"Mỏng" và "ỉu"
Ở Học viện Ngân hàng, nơi đào tạo nhiều ngành học "hot", mọi năm các doanh nghiệp đều rầm rộ đến tổ chức hội thảo việc làm đăng tin tuyển dụng.
Năm 2008, trường có tổ chức đến 3 hội thảo việc làm lớn. Còn từ đầu năm nay, chưa có công ty, doanh nghiệp nào đến học viện đặt vấn đề tuyển SV.
TS. Đỗ Kim Hảo, Trưởng khoa Ngân hàng của học viện cho biết: có đợt cao điểm ngân hàng ACB tuyển 32/42 SV của lớp Ngân hàng C khóa K6 đi làm ngay sau khi thực tập tốt nghiệp năm 2007. Nhưng năm nay, mới có 3 SV ở lớp Ngân hàng C, K8 có khả năng được nhận vào làm sau kỳ thực tập.
Ở ĐH Luật Hà Nội, từ đầu năm 2009, chỉ có 1 đơn vị đến nhờ đăng thông báo tuyển dụng 1-2 vị trí công chức. Đối tượng tuyển dụng cũng yêu cầu cao hơn: Tốt nghiệp bằng khá (trong khi năm trước, bằng trung bình khá cũng tuyển).
Năm 2006, có 200 đơn vị; năm 2007, có 310 đơn vị; năm 2008, lên đến con số kỷ lục hơn 500 đơn vị đến trường ĐH Mỏ - Địa chất thông báo tuyển dụng SV. Trong năm 2008, có 1150 đầu việc dành cho 1020 SV tốt nghiệp ra trường. Có đơn vị tuyển dụng đến 45 vị trí trong hội chợ việc làm năm ngoái. Thế nhưng, từ đầu năm đến giờ cũng chỉ có 1 doanh nghiệp đến trường thông báo tuyển dụng.
PGS. TS Đinh Xuân Hạng, Trưởng khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính chỉ ra lý do khiến sinh viên ngành kinh tế cũng đang "lao đao" tìm việc: "Năm 2007, 2/3 số SV trong tổng số 50 SV ngành Kinh doanh Chứng khoán đã được nhận ở lại làm ngay sau kỳ thực tập. Năm 2008, chứng khoán chùng xuống, SV ra trường khó tìm việc. Thậm chí, nhiều SV phải nộp hồ sơ vào ngành khác”.
Cơ hội dành cho ai?
Dương Thị Linh, SV K8 khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng cho biết, nhiều bạn cùng lớp đã năng động tìm cơ hội part – time, cộng tác ở ngân hàng về lĩnh vực thẻ ATM, điều tra thị trường.
Linh cũng chủ động chuẩn bị hướng đi cho mình: “Ra trường học thêm chuyên ngành song song với quản trị kinh doanh như tín dụng hay kế toán, tích cực bồi dưỡng thêm tiếng Anh để mở rộng cơ hội việc làm”.
Thầy Nguyễn Văn Phú, Phó Trưởng phòng Công tác SV ĐH Luật Hà Nội khẳng định: “Giai đoạn này, SV có năng lực thực sự sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
SV thường bỏ ngoài tai những câu giáo huấn ra rả rằng: phải học tốt từ trong trường. Nhưng bằng cấp vẫn là “giấy thông hành” quan trọng khi SV xin việc.
Với SV tốt nghiệp ĐH Luật đạt học lực giỏi, Bộ Tư pháp sẽ “đặc cách” tiếp nhận ngay. Nhưng 3-4 năm trở lại đây, trong 1.000 SV, cũng chỉ có khoảng 5 - 7 người tốt nghiệp bằng đỏ.
Học viện Bưu chính Viễn thông nằm trong tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT và có sự hỗ trợ của tập đoàn, thế nhưng SV tốt nghiệp học viện muốn làm việc ở VNPT phải có điểm học tập từ 9.0 trở lên.
Thầy Hạng, Trưởng khoa Ngân hàng và Bảo hiểm chỉ ra một hậu quả nhãn tiền của việc không cố gắng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường: “Ở khoa, mỗi năm chỉ có khoảng 40% SV ra trường đạt loại khá trở lên, 60% còn lại đạt bằng trung bình. Nhiều công ty đăng tuyển yêu cầu tối thiểu SV tốt nghiệp bằng khá. Vô hình trung, hơn ½ SV đó mất cơ hội ngay từ vòng sơ tuyển”.
Thầy Hạng khẳng định, vào thời buổi kinh tế khó khăn, chắc chắn các đơn vị tuyển dụng sẽ thắt chặt đầu vào, và yêu cầu SV “chất lượng”. SV Ngân hàng có thể tích lũy thêm kiến thức về Thuế, Kế toán... để có nhiều cơ hội việc làm hơn
TS. Đỗ Kim Hảo, Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng nói: “Tôi tham gia nhiều dự án về đào tạo của châu Âu. Nhưng khi muốn giới thiệu SV của mình vào làm việc thì họ không chấp nhận. Trong các dự án, họ yêu cầu phải có chuyên môn vững, và tiếng Anh phải thành thạo. Trong khi, SV thì có mấy người đáp ứng yêu cầu đó? Vì vậy, các dự án nhiều những vẫn không có nhiều “đất” cho SV Ngân hàng “chạy” dự án cùng các thầy cô".
Trường ra tay “kéo” việc về cho SV
Cuối năm 2008, Học viện Bưu chính Viễn thông đã “kéo” về được 300-500 đầu việc dành cho SV” - Anh Nguyễn Quang Anh, Chuyên viên trung tâm tư vấn và hỗ trợ SV cho biết.
Ông Nguyễn Hồi Loan, Trưởng phòng Chính trị và Công tác Sinh viên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết trường đã chủ động liên kết với Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam. Chính các khoa sẽ phải điều chỉnh chương trình của mình cho sát với yêu cầu của doanh nghiệp.
Thầy Hạng chia sẻ cách hỗ trợ việc làm cho SV từ phía khoa: “Thầy cô liên hệ với bạn bè có chức vụ tại Ngân hàng, công ty, hay hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xin học bổng về cho SV. Qua đó, để nhà tuyển dụng nhìn thấy năng lực của SV. Đây là tiền đề để khoa “đặt vấn đề” nhà tuyển dụng dành cơ hội việc làm cho SV”.
Lưu Vân