MobileApps sẽ lớn như… Internet
Thị trường ứng dụng cho ĐTDĐ (MobileApps) được Juniper Research đánh giá có qui mô 25 tỷ USD (tương đương 445.000 tỷ đồng) trong 5 năm tới. Số lượng ứng dụng MobileApps sẽ tăng lên khoảng 100.000 vào cuối năm nay. Dự báo 2020 sẽ có khoảng 10 triệu MobileApps. Thị trường MobileApps sẽ lớn không kém thị trường Internet. Đây là nhận định được công bố tại Hội thảo MobileBeat 2009 (tháng7/2009 tại San Francisco, Mỹ).
Các con số dự báo này đáng tin cậy hơn khi Apple cho biết chỉ riêng MobileApps cho các thiết bị cầm tay của hãng đã lên tới 65 nghìn và hơn 1,5 tỷ lượt tải. Sau thành công của Apple AppStore, cả Nokia, LG, Samsung và mới đây Microsoft đã giới thiệu kho MobileApps của mình.
Người Mỹ chi 3,8 tỷ USD (6.760 tỷ đồng) trong năm nay cho MobileApps. Tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Mỹ là 20-37% giai đoạn 2006-2011 và thị trường MobileApps Mỹ sẽ đạt doanh số 9 tỷ USD (160 nghìn tỷ đồng) vào năm 2011, theo nghiên cứu của Compass Intelligence.
Còn tại Việt Nam, đã có một số ứng dụng ĐTDĐ như trò chơi, lịch âm dương, từ điển… nhưng chúng quá ít và tản mát. Vài MobileApps mới đây đã được giới thiệu: chat Vitalk (vitalk.vn), tìm đường Vimap (vimap.vn) do Công ty Việt Thiên (thuộc FPT) phát triển; tải nhạc Mpod (mpod.vn), đọc tin Baomoi Mobi (baomoi.mobi) do Felix Studios phát triển. DN Việt Nam cũng đang hướng đến thị trường đầy tiềm năng này. Nhưng…
Việt Nam có chỗ trên thị trường … tỷ “đô”?
Theo nhiều chuyên gia, trình độ sản xuất MobileApps hiện nay tương tự năng lực sản xuất phần mềm cho máy tính giai đoạn cuối những năm 90 đầu 2000. Bởi phát triển MobileApps đòi hỏi rất lớn cả năng lực tài chính lẫn công nghệ. “Để sản xuất được sản phẩm MobileApps thương mại cần đầu tư cả triệu USD”, ông Bùi Trường Sơn, Giám đốc Felix Studios, cho biết. Theo ông Sơn, khác với phát triển ứng dụng cho máy tính, phát triển ứng dụng cho ĐTDĐ, bên cạnh việc lập trình còn đòi hỏi quy trình kiểm thử kỹ lưỡng trên môi trường thực. “Trang bị hàng trăm điện thoại giá từ dưới một triệu đến cả chục triệu đồng/chiếc phục vụ việc kiểm tra sản phẩm là trở ngại cho rất nhiều công ty và là “nhiệm vụ bất khả thi” với một nhóm lập trình viên độc lập”, ông Sơn cho biết.
Việt Nam có giành được chỗ trong thị trường hàng chục tỷ USD của MobileApps hay không phụ thuộc vào hướng đi của các DN. FPT đã đầu tư công ty Việt Thiên theo hướng này; Liên danh 9 công ty có vốn đầu tư của Quỹ Đầu tư Mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam mới đây giới thiệu ứng dụng cho điện thoại thông minh Vietnam 2.0. Lạc Việt với từ điển Lạc Việt trên ĐTDĐ. Viettel thì âm thầm triển khai kho phần mềm trò chơi cho ĐTDĐ (www.upro.vn)…
Nhưng MobileApps tại Việt nam muốn phát triển hơn nữa cần đến nguồn nhân lực. Khác với phát triển ứng dụng cho máy tính, trở ngại về tài chính và công nghệ vẫn là hạn chế rất lớn để sinh viên ngành công nghệ, lập trình viên trẻ phát triển kỹ năng lập trình cho MobileApps và phát huy tính sáng tạo.
Theo các chuyên gia về MobileApps, các nền tảng công nghệ như J2ME của Sun, OneApp của Microsoft, Widget của Nokia hay Samsung sẽ là môi trường lý tưởng để dân “nghiệp dư” trau dồi kỹ năng và thực thi ý tưởng mới trước khi đem nó đến một quy trình công nghiệp.
Lê Thăng
(theo PC World VN)