Học vì tránh khó tìm dễ...
“Hồi còn học ĐH, tôi cứ sốt ruột đợi chờ ngày ra trường, mong thời gian qua nhanh cho hết 4 năm để được đi làm, kiếm tiền. Đến lúc mong muốn này đã “toại” thì tôi thấy “hoảng hốt” muốn chui lại vào trường học tiếp cho nhàn hạ”, Nguyễn Thúy Hà.., SV lớp cao học Báo chí, ĐHKHXHNV mở lòng.
Hà kể: “Tôi tốt nghiệp hơn 1 năm rồi, học cao học cũng gần xong rồi. Đầu tiên, với tấm bằng khá, tôi cũng hăm hở nộp hồ sơ về các tòa soạn, tưởng mình sắp thành phóng viên rồi. Nhưng càng về sau càng thấy tương lai mịt mờ”. Quãng thời gian này, H. bế tắc, không biết làm gì. Biết là cứ thế này mãi sẽ không ổn nên đi học tiếp là phương án khả thi nhất H. có thể nghĩ ra. Rồi gặp một người bạn cùng chung cảnh ngộ lại cùng chung “chí hướng”, Hà quyết định chuyển tiếp lên Cao học.
Những chia sẻ của Hà ngày càng tỏ rõ là cô cũng chẳng mặn mà gì với việc học này: “nếu chỉ học lên Cao học mà ra xin được việc trong các tờ báo thì cử nhân báo chí có khi đi học cao học hết rồi. Nghề này cần sự nhanh nhạy, thực tế, chứ kiến thức học trên lớp không đáng là bao nhiêu để có thể tác nghiệp”. Hà cũng không có ý định sẽ phấn đấu thành giảng viên, vì biết sức học chỉ ở tầm trung, không xuất sắc vượt trội.
Với tấm bằng cử nhân sư phạm Ngữ văn loại khá, Chu Thị Nga biết là không có cơ hội cho mình ở lại thành phố. Mà trở về dạy học ở miền quê nghèo trên huyện Mỹ Đức (tỉnh Hà Tây cũ) đối với Nga quả là một thách thức: Lương 540.000 đồng/tháng, không đủ chi trả những nhu cầu tối thiểu, lại không biết bao giờ mới được vào biên chế. Gia đình còn khó khăn, chu cấp cho Nga học tiếp quả là cả một vấn đề, nhất là khi Nga đòi học thêm văn bằng 2 chuyên ngành Kinh tế ở ĐH Kinh tế Quốc dân. Nga đã cố gắng thuyết phục bố mẹ, đưa ra những lí do như: Đang có “đà” thì học một mạch cho tiện, có gia đình rồi thì khó học lắm, có công việc rồi cũng bận lắm, không còn thời gian đi học nữa, muốn dễ xin việc và dễ kiếm tiền thì phải có bằng cấp cao…
Trong một kế hoạch trước mắt là cũng để thoát khỏi tình trạng “vất vưởng”, rồi sau là những tính toán “dài hơi” hơn, Nga cho biết: “Bây giờ mình cũng không làm được việc gì. Quay lại Hà Nội lần này, mình cũng không đi tìm việc vì biết chắc là không thể tìm được. Làm việc linh tinh thì không thích và phí thời gian. Đằng nào mình cũng phải có một nghề nghiệp ổn định. Theo mình thì kinh tế là ngành có thể sống tốt và có cơ hội ở lại thành phố”.
Khổ nhất là những ngành học “lỗi thời” như tiếng Nga ở ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Xã hội bây giờ chuộng tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung chứ ít ai còn sử dụng tiếng Nga? Vì thế mà Lê Thu Phương học xong 4 năm ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ngành tiếng Nga, “vác” bằng đi đâu cũng nhận được những cái lắc đầu. Chơi ở quê một thời gian dài, Phương chán nản quay lại Hà Nội với kế hoạch học văn bằng 2, cũng ngành kinh tế với hi vọng khi ngoại ngữ được kết hợp với kinh doanh thì cơ hội xin việc sẽ cao hơn nhiều.
Học tiếp để tiếp cận việc làm?
Chờ đợi cơ hội việc làm! Câu trả lời này là rất rõ ràng khi một bộ phận tân cử nhân không xin được việc làm, quyết định học cao học hoặc văn bằng 2. Nhưng không hẳn là cơ hội do trình độ được nâng cao, kĩ năng đã thuần thục. Đây là cơ hội xuất phát từ những người bạn cùng lớp.
Trong một lớp học Cao học hoặc văn bằng 2, không thiếu người đã đi làm và có vị trí, chỗ đứng trong các cơ quan, công ty. Xuất phát từ sự đa dạng trong các thành phần theo học nên hi vọng này của các tân cử nhân đang thất nghiệp không phải không có cơ sở. Nắm bắt được tâm lý “khát việc” của một số bạn trẻ học cùng lớp, không ít người vừa làm vừa học đã tận dụng để tuyển dụng nhân lực cho công ty mình.
Lớp Cao học báo chí mà Hà đang học cũng có không ít bạn đã tìm được các đầu mối để cộng tác viết bài. Có những bạn cũng “lợi dụng” các đầu mối quan trọng này để mở rộng các mối quan hệ. Lớp văn bằng 2 của Lê Thu Phương cũng có bạn được nhận vào làm bán thời gian tại những công ty nhỏ, vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm kinh nghiệm và quen biết rộng rãi. “Đi học cao học hoặc văn bằng 2 như mình mà nói là không có ý định tìm kiếm cơ hội việc làm từ chính những người học cùng là nói dối”, Phương khẳng định chắc như đinh đóng cột.
Điều này cũng không có gì là xấu, nếu các cô cử cậu cử khôn khéo và thực sự muốn tận dụng cơ hội để thể hiện bản thân mình. Tuy nhiên, có một thực tế là khi chờ đợi, các tân cử nhân không chỉ mong muốn có được việc làm. Từ mối quan hệ công việc được đẩy đến quan hệ tình cảm, rồi những toan tính, tham vọng về tiền bạc, hạnh phúc cá nhân, … cũng được trông chờ ở những nơi này!
Lớp học mà Nga đang theo đuổi có những người đã gần 40 tuổi, hiện đang làm phó trưởng phòng của một ngân hàng cỡ trung trung tại Hà Nội. Nga không giấu giếm ý đồ: “Nếu bắt quen và có quan hệ tốt với những người như thế này, ra trường, mình dễ có nơi có chốn, không còn phải quá lo lắng về nơi làm việc nữa”.
Hà chia sẻ: “Lớp báo chí ít nam nhiều nữ, nhiều bạn trẻ, xinh đẹp và tham vọng”. Nói đến đây, Hà ngập ngừng: “Thực sự là nhiều bạn nữ đến đây học, sau một thời gian, thấy các bạn thay đổi khá nhiều. Lớp học nhìn như vậy thôi nhưng những mối quan hệ tình cảm cá nhân rất phức tạp. Học được hơn 1 năm rồi, thấy trong lớp cũng có khá nhiều cặp, nhiều đôi. Mà toàn các anh chàng đẹp trai, công việc ổn định thì cưa được các nàng xinh đẹp nhất lớp”.
Tuy nhiên, có nhiều “trái đắng” cũng rình rập từ những “tham vọng” tìm kiếm và chờ đợi kiểu như thế này. Hà kể: “Có một số bạn gái đi học ở lớp này cũng rất “sẵn lòng” đánh đổi để có công việc, thu nhập. Có bạn “hi sinh” cả người yêu! Nhưng thực ra, người thiệt thòi là chính các bạn. Bởi thường tình cảm này chỉ duy trì đến hết khoá học. Rất hiếm người có may mắn được lo cho từ A đến Z và thảnh thơi ngồi vào chỗ đã được đặt sẵn”.
Học lên cao vì không dám đối diện thực tế...
Vào một lớp học cao học hoặc văn bằng 2, các đối tượng đến học vô cùng đa dạng về tuổi tác, mục đích: Người muốn thăng chức, người muốn có thêm bằng để “ghế ngồi” được vững chắc hơn, có người lại thực sự muốn học thật để trau dồi kiến thức, … Học cao học, học văn bằng hai hay những bằng cấp khác đương nhiên là biểu hiện của sự cầu tiến. Nhưng có một số coi đây là cách “lánh nạn” vì không tìm được việc làm. Cũng không quá khó để phân biệt những tân cử nhân đi học theo kiểu “lánh nạn” này.
Bà Lâm Thuý, chuyên gia tư vấn của Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: “Tuổi đời còn ít, nên cũng dễ để nhận biết trong lớp cao học hoặc văn bằng 2 những ai vừa tốt nghiệp ĐH. Yếu tố quan trọng hơn cả để phân biệt họ là tinh thần và cách học: Một người xác định học không trốn tránh sẽ luôn chủ động, tìm tòi và sáng tạo trong học tập. Còn những người học theo kiểu tránh né thì luôn lơ mơ, hời hợt, cảm thấy học ở bậc này không khác gì thời kì học ĐH”.
Việc duy trì mục tiêu “né tránh” thất nghiệp và chờ đợi những cơ hội việc làm từ trên trời rơi xuống khi học cao học sẽ khiến các tân cử nhân vấp phải những hệ luỵ đáng tiếc.
“Đây là xu hướng sợ trưởng thành, hoang mang và không dám đối diện với thực tế khó khăn của một bộ phận SV mới ra trường và vì xã hội ta vẫn nặng nề chuyện bằng cấp. Vì những “động lực” không “trong sáng” này mà đa phần các bạn SV thụộc dạng này học không có định hướng, học trong tâm trạng miễn cưỡng, được chăng hay chớ và học để... giết thời gian, phí phạm tiền bạc, công sức. Chưa kể đến yếu tố đầu vào, chỉ riêng cách học như thế này cũng khiến chúng ta phải băn khoăn về chất lượng đầu ra và cơ hội việc làm sau đó. Nếu không, nó lại thành một vòng luẩn quẩn như khi họ vừa tốt nghiệp ĐH”, bà Thuý chia sẻ. Và vì thế, “miếng bánh” Thạc sĩ hoặc cử nhân lần thứ 2 từ cách học lẩn tránh này không dễ nuốt trôi được!
Cẩm Quyên
(theo VietNamNet)