Thiếu hụt nhân lực
Theo hiệp hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam (VINASA), toàn thế giới hiện đang thiếu khoảng 1,5 triệu kỹ sư CNTT và đến năm 2010 con số này sẽ là 3 triệu. Tại Việt Nam (VN), nhu cầu nhân lực ngành phần mềm (PM) trong nước ngày càng tăng cao. Ước tính, giai đoạn 2008-2010 cần 12.000 15.000 người/năm; giai đoạn 2011 – 2015 cần từ 20.000 – 25.000 người/năm. Trong khi đó, quy mô đào tạo nhân lực CNTT của VN hiện chỉ đạt 9.000- 10.000 người/năm. Nếu chỉ tính số sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu tuyển dụng thực tế thì còn thấp hơn.
5 thành viên của SEG Vietnam gồm:
- ĐH Duy Tân
- ĐH Văn Lang
- Công ty Cổ Phần Công Nghệ Viễn Thông Kỹ Thuật Số DTT
- ĐH Cần Thơ
- Trung tâm Đào Tạo CNTT TP.HCM.
|
Trong vài năm trở lại đây, mô hình đào tạo nhân lực ở Việt Nam có nhiều bước đổi mới. Đầu tiên là các DN như FPT Aptech, Hanoi Aptech, HanoiCTT, NIIT ... xuất hiện, mở ra hàng trăm trung tâm đào tạo lập trình viên, kỹ sư hệ thống... Tiếp đến là sự ra đời của ĐH FPT với mô hình đào tạo mang đẳng cấp quốc tế. Những mô hình trung tâm đào tạo này tuy đã phần nào đáp ứng "cơn khát" nhân lực, nhưng cũng chỉ dừng ở mức đào tạo "thợ". Còn nhân lực CNTT chất lượng cao vẫn khan hiếm.
Nếu chỉ trông chờ vào hệ thống đào tạo chính quy, ngành CNTT Việt Nam khó giải được bài toán thiếu hụt nhân lực. Ở mức cao hơn, theo ông Phạm Tấn Công, tổng thư ký VINASA thì VN cần thay đổi cơ bản quy trình và chất lượng đào tạo để có đội ngũ nhân lực CNTT đạt trình độ quốc tế. "Cần phải tạo hình ảnh mới về nhân lực PMVN", ông Công nhấn mạnh.
Nỗ lực của SEG Vietnam
Việc ra đời liên hiệp các ĐH và Doanh Nghiệp Đào Tạo CNTT VN (SEG Vietnam) cũng nằm trong các nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT VN. Tuy nhiên điểm khác biệt là lần đầu tiên có sự liên kết hợp tác giữa nhiều trường với nhau, trong đó có DN.
Với liên kết đào tạo này, các học viên trong hệ thống SEG Vietnam sẽ được chuyển tiếp liên thông với hệ thống đào tạo thuộc trường CMU tại Mỹ. Đồng thời, với uy tín của CMU, chứng chỉ tốt nghiệp từ các trường thuộc SEG Vietnam được coi như dấu ấn chất lượng đạt chuẩn quốc tế, cho phép các học viên VN có thể "đầu quân" tại các tập đoàn lớn trên thế giới.
Theo thỏa thuận với CMU, từ tháng 9/2008, SEG Vietnam sẽ triển khai hai chương trình đào tạo duy nhất và thống nhất đã được CMU chuyển giao gồm: Công Nghệ PM (Software Engineering –SE) và ngành Hệ Thống Thông Tin (Information System – IS) theo hệ đại học 4 năm. Các chương trình ngắn hạn được thiết kế theo yêu cầu của DN/tổ chức như: Kỹ nghệ PM, Thiết Kế Hệ Thống, Quản Trị Dự An PM, Kiểm Thử... CMU sẽ giúp huấn luyện 100 giảng viên nòng cốt cho SEG Vietnam và chuyển giao toàn bộ giáo trình hai chương trình trên bằng tiếng Anh cho SEG Vietnam. Dự kiến sau 10 năm, sẽ có khoảng 5.000 sinh viên được cấp bằng CMU từ hệ thống SEG Vietnam.
Theo ThS. Lê Nguyên Bảo, phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), từng tốt nghiệp loại ưu CMU, thì kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật cơ bản của CMU không khác nhiều lắm so với các chương trình đào tạo CNTT truyền thống. Nhưng điểm khác biệt là CMU cho sinh viên học và làm với những khối kiến thức này từ rất sớm, chỉ trong 1-2 năm đầu thay vì trải dài trong 3 - 4 năm. Đồng thời yếu tố thực hành được đặc biệt chú trọng. Rất nhiều kiến thức, kỹ năng và công cụ phát triển PM được giảng dạy ở CMU đang được sử dụng trong ngành PM ở Mỹ. Đây là những tài nguyên mà sinh viên VN ít có cơ hội được tiếp cận. Bên cạnh đó, CMU còn lồng ghép các kiến thức về quản trị kinh doanh và tính chuyên nghiệp (Professional Skills) để cho ra "lò” các kỹ sư tin học hoàn thiện hơn, đa năng hơn.
Ông Bảo cho rằng: "Những năm gần đây, một trong những vấn nạn của PMVN là thiếu hụt nhà quản lý dự án hay những lãnh đạo kỹ thuật giỏi. Một số người còn cho rằng Việt Nam không có được sản phẩm PM thương mại hoàn chỉnh hoặc thương hiệu quốc tế vì chúng ta không đào tạo được những nhà quản lý hay lãnh đạo giỏi trong lĩnh vực phát triển PM. SEG Vietnam hy vọng sẽ bù đắp được phần nào sự thiếu hụt này, thông qua chương trình đào tạo của CMU có thể sẽ giúp tạo ra những định hướng mới cho thị trường PMVN."
Đại học Carnegie Mellon thành lập năm 1967, được đánh giá là ĐH số một của Mỹ về CNTT.
Thế mạnh về CNTT của CMU dựa trên lực lượng các nhà khoa học làm việc tại viện Công Nghệ Phần Mềm (SEI) và cục Phòng Vệ An Ninh Mạng (CERT) của Mỹ vốn được đặt ngay tại trường. CMU nhận được sự hậu thuẫn của nhiều thương hiệu tên tuổi như: Intel, Apple, Google, Boieng do đều đặt phòng lab nghiên cứu trong trường.
|
Mô hình SEG Vietnam mở ra hướng mới về hợp tác, liên kết đào tạo giữa hệ thống đào tạo chính quy và phi chính quy ở VN, khẳng định sự chủ động của nguồn cung trong nỗ lực đổi mới chất lượng hệ thống đào tạo.
SỰ GIÚP ĐỠ CỦA BOEING
Ông Nguyễn Thế Trung, trưởng ban thư ký SEG Vietnam đã trao đổi thêm với TGVT B về liên kết SEG Vietnam
Ông cho biết nhu cầu thực tế của cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp đối với các chương trình đào tạo của CMU tại VN?
Các DN PMVN muốn cạnh tranh được trên thế giới không thể chỉ dựa vào giá, mà cần nâng cao chất lượng. Để các hãng lớn trên thế giới tin tưởng giao việc thì cần phải đủ năng lực. SEG Vietnam với chương trình đào tạo theo bản quyền của CMU cùng chứng nhận đạt chuẩn CMMI sẽ là đòn bẩy cho việc này. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, xuất khẩu PM là con đường tốt nhất để các DN CNTT VN phát triển, vì vậy chúng tôi tin nhu cầu học CMU sẽ ngày một gia tăng. Ngay trong buổi ra mắt, chúng tôi đã có đơn đặt hàng của DN về quản trị dự án PM và quản trị chất lượng.
Ý nghĩa của việc xây dựng liên kết SEG Vietnam gồm nhiều đơn vị mà không phải là một trường hay một DN như vẫn thường thấy?
Các chương trình đào tạo này kết nối liên hoàn với ngành công nghiệp PM, vì vậy cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và các ĐH. Các hoạt động của SEG Vietnam sẽ không chỉ bó gọn trong đào tạo mà còn có các hoạt động nâng cao năng lực kỹ nghệ PM cho cộng đồng như hội thảo về kỹ nghệ PM, mạng lưới nâng cao năng lực kỹ nghệ PM (SPIN). Các hội thảo của CMU nếu tổ chức tại VN có thể nhận được sự tham gia của nhiều công ty/cá nhân từ các nước trong khu vực.
Ngoài ra, số tiền đầu tư cho chương trình rất lớn, vì vậy cần nhiều đơn vị cùng đầu tư, và việc triển khai sau khi chuyển giao càng rộng càng tốt.
Được biết Boeing có vai trò rất lớn trong việc hình thành SEG Vietnam cũng như đạt được thỏa thuận với CMU?
Đúng vậy, Boeing đã có những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mối quan hệ giữa CMU, những trường ĐH khác của Mỹ với những đối tác của họ tại VN và nền công nghiệp VN. Hơn nữa, trong những năm gần đây, Boeing đã rất chú ý vào những sáng kiến thúc đẩy đào tạo CNTT của VN. Bản hợp đồng giữa CMU và SEG Vietnam là kết quả của một trong những chương trình hợp tác mà chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Boeing.
|