Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc về thực tế và mục tiêu này:
Giả sử tổ chức bồi dưỡng cho 125 nghìn giáo viên THPT, mỗi lớp 100 người, thời gian bồi dưỡng là 5 ngày, theo cách làm truyền thống tổng thời gian cần làm sẽ là 17 năm. Nghĩa là, một thầy đi giảng hết một lượt thì hết 17 năm. Trong khi, chúng ta có thể rút ngắn thời gian trên bằng việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng qua mạng. Một buổi giảng có thể truyền trực tiếp đến 63 Sở, có thể truyền đến gần 700 quận, huyện.
Nhưng hiện vẫn còn đến hơn 17.300 trường chưa kết nối internet, chiếm gần 44% trong tổng số gần 40 nghìn trường mầm non và phổ thông của cả nước, vậy chúng ta sẽ làm thế nào để ứng dụng CNTT?
- Không kết nối được internet thứ nhất là CSVC và thứ hai là giá. Trước đây, để chi trả cho dịch vụ đường truyền internet phải mất khoảng 1 triệu/tháng/thuê bao. Đối với những trường vùng sâu, vùng xa số tiền này không nhỏ. Mục tiêu đặt ra là sẽ kết nối internet đến tất cả các trường học nhưng năm nay không thể nối được hết. Thậm chí, đến 10 năm nữa cũng chưa thể nối được 100% các trường vì có những nơi vùng núi hiểm trở rất khó đến do không có điện lưới, điện thoại.
Hơn 17.300 trường học chưa có internet là một con số rất lớn, trong đó có đến hơn 550 trường chưa có điện lưới, gần 5.000 trường không thể nối cáp. Chúng tôi muốn công khai bức tranh CNTT một cách toàn diện nhất. Mặt khác, những con số trên cũng nói lên một điều rằng lâu nay CNTT chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều địa phương hoặc đang rất khó khăn không đủ kinh phí để dành cho CNTT.
Hiện nay, đường cáp quang băng thông rộng đang được kết nối từ Bộ đến 63 Sở với giá hơn 1,2 triệu/tháng thuê bao và gói chất lượng cao tới các cơ sở giáo dục với giá 175 nghìn đồng/tháng thuê bao. Khâu lắp đặt hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho 25.000 trường, thậm chí những trường ở vùng sâu, vùng xa không thể dải cáp internet cũng sẽ được hỗ trợ cung cấp miễn phí qua sóng điện thoại di động.
Trung tuần tháng 9 này, cáp quang băng thông rộng sẽ được nối đến cả 63 Sở và chúng tôi sẽ tổ chức lễ khai thông. Đến tháng 12 sẽ hoàn thành nối mạng ở những nơi có điều kiện. Sau đó, năm 2009 sẽ tiếp tục làm đến những vùng khó khăn. Dễ làm trước, khó làm sau và làm có trọng điểm.
(Ông Quách Tuấn Ngọc)
|
Khi mạng băng thông này đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ ra sao cho các cơ sở giáo dục, thưa ông?
- Ở những trường cấp 1, cấp 2, quan điểm đầu tiên của tôi là giải quyết vấn đề kết nối thông tin liên lạc phục vụ cho giáo viên, hiệu trưởng. Ví dụ, công văn chỉ đạo hàng ngày nối internet là truyền thẳng, không phải mất hàng tuần lễ chờ đợi qua đường bưu điện. Tiếp nữa, bản thân giáo viên, ban giám hiệu phải là người được mở mang kiến thức trước, cho nên có thể chỉ cần 2 máy tính là xong việc.
Đối với các Sở, nếu cần có thể họp hoặc trao đổi trực tuyến với Bộ mà không mất công đi lại xa xôi. Hình thức triển khai hội nghị qua cầu truyền hình Bộ đã làm từ cuối năm 2004, có lúc lên đến 7 điểm cầu với 1.200 đại biểu tham dự. Ngoài việc giải quyết khâu hội họp thì việc ứng dụng CNTT còn giúp tổ chức giảng dạy, đào tạo, tập huấn giáo viên, hiệu trưởng; tổ chức đào tạo từ xa, giáo dục thường xuyên... dù các thành viên có thể ngồi ở bất cứ đâu, tại trường hoặc quán cà phê.
Theo ông, khi triển khai xuống cơ sở sẽ "mắc" phải vấn đề gì?
- Vấn đề còn lại là nhận thức và quyết tâm có làm theo cách này không, có luyến tiếc với cách làm cũ hay cán bộ chuyên viên có tiếc là không được đi lại hoặc ít được giao lưu (?). Chúng tôi đã lắp đặt một phòng studio với đầy đủ trang thiết bị, điều kiện để triển khai. Chúng tôi cũng sẽ cùng phối hợp với Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Thanh tra cùng các Vụ để tổ chức triển khai, khai thác.
Về nguyên lý chúng tôi đưa ra là như vậy, nhưng cụ thể thực hiện thế nào thì các Sở, trường phải góp tay vào. Tỉnh nào vào xem, chúng tôi ngồi đây biết hết. Vừa rồi, các Sở GD-ĐT Bắc Kạn, Quảng Ngãi có vào chat, chứng tỏ họ quan tâm. Hoặc Điện Biên, Lai Châu rất "chịu khó" vào, đó là điều đáng mừng vì càng đi lại khó khăn càng cần ứng dụng CNTT. Trước mắt, sẽ thực hiện theo kiểu tiểu học là làm sai cũng động viên cổ vũ, miễn là họ chịu làm, sau đó mình sẽ sửa dần dần. Riêng mục văn bản của Bộ đến giờ các địa phương rất "happy", không phải chờ đợi, chuyển xa xôi.
Về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, hiện nay nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm về giáo án điện tử với bài trình chiếu, bài giảng điện tử, ông giải thích sao về những thuật ngữ này?
- Cho đến nay, giáo viên các trường chủ yếu soạn bài trình chiếu powerpoint và một số phần mềm dạy học. Nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn khái niệm giáo án điện tử với bài trình chiếu, bài giảng điện tử, giữa thiết bị dạy học với phần mềm.
Có thể giải thích thế này, giáo án là kế hoạch lên lớp của giáo viên cho một bài giảng, tiết giảng; bài trình chiếu là bài soạn từ các phần mềm như MS powerpoint của Open Office vẫn thường được chiếu tại các cuộc hội thảo, hội nghị không phải là bài giảng. Còn bài giảng điện tử được soạn từ các phần mềm e-Learning, để người học có thể tự học, có đầy đủ cả kiểm tra, đánh giá, trao đổi với giáo viên qua mạng. Cần tránh dùng khái niệm giáo án điện tử để chỉ các bài trình chiếu powerpoint.
Sở dĩ phải là công nghệ e-Learning vì có chuẩn công nghệ SCORM, đã được thế giới công nhận; có nhiều công cụ xây dựng bài giảng hợp chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, có thể học trực tuyến qua internet hoặc cũng có thể học ngoại tuyến qua đĩa CD.
Mẫu bài giảng điện tử duy nhất này chúng tôi đã gửi đến các Sở GD-ĐT qua email. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi giáo viên làm bài giảng điện tử theo công nghệ e-Learning, giáo viên dạy giỏi ứng dụng CNTT. Nếu mỗi giáo viên góp mỗi năm 1 bài giảng, chúng ta sẽ có 1 triệu bài giảng trong một năm và nếu bài giảng đó soạn thêm bằng tiếng Anh thì có thể chia sẽ với bạn bè quốc tế.
Để thực hiện được những mục tiêu trên một cách có hiệu quả, theo tôi trước hết phải có đủ bốn chuẩn: nhận thức; kỹ năng; hạ tầng cơ sở và công cụ phần mềm. Các thầy, cô giáo phải hiểu rằng, dùng CNTT lúc đầu vất vả nhưng việc giảng dạy sẽ tăng tốc hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!