Theo số liệu từ Sở LĐ -TB-XH TP. HCM được công bố tại Hội thảo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, tổ chức tại TP. HCM ngày 25/9, từ năm 2001 - 2007, TP. HCM đã đào tạo trên 200.000 lao động CNTT, tuy nhiên ngành công nghiệp CNTT - TT của thành phố chỉ sử dụng trên 20.000 người (khoảng 9%). Trong khi đó, 90% lao động đã chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là lực lượng lao động chuyên ngành CNTT - TT đã bị thất thoát và không được sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo.
Doanh nghiệp phải "chịu khó" đào tạo cho phù hợp
ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc Công ty CSC Việt Nam cho biết, dự báo của Gartner từ năm 2008 đến năm 2010 mỗi năm ngành gia công CNTT của thế giới sẽ tăng trung bình 7%. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải chuẩn bị nguồn lao động CNTT cho những năm tiếp theo nếu muốn cạnh tranh với các cường quốc đi đầu trong lĩnh vực gia công (outsourcing) như Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, thực trạng đào tạo trong lĩnh vực này xuất hiện nhiều hạn chế dẫn đến hệ quả nguồn cung nhiều nhưng cầu lại không sử dụng được triệt để.
Không riêng gì công ty CSC Việt Nam, Global Cyber Soft (GCS) cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng đầu vào. ông Hà Văn Lượng, Phó tổng giám đốc của GCS cũng cho rằng, trình độ ngoại ngữ đối với các bạn sinh viên mới ra trường khó có thể đáp ứng ngay được các công việc thực tế. Ngược lại, có khả năng ngoại ngữ thì không đáp ứng kỹ năng lập trình cho các dự án thực tế…
Ngoài các công ty gia công phần mềm, các công ty có sử dụng nguồn lao động CNTT cao như ngân hàng cũng khá bức xúc khi lực lượng này không đáp ứng được các chương trình thực tế mà phải qua đào tạo lại. ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Việt á cho biết nguồn lực công nghệ cao đang bị thiếu hụt một phần bởi sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, các đơn vị đào tạo cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách thay đổi nhanh chóng trong các chương trình giáo dục phục vụ lĩnh vực CNTT - TT.
Đào tạo chưa bắt kịp nhu cầu
Theo ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch hội Tin học Việt Nam, các mô hình đào tạo CNTT - TT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến 5 nguyên nhân chính như: chương trình đào tạo khung, thi tuyển sinh theo diện tập trung, số lượng sinh viên tuyển vào phải theo chỉ tiêu, học phí cố định cho các trường và chính sách hỗ trợ cho các trường đại học công lập đã có tác động xấu đến việc đào tạo nhân lực CNTT. Việc lúng túng trong mô hình quản lý nhà nước đã gây ra không ít khó khăn cho các đơn vị đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực này. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng của các trường đại học Việt Nam, các cơ quan quản lý cần "giải tỏa" những "rào cản" hiện có để có thể đào tạo theo xu hướng phát triển CNTT trong nước và trên thế giới. Còn GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm, Hiệu trưởng trường Đại học CNTT cho biết định hướng chuyên ngành cho lĩnh vực CNTT hiện nay rất đa dạng. Do đó, cần có những mô hình giảng dạy theo chiều sâu mà không theo chiều rộng như trước đây.
Một giải pháp được ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội tin học TP. HCM, Giám đốc công viên phần mềm Quang Trung đưa ra để kết hợp được đào tạo "cung theo cầu" là mang các công ty giảng dạy và đào tạo CNTT vào các khu phần mềm tập trung để có thể cho các sinh viên, học viên có cơ hội tìm hiểu thực tế công việc và có thể tham gia sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT &TT Trần Đức Lai nhận định ý kiến của các doanh nghiệp đưa ra là hoàn toàn đúng với thực tế. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn khó khăn trong việc đào tạo học viên theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Vì vậy Bộ TT &TT sẽ quyết tâm kết hợp với Bộ GD &ĐT, Bộ LĐ - TB & XH nghiên cứu tìm kiếm mô hình phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sử dụng cũng cần phải hỗ trợ các đơn vị đào tạo trong quá trình sử dụng nguồn lực công nghệ cao.
Nguyễn Sơn
(theo ICTnews)