năm lần card WiFi thường, cài đặt rất đơn giản và phá pass (mật khẩu) chỉ mất 10 phút, là mặt hàng độc nhất tại VN, rất thích hợp cho ai đi công tác xa”. Giá bán của thiết bị này là 680.000 đồng.
Anh Nghị, chủ cửa hàng Gia Khang trên đường Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết không có thiết bị chuyên dụng để bẻ khóa mật khẩu WiFi, những thiết bị bẻ khóa hiện nay rao bán trên thị trường chính là những chiếc card wireless (thiết bị giúp kết nối WiFi) gắn trong hoặc ngoài tương thích với phần mềm bẻ khóa, thường là card của máy Dell.
Những chiếc card này hơi khó kiếm và hầu hết phải đặt ở nước ngoài vì là đời cũ. Khách hàng đến hỏi mua loại card này không nhiều nên cửa hàng anh không bán.
Phần mềm bẻ khóa thì có thể tải dễ dàng trên mạng, thường chỉ hỗ trợ 4-5 loại card wireless.
Hack WiFi dễ như bóc kẹo?
Theo ông Trương Văn Cường - giảng viên Trung tâm đào tạo quản trị & an ninh mạng Athena, các thiết bị chuyên dụng cho công tác bảo mật WiFi thường được bán với giá 198-698 USD khi kết hợp với một số phần mềm bảo mật mạnh có thể thực hiện các cuộc tấn công bẻ khóa mạng WiFi tương đối dễ dàng.
Thậm chí nếu không có thiết bị chuyên dụng vẫn có thể sử dụng các phần mềm chuyên dụng kết hợp với chính card wireless của laptop để thực hiện tấn công.
V., với “thâm niên” hơn năm năm trong nghề hack WiFi, tiết lộ thông tin về việc bán thiết bị hack WiFi không hề mới, bởi trên máy tính đã có sẵn thiết bị này. Đó là card wireless dùng chip Intel 3945 hay chip Atheros... Thiết bị hack WiFi bán trên thị trường tưởng ghê gớm nhưng thực chất là card wireless gắn ngoài sử dụng những con chip này và chỉ cần khoảng 5-15 USD là có thể mua được.
Theo C., một “chuyên gia” hack WiFi, những phần mềm hack WiFi là phần mềm miễn phí và đầy rẫy trên mạng, người ta tải về bán kèm với card wireless hoặc chép vào USB để bán với giá cao. Với dân kỹ thuật, chẳng ai bỏ tiền ra mua nếu có thể tải miễn phí.
Các phần mềm trên mạng hiện nay chỉ có thể bẻ mật khẩu ở chuẩn bảo mật có tên WEP, còn với hai chuẩn khác khi chưa có cách phá thì phải bẻ khóa kiểu từ điển, tức sử dụng một bộ danh sách mật khẩu có sẵn, phần mềm sẽ dò tìm và so sánh. Nếu trong bộ từ điển không có kiểu mật khẩu của nạn nhân thì sẽ không bao giờ dò ra được.
Ở nước ngoài, trang bị thiết bị chuẩn có thể dò trên 100.000 mật khẩu/giây và người ta sử dụng card đồ họa chuyên dụng, chip mạnh tấn công “cho bằng chết” thì cuối cùng cũng có kết quả, nhưng mất rất nhiều thời gian. Hiện nay đã có các trang web bẻ khóa mướn. Để có mật khẩu, phải gửi file mẫu và chịu phí 10-20 USD, hệ thống sẽ bẻ khóa giùm.
Không đơn giản là xài chùa Internet
V. và C. cho biết khi lọt vào mạng WiFi, hacker có rất nhiều việc để làm như xem trong mạng có bao nhiêu máy đang hoạt động, máy nào bảo mật yếu, nếu có ý đồ sẵn thì họ có thể tấn công theo kiểu người đứng giữa, bắt tất cả dữ liệu các máy trong mạng phải đi qua tay họ. Các trao đổi trực tuyến như chat, gửi mail... hacker đều có thể kiểm soát. Nguy cơ mất mật khẩu mail, web, dữ liệu quan trọng rất cao.
Đối với doanh nghiệp, nguy cơ này không chỉ ở việc hacker xâm nhập được mạng WiFi của công ty, mà chỉ cần tiếp xúc được với máy tính của một nhân viên công ty. Khi nhân viên mang máy tính ra ngoài bật WiFi lên thì mật khẩu của mạng WiFi công ty đã có thể mất.
Máy tính hoạt động theo nguyên tắc khi bật lên, card wireless trong máy sẽ hỏi các bộ phát sóng WiFi xung quanh, nếu thấy đúng tên máy tính sẽ gửi mật khẩu lên bộ phát sóng WiFi đó. Nếu có ý đồ xấu, hacker chỉ cần dựng bộ phát sóng WiFi giả để máy tính tưởng lầm đã vào mạng và gửi mật khẩu (dạng mã hóa) lên, hacker chỉ cần lấy mật khẩu mang về dịch, việc tiếp theo của hacker như kịch bản đã nói ở trên.
Theo V. và C., việc hack mật khẩu hiện nay không chỉ là các bạn trẻ mới vào nghề muốn thử phá mà cạnh đó đang tồn tại một thế giới ngầm. Việc phát hiện ai là hacker đang dò tìm mật khẩu rất khó bởi hacker cũng chỉ bật máy lên và chờ kết quả, không khác gì người dùng máy bình thường.
Đã có nhiều công ty thấy được mối nguy này nên áp dụng biện pháp cấm nhân viên mang máy tính ra ngoài sử dụng hoặc không cho phép người lạ mang máy tính vào dùng trong công ty, thế nhưng những chiếc iPhone cũng có thể thay thế máy tính làm việc này. C. cho biết đã hack được mật khẩu từ chiếc iPhone của mình.
Để bảo mật mạng WiFi tốt hơn?
Theo V. và C., chuẩn bảo mật của mạng WiFi hiện nay gồm WEP, WPA-2 và WPA. WEP kém an toàn nhất bởi nó dùng thuật toán RC4 chỉ sử dụng kiểu mã hóa 64 bit hoặc 128 bit. Một mật khẩu của mạng chuẩn WEP, hacker có thể bẻ khóa trung bình trong vòng 5-10 phút.
Với chuẩn cao hơn là WPA-2, thuật toán được đẩy lên 192 bit, 256 bit đủ dài và mạnh. Vì thế người dùng luôn được khuyến cáo dùng chuẩn WPA-2, tuy nhiên nhược điểm của nó là các máy tính đời cũ không hỗ trợ giao tiếp qua chuẩn này. WPA khắc phục nhược điểm trên, sử dụng thuật RC4 nhưng mã hóa đủ 128 bit và dùng thuật toán TKIP (thuật toán thay đổi khóa mật mã sau một thời gian sử dụng).
Để bảo vệ mạng WiFi, người dùng không nên sử dụng chuẩn WEP, nên đặt mật khẩu dài, khó đoán và thay đổi liên tục, cấu hình bộ phát sóng WiFi lọc địa chỉ MAC (mỗi thiết bị có một địa chỉ vật lý MAC) để cho phép những địa chỉ nào được phép vào mạng. Tắt chế độ SSID Broadcast trong bộ phát sóng để hạn chế tìm kiếm thông tin về mạng WiFi, tắt chức năng DHCP server.
Với doanh nghiệp nên trang bị thêm giải pháp Captive Portal, RADIUS chứng thực người dùng.
|
Hồng Nhung - Đức Thiện
(theo Tuổi Trẻ Online)