Ảo mộng
Nguyễn Thanh Thư, cô gái đến từ mảnh đất miền Trung mang một vẻ đẹp mặn mà với nước da ngăm đen, đôi mắt lá răm và khóe miệng cười duyên khoe hai lúm đồng tiền cuốn hút.
|
Nguyễn Thanh Thư trong Trung tâm bảo trợ lao động số 2- Ba Vì Hà Tây
|
Cô vào Trung tâm Bảo trợ Lao động - Xã hội II tháng 4/2008 sau khi bị công an bắt quả tang đang mua bán thuốc phiện trong một nhà nghỉ nằm trên đường Giải Phóng. Trước khi sa vào vũng lầy ma túy, Thư là một gái nhảy nổi tiếng trên những bàn rượu của các quán karaoke ở Bùi Thị Xuân hay thiên đường “nhà nghỉ” Gia Lâm.
Trở lại gần 10 năm trước, cô gái này là nữ sinh trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ An, sinh viên khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
Thư thuê nhà ở cùng một người bạn trong dãy nhà trọ gần ĐH Bách khoa Hà Nội. Sát phòng trọ của Thư là phòng của ba cô gái trông rất xinh đẹp, ăn mặc sành điệu, làm một công việc gì đó từ 8h tối và trở về nhà lúc 7h sáng.
Những lúc được nghỉ học, Thư lại chạy sang phòng họ chơi và cô thực sự choáng ngợp trước những bộ quần áo, váy, trang sức các cô gái này khoác trên người.
“Họ là ai nhỉ?” Thư tự hỏi “Họ cũng xấp xỉ bằng tuổi mình, cũng đến từ những vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh, Thái Bình, Yên Bái, thậm chí còn chẳng học trường lớp cụ thể nào, thế mà lại có những chiếc áo, cái quần bằng cả tiền ăn mà bố mẹ gửi ra hàng tháng cho mình”.
Thư thường xuyên lân la sang chơi, hỏi chuyện, mượn quần áo mặc đi học. Một ngày, "chị cả" trong phòng trọ hất hàm nhìn Thư: “Mày cũng xinh đấy nhỉ? Có muốn kiếm tiền để mua quần áo mà không phải đi mượn như thế này không?”, Thư gật đầu cái rụp.
Trước kia ở Nghệ An, cô chỉ có hai chiếc quần đen và vài cái áo sơ mi trắng mặc đến trường. Nay được khoác lên người những chiếc áo lộng lẫy, và những bộ váy gợi cảm, cô thấy sung sướng và hãnh diện lắm. Thư thấy mình đẹp lên, nhiều người theo đuổi hơn, tự tin hơn…
Ngày đầu tiên, Thư được trang điểm và diện bộ đồ thật đẹp. Cô được dẫn đến một bàn rượu trên đường Bùi Thị Xuân. Năm tháng sau, cô trở thành gái nhảy thoát y chuyên nghiệp với thu nhập thường ngày là dăm triệu. Thuốc lắc, tài mà, cần sa trở thành những thú vui trong cuộc đời Thư. Năm 2006, khi đang là sinh viên năm thứ 3, cô bắt đầu hít heroin. Chưa đầy một năm sau đó, Thư bị đuổi học, vì nợ thi quá nhiều.
"Lương" gái nhảy, mại dâm không đủ tiền hút, cô đi buôn thêm heroin và bị bắt đưa vào trại cai nghiện bắt buộc này.
Từ khi vào Trung tâm Bảo trợ, Thư bị ám ảnh bởi những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo trên mảnh đất Hà thành. Xe cộ, cửa hiệu, hàng ăn, quán cà phê… cho đến cái áo trị giá 200.000đ của chị hàng xóm khiến cô choáng ngợp....
Cảnh xe đưa người rước, cafe trong khách sạn 5 sao lung linh, bữa tối trong nhà hàng sang trọng, áo quần xúng xính, rạng ngời son phấn... của người "trên phố", Thư đã ghen tỵ và khao khát một giấc mơ như thế.
Chết vì thiếu hiểu biết
Trần Thanh Tú, đã từng đi cai nghiện bắt buộc lần thứ hai tại TT Bảo trợ Xã hội II lại sinh ra và lớn lên trong một căn nhà mặt phố ngay giữa trung tâm thành phố Hà Nội. Cha Tú là nhân viên an ninh mạng Cảng Hàng không Nội Bài. Mẹ chạy chợ Đồng Xuân. Từ nhỏ, Tú được học năng khiếu múa, nhạc, họa tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội.
|
Trần Thanh Tú trong Trung tâm Bảo trợ Lao động - Xã hội số 2 – Ba Vì, Hà Tây |
Nhiều năm là học sinh giỏi tại trường THCS Đoàn Kết, cấp 3 học trường THPT Trần Phú. Năm 1994, Tú thi đỗ ba trường đại học và chọn Khoa Điện tử Viễn thông trường ĐH Bách khoa Hà Nội với mong muốn theo nghề của cha.
Bánh xe số mệnh sẽ lăn hoàn hảo, nếu như vào đầu năm lớp 10, sau một vụ tai nạn nhỏ, Tú không để vết rách ở bắp chân bên phải bị nhiễm trùng và mưng mủ. Quá sợ hãi và đau đớn, Tú đã giấu bố mẹ tự tìm cách chữa lành vết thương.
Theo lời mách của người anh họ về một loại "thần dược", cô đã tìm đến một căn nhà nằm sau khu bãi rác Thái Hà để mua thuốc phiện đen về điều trị. Nửa năm sau, vết thương liền da, Tú cũng trở thành một con nghiện.
Khi đó, Tú mới 16 tuổi, chưa một lần biết đến ma túy và cũng chưa từng nghe ai nói về tác hại của ma túy. Cô chỉ thấy thứ "thần dược" màu đen đã chữa lành vết thương cho mình, thậm chí càng hút, càng thấy đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh. Cho đến bây giờ, Tú vẫn nghĩ mình đỗ đại học là nhờ thuốc phiện.
Nhưng mỗi khi nghĩ về vụ tai nạn đó, Tú lại thấy đau đớn, ân hận và tiếc nuối lắm. Giá như hồi ấy không vì nỗi sợ hãi bị bố mẹ mắng chửi, thì cô đã nói cho họ biết về vết thương của mình. Giá như có ai đó dạy cho cô sớm về tác hại của ma túy, thì cô đã không lầm lạc mà hút thuốc phiện để sớm lành vết thương.
Những người bạn học cùng cấp 3 hay Đại học Bách khoa với Tú giờ đã trở thành những công dân thành đạt của xã hội. “Còn với tôi”, Tú nói, “cuộc đời đã chấm dứt khi bị đuổi khỏi Trường ĐH Bách khoa. Nghiện, cai nghiện, tái nghiện rồi lại nghiện… Tất cả xoay trong một mê cung mờ mịt và không có lối thoát”.
Niềm hi vọng cuối cùng khiến cô mong mỏi được ra “trại” từng ngày, là đứa con gái 14 tuổi, kết quả từ cuộc hôn nhân với người chồng hiện cũng đang nằm ở trại giam Tân Lập vì tội sơ ý giết người.
Con bé thường vẽ tranh gửi vào cho mẹ. Những bức vẽ có hình một cánh chim đang bay qua giông tố, dù chấp chới, nhưng sức mạnh vẫn cháy lên từ nỗ lực của đôi cánh…
Năm 2002, cả Hà Nội xôn xao bởi vụ bắt “Câu lạc bộ ma túy VIP” trên phố Tăng Bạt Hổ mà kẻ cầm đầu là Nguyễn Khánh Tần - con một viện sĩ nổi tiếng đã được đặt tên đường. N.T.H, cô gái cuối cùng tôi gặp trong chuyến đi thực tế tại Trung tâm Bảo trợ Lao động - Xã hội II lần này, không ngờ lại là em dâu của Nguyễn Khánh Tần, và cũng là con nghiện thường xuyên của CLB VIP đó.
|
N.T.H trong Trung tâm Bảo trợ Lao động - Xã hội số 2 – Ba Vì Hà Tây
|
H cũng từng có một thành tích học tập đáng nể khi là học sinh chuyên Hóa trường PTTH Chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ và sinh viên K47 Khoa Toán - ĐH Sư phạm I Hà Nội.
Cha H là liệt sĩ mất năm 1979, mẹ ở nhà tần tảo không đi thêm bước nữa quyết tâm nuôi cô ăn học. Là con một lại được chiều chuộng từ nhỏ, H vẫn giữ vẻ chân chất, giản dị của một cô thiếu nữ vùng trung du Phú Thọ. Ngày tiễn con đi học trong niềm vui, không người mẹ nào ngờ rằng, đó lại là bản lề cho một quãng đời đầy nước mắt.
Ngày đầu tiên đặt chân xuống đất Hà Nội, cô nữ sinh thuần chất, trong sáng của vùng quê nghèo đã bị "ngợp" bởi những phố xá náo nhiệt, những biển hiệu sáng choang, quán xá tấp nập giai thanh nữ tú.… H ở gần phòng trọ với một cô sinh viên Trường DL Thăng Long nổi tiếng "sành sỏi". Thấy H là gái ngoan và cũng dễ gần, cô sinh viên kia cũng thường xuyên "giao lưu"… rồi rủ giúp H cải thiện độ "quê mùa".
H nhớ lại, không hiểu sao, cô cảm thấy rất sung sướng khi được diện những bộ váy "hợp mốt" và bước vào những chốn ăn chơi tưởng như chỉ có con nhà đại gia mới đủ tiền bước vào đó. Niềm say mê toán học và ước mơ trở thành cô giáo trở nên "lỗi thời" và tẻ nhạt trước những âm thanh, ánh sáng và những anh chàng giàu có mà H gặp mỗi tối ở vũ trường. Sang năm thứ 3, H bỏ học, một phần vì quá chán, một phần vì không thể bớt thời gian chơi để đến trường.
Rồi đến khi lấy chồng, H được nhà chồng mở một nhà hàng trên phố Tăng Bạt Hổ cùng với ông anh chồng và bà chị dâu nghiện ma túy nặng. Chồng đi vắng, không nghề nghiệp, thích ăn chơi lại sẵn tiền lấy từ nhà hàng, H đã bước vào con đường nghiện hút như nó vốn phải xảy ra như thế. Cho đến năm 2007, trước khi bị bắt đi cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội II, H đã gần chục lần cai nghiện ở nhà nhưng không thành công. Nay đã hết hạn hai năm cai bắt buộc để trở về gia đình nhưng cô vẫn không dám quay về, bởi cô không tin mình sẽ dứt khỏi con đường này vĩnh viễn.
Cô nói điều ân hận nhất đến giờ là đã phụ niềm tin của mẹ, nhưng ở cái tuổi 19 đó, cô đã quá ngây thơ, cô đơn và yếu đuối… để có thể kiên cường bước đi trong thế giới rất nhiều cám dỗ và bất trắc này.
Trong một bài thơ, Mac-xim Goóc-ki từng ví von cuộc đời của thiên tài thơ E-xê-nhin giống như một cậu bé nông thôn bị lạc trong thành phố và đã phải nhảy xuống dòng sông với hy vọng dòng sông sẽ đưa mình trở về đồng ruộng.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ” cũng đã đau xót kể về câu chuyện một cô gái tìm đến cái chết chỉ vì muốn người yêu mình hối hận khi đã bỏ đi với một cô gái khác.
Khi người ta trẻ, người ta đã thật sợ hãi, cô đơn và yếu đuối khi phải đối mặt với những cú sốc đầu tiên của tuổi trưởng thành như thế. Nhưng giá như có những bàn tay đưa ra đúng lúc, có những kỹ năng và bản lĩnh vượt sốc được trang bị đúng thời điểm, thì biết đâu đã không có những số phận lầm lạc và bất hạnh như thế…
|
Bài 3: Vượt sốc
Cách đây ba năm, Hà Ngọc Trung (sinh năm 1981) - Giám đốc một hệ thống ảnh viện áo cưới tại Hà Nội - cũng rơi vào những cú sốc công việc, tình yêu như nhiều bạn trẻ khác. Sau đó, anh đã tìm ra con đường tốt nhất vượt khó...