Đây là một trong những nội dung mà Bộ GD-ĐT kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật. Dự kiến, những sửa đổi sẽ được trưng cầu ý kiến rộng rãi cuối tháng 3 này.
Số đông các thành viên Ban soạn thảo đều cho rằng, nên có điều khoản “ràng buộc” trong Luật để SV sư phạm ra trường làm đúng ngành.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD (Bộ GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng cho hay, có một bộ phận không nhỏ người học tốt nghiệp sư phạm lại không giảng dạy.
Sự “rẽ ngang” không quản được đã gây lãng phí ngân sách, đồng thời tạo ra sự không công bằng về chính sách học phí đối với người học.
Kiến nghị chuyển quyền từ Thủ tướng sang Bộ trưởng.
Cũng trong buổi góp ý, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng cần điều chỉnh bổ sung việc phân cấp quản lý, mở rộng hơn quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở về chất lượng đào tạo.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, trong các nhóm vấn đề cần điều chỉnh, nhóm đầu tiên gồm các mối quan hệ: Thủ tướng và Bộ trưởng GD-ĐT, của Bộ với các địa phương và phân cấp của các cơ sở giáo dục.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Chu Hồng Thanh, Luật Giáo dục hiện hành quy định việc đào tạo trình độ tiến sĩ có thể thực hiện trong thời gian “2 năm” là quá ngắn.
Để không “ngược” với cách làm của thế giới, Luật sửa đổi theo hướng tăng thời gian tối tiểu đào tạo trình độ tiến sĩ từ “2 năm” lên “3 năm” nhằm nâng cao chất lượng.
Đồng thời, bỏ quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt". Và Bộ trưởng GD-ĐT sẽ quyết cho các cơ sở đào tạo trình độ CĐ, ĐH; thạc sĩ, tiến sĩ thay vì Thủ tướng Chính phủ giao như luật hiện hành.
Chánh Thanh tra Giáo dục Nguyễn Văn Chiến nhận thấy những vấn đề đưa ra để điều chỉnh, bổ sung vẫn còn những khái niệm chưa chuẩn mực mà còn khó hiểu.
Ví dụ: Điều 42 Luật GD quy định “Cơ sở GD ĐH bao gồm: Trường CĐ đào tạo trình độ CĐ; Trường ĐH đào tạo trình độ CĐ, ĐH”, nhưng trong thực tế, có rất nhiều trường ĐH vừa đào tạo công nhân kỹ thuật, vừa đào tạo trung cấp, vừa đào tạo CĐ, ĐH. Thậm chí có trường còn xin đào tạo cả thạc sĩ. Nếu định nghĩa như trong Luật thì những trường đó hoặc sẽ phải đóng cửa hoặc phải đổi tên khác không gọi là trường ĐH, CĐ nữa – ông Chiến nói.
Ngày 28/3, những nội dung sửa đổi phải được gửi lấy ý kiến các Sở GD-ĐT, các trường THPT…Sau đó, sẽ đưa lên mạng của Bộ lấy ý kiên rộng rãi. Dự kiến, ngày 5/4 bản dự thảo phải được đệ trình Chính phủ.
Kiều Oanh