Mặc dù Pháp là một trong những quốc gia có hạ tầng Internet - viễn thông tốt nhất châu Âu, người dân ở Ablis, một thành phố nhỏ nằm ở phía Tây Nam Paris vẫn đang hàng ngày mơ đến một đường truyền tốc độ cao thực sự.
Các nhà phân tích thị trường Internet – viễn thông ước tính hiện tại châu Âu vẫn còn khoảng 30 triệu hộ gia đình chưa được tiếp cận với mạng Internet băng rộng, tốc độ cao và nói theo một cách khác, 30 triệu hộ gia đình này đang bị cô lập trong nền kinh tế số của châu Âu. Đây cũng chính là một trong những vấn đề các lãnh đạo của cựu lục địa chưa thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất.
Nhưng đây cũng chính là nhóm khách hàng tiềm năng cho một số hãng đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ kết nối Internet qua… vệ tinh, loại hình dịch vụ vẫn bị coi là quá xa xỉ. Hồi cuối tuần trước, Avanti Communications - một hàng công nghệ của Anh đã chính thức phóng một vệ tinh viễn thông trị giá 120 triệu euro lên quỹ đạo để chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ này tới người dùng cá nhân vào đầu năm 2011. Vệ tinh này cũng là một trong số 2 vệ tinh mà Avanti dự định sẽ đưa vào khai thác để phủ sóng Internet tốc độ cao tới khoảng 1,2 triệu hộ gia đình. Eutelsat, một công ty của Pháp cũng vừa tuyên bố, trong vòng 3 tuần tới công ty này sẽ phóng một vệ tinh tương tự trị giá 350 triệu euro và có khả năng phục vụ cho khoảng 2 triệu hộ gia đình ở châu Âu trong việc kết nối Internet.
Cản trở lớn nhất vẫn là chi phí thiết bị đắt đỏ và cước dịch vụ quá cao. Nhưng cả Eutelsat và Avanti đều khẳng định những vệ tinh của họ sẽ góp phần làm thay đổi quan niệm này. “Vệ tinh của chúng tôi được trang bị những công nghệ mới và sẽ cung cấp Internet băng rộng, tốc độ cao thực sự, có chất lượng tương đương với đường truyền cáp quang hay DSL và sẽ là đối thủ cạnh tranh của các dịch vụ truyền thống”, David Williams, CEO của Avanti phát biểu.
Một số nhà phân tích cho rằng các dự án này quá tham vọng bởi tốc độ tối đa mà Avanti và Eutelsat có thể đạt được chỉ khoảng 10 Mbps, chưa thể so sánh được với FTTH đồng thời chưa thể khắc phục được nhược điểm cố hữu là “độ trễ” (lag, delay) của tín hiệu vẫn còn khá lớn. Thêm vào đó, khách hàng vẫn phải đầu tư thêm “chảo thu phát”, modem… với chi phí lên tới vài trăm euro. Nhưng khoản đầu tư này hoàn toàn có thể sẽ được các chính phủ hỗ trợ bởi châu Âu đang tỏ ra rất quyết tâm trong các kế hoạch xóa khoảng cách số.
“Cơ hội cho Internet vệ tinh là không nhiều bởi nếu các đường truyền cố định không thể đến được các vùng xa, mạng di động băng rộng thế hệ mới (LTE, WiMax) sẽ làm được điều đó”, Ian Fogg, chuyên gia của hãng nghiên cứu Forrester Research nhận định. Nhưng cả Eutelsat và Avanti đều cho rằng sự “khát Internet” hiện nay của hơn 30 triệu hộ dân ở châu Âu đủ lớn để giúp họ khai thác hết dung lượng của các vệ tinh mà họ đã và sắp phóng. Tin mừng cho họ là một số chính phủ ở châu Âu đã lên kế hoạch trợ giá cho dịch vụ Internet vệ tinh phục vụ cho chương trình xóa khoảng cách số của họ.
(Theo Thongtincongnghe)