Phần lớn công việc của CIO Tony Scott của Microsoft ở Redmond là sử dụng với tư cách cá nhân tất cả công nghệ của Microsoft, bao gồm các sản phẩm đám mây của công ty. Kiểu mà Microsoft gọi là “eating your own dog food” (nôm na là dùng thử sản phẩm do chính mình làm ra). Microsoft IT là một môi trường thử nghiệm đầu tiên cho bộ sản phẩm Office 365 dựa trên Windows Azure - nền tảng như một dịch vụ (PaaS) của công ty cho chiến lược đám mây.
Hãng nghiên cứu Gartner tại hội nghị chuyên đề của họ mới đây cho biết bất chấp sự phức tạp của dịch vụ đám mây của Microsoft, công ty có “một cái nhìn xa trông rộng và và đầy đủ nhất về đám mây”. Cuối tuần trước tại Hội nghị các nhà phát triển Microsoft ở Redmond, công ty đã gây chú ý với Windows Azure bằng việc công bố những khả năng ảo hóa mới được thiết kế nhằm hấp dẫn các nhà phát triển.
Trong một cuộc phỏng vấn của CIO.com, Scott đã thảo luận về điện toán đám mây, qua những gì mà ông đã trải nghiệm với Windows Azure. Ông cũng chia sẻ quan điểm của mình về cách đám mây thay đổi tài chính các dự án kinh doanh và làm thế nào các CIO có thể chuẩn bị cho phù hợp. Dưới đây là phần Hỏi – đáp:
CIO.com gần đây đã có bài viết viện dẫn từ một cuộc khảo sát cho rằng lý do số một để không chuyển sang đám mây là “Không hiểu những lợi ích của đám mây”. Microsoft giải thích ra sao để các CIO thấy rõ cách thức mà các mô hình đám mây sẽ giúp tổ chức họ?
Theo kinh nghiệm của tôi, các CIO là những con người thực tế, hay hoài nghi về “điều lớn lao tiếp theo”. Về lý thuyết, đám mây đem lại lợi ích. Nhưng vấn đề là bắt đầu như thế nào. Nó có thể hơi đáng sợ.
Vai trò của tôi tại Microsoft IT là dùng thử tất cả các sản phẩm do chúng tôi làm ra, do vậy chúng tôi bắt đầu bằng việc chuyển một số ứng dụng cơ bản lên Azure. Điều này diễn ra từ 2 năm trước, trước khi sản phẩm được phát hành cho công chúng. Và tôi thấy nhiều mối hoài nghi ngay trong tổ chức của chính mình.
Nhưng một khi bạn đắm mình vào đó, quá trình tiếp thu kiến thức bắt đầu. Chúng tôi nhìn thấy sự tiến bộ về chất lượng của các ứng dụng chúng tôi chuyển tới Azure. Một ví dụ là MS.com, mà chúng tôi đã chuyển tới Azure và đã có thể sắp xếp các dịch vụ dựa trên nhu cầu thay vì dựa trên công suất tối đa. Chúng tôi thực sự thấy những lợi điểm của một nền tảng đám mây chuẩn hóa so với việc tinh chỉnh từng máy chủ cho mỗi ứng dụng.
Một ví dụ tuyệt vời nhất của điều này là công cụ Microsoft Giving Campaign mà chúng tôi sử dụng để gây quỹ nội bộ cho các tổ chức phi lợi nhuận. Ứng dụng được sử dụng mỗi năm một lần vào tháng 10 trong chiến dịch trao tặng. Đó là một ứng dụng hoàn hảo cho đám mây. Công cụ Giving Campaign mới được xây dựng trên Azure và trong hai ngày cuối cùng của chiến dịch, thường là lưu lượng tăng vọt, nhưng nó chưa hề bị chậm lại và kết quả thật phi thường. Chúng tôi đã nhân đôi số tiền so với cùng kỳ của các năm trước.
Vậy thì các CIO chỉ cần bắt đầu. Đó là phần khó khăn nhất. Nhưng mỗi lần họ trải nghiệm với nền tảng đám mây, nó sẽ tạo ra niềm vui và thúc đẩy họ hăng hái tiến về phía trước.
Về mặt khái niệm, tất cả chúng ta đều hiểu các lợi ích. Chúng ta đã vận hành những gì tôi gọi là quy tắc hai lần nhân đôi hàng năm. Nghĩa là bạn tìm hiểu mình cần tới đâu và nhân đôi nó lên, rồi lại nhân đôi một lần nữa, để cho đảm bảo. Nhưng đó là lý do tại sao bạn thấy phần lớn các ứng dụng đó chỉ chạy có 20% khả năng. Trên nền tảng đám mây bạn có thể cải tiến việc sử dụng mà không phải trả giá bởi vì bạn có thể mở rộng khả năng và chỉ phải trả những gì bạn cần.
Khi một doanh nghiệp bắt đầu chuyển các ứng dụng sang nền tảng đám mây, điều gì gây khó khăn hơn cho bộ phận CNTT: thay đổi công nghệ hay những chính kiến nội bộ nảy sinh khi đám mây buộc vai trò CNTT truyền thống thay đổi?
Thành thực mà nói, tôi ít thấy xung đột chính kiến nội bộ. Tôi nghĩ hầu hết về phía doanh nghiệp thích ý tưởng độ tin cậy và trả theo sử dụng nhiều hơn. Do vậy từ quan điểm doanh nghiệp tôi chưa thấy nhiều sức cản tới đám mây. Một điều tôi từng thấy cả trong và ngoài công ty là đám mây đang thay đổi các dự án và cách tiếp cận như thế nào. Thay đổi chuyển từ trả trước sang trả sau. Chúng ta đã sử dụng thế giới trả trước nơi mà chúng ta mua cả chùm máy chủ, dễ dự trù về tài chính. Và dự trù là một điều tốt trong kinh doanh.
Khi bạn chuyển sang trả sau với mô hình đám mây, có thể nhiều điều còn mơ hồ, và sẽ khó dự trù như với trả trước. Từ quan điểm ngân sách, các CIO sẽ nói với mọi nguời về tài chính: “Tin tốt là chúng ta đang sử dụng tài nguyên của mình tốt hơn. Tin xấu là chúng tôi không chắc những gì về chí phí thực tế sẽ phải bỏ ra”.
Khi bắt đầu chuyển các ứng dụng lên đám mây, các tổ chức nên bắt đầu như thế nào? Làm từng phần? Email đầu tiên, rồi phát triển từ đó?
Đúng, cách tiếp cận từng bước tốt hơn là một vụ nổ lớn (Big Bang). Tự thân CNTT thử vài thứ, xem quy mô thế nào rồi điều chỉnh nó.
Các ứng dụng đầu tiên nên là những ứng dụng kiểu như Email và CRM. Có rất ít nét độc đáo trong cách chúng ta sử dụng những ứng dụng này, do vậy chúng hầu như sẵn sàng chuyển sang đám mây. Trong 5 hoặc 10 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn lại và nói, “vì sao chúng ta lại từng nghĩ tới việc tự mình làm những điều này”.
Các ứng dụng được xây dựng theo đơn đặt hàng lại khác. Có những vấn đề pháp lý xung quanh dòng ứng dụng kinh doanh mà một công ty đã xây dựng. Ngoài ra, chúng đã được phát triển vào thế hệ trước và thích hợp cho các công nghệ vào lúc đó. Chúng cần phải được sửa đổi cho đám mây.
Tại Microsoft, chúng tôi có một ứng dụng cấp phép phức tạp, quản lý cấp phép theo số lượng lớn mua của Microsoft và hỗ trợ toàn bộ hệ sinh thái đối tác của chúng tôi. Hệ thống có 100 thành phần và rất nhiều giao diện. Không phải là chúng tôi nghĩ nó sẽ không làm việc trong các đám mây, mà chúng tôi phải đổi mới nó trước đã. Nó được xây dựng cách đây 15 năm. Đó là loại ứng dụng theo đơn đặt hàng mà không thể chuyển ngay sang đám mây.
Ở cấp độ doanh nghiệp, hầu hết các tổ chức muốn có một đám mây riêng. Trong một thị trường đã có quá nhiều đề nghị đám mây riêng, lợi thế của Microsoft là gì?
Rất nhiều, đó là tính di động. Các CIO muốn tận dụng lợi thế của thị trường và bạn sẽ có những đề nghị đám mây riêng xây dựng trên công nghệ Microsoft có sẵn từ chúng tôi, từ các bên thứ ba, hoặc bạn có thể tự xây dựng cho chính mình. Đó là tất cả các chỉ số về lợi thế công nghệ của chúng tôi. Từ quan điểm chi phí, các lựa chọn này sẽ tạo một đám mây Microsoft sẵn sàng và ít tốn kém thời gian hơn so với các hình thức khác. Ngoài ra, nếu bạn đã là một nhà phát triển với các kỹ năng .Net, đó là một quá trình chuyển đổi khá nhanh từ hiện tại tới đám mây chung hay riêng với Azure. Không đòi hỏi kỹ năng hiệu chỉnh lại.
Một vài yếu tố nào có thể ngăn cản một tổ chức chuyển tới Azure?
Tôi nghĩ rằng rào cản lớn nhất là các ứng dụng một công ty đã xây dựng mà không được kiến trúc tốt cho đám mây. Và vì vậy bạn không thể chuyển chúng sang nền tảng đám mây của chúng tôi hoặc của bất kỳ ai khác. Những ứng dụng này cần phải làm lại. Về phía các ứng dụng thương mại, các nhà cung cấp nền tảng lớn hiện đang hỗ trợ Microsoft có thể sẽ thích tiếp tục hỗ trợ Microsoft. Tôi nghĩ rằng Microsoft sẽ cung cấp bộ các lựa chọn rộng nhất thông qua bộ công nghệ rộng nhất, cho dù đó là hỗ trợ PHP hoặc bất kỳ môi trường lập trình bạn thực sự ưa thích, nó thích hợp hơn để chạy trên các công nghệ của Microsoft so với bất kỳ công ty nào khác.
Ông sẽ nói gì với những CIO vẫn chưa tin tưởng về an toàn thông tin của mô hình đám mây?
Vâng, đó là điều chúng tôi sẽ luôn đòi hỏi, nhưng có ưu tiên rất lớn trong thế giới gia công phần mềm. Chúng tôi đã chuyển các máy chủ của chúng tôi tới các trung tâm dữ liệu của người khác nhiều năm qua. Khái niệm này không phải là mới. Tôi nghĩ rằng có một cảm nhận sai lầm về an toàn thông tin khi bạn đang vận hành trung tâm dữ liệu của riêng bạn. Việc đảm bảo an toàn thông tin có thể đạt được bằng một hợp đồng tại chỗ mà làm cho một bên thứ ba chịu trách nhiệm về an toàn thông tin. Quan điểm của tôi là nó tương tự như mô hình gia công bên ngoài về mặt lợi ích, nhưng bạn cũng có quyền ràng buộc bằng hợp đồng để mong đợi đảm bảo an toàn thông tin từ nhà cung cấp đám mây của bạn. Điều đó có lẽ tốt hơn so với thói quen cũ đã lâu tự thân vận hành mọi thứ.
(Theo PC World VN/ CIO)