Nhiều sinh viên ý thức được rằng chỉ dựa vào kiến thức trong trường ĐH thì không thể đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường. Chính vì thế, họ đã chủ động trang bị cho mình những kiến thức sâu hơn so với những chương trình đào tạo trong nhà trường.
Không học thêm không đi làm được
Hải Minh, sinh viên năm cuối ĐH Giao thông vận tải TP HCM, cho biết: “Em vừa mới phải đi học một khóa quản trị mạng hết ba triệu đồng và chuẩn bị học thêm khóa nâng cao nữa. Có như thế mới mong kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Minh cũng cho biết trong lớp mình, có hơn một nửa số sinh viên phải học thêm ở ngoài. Thông thường, một khóa học về công nghệ thông tin giá 3 triệu đồng là rẻ nhất dù chương trình quản trị mạng đã có trong nội dung đào tạo của trường.
Nhưng theo như nhiều sinh viên nhận xét: “Thầy cô trong trường dạy qua loa, thời gian cũng không đủ để học chuyên sâu nên phải học thêm”. Trong số gần 1.000 học viên đã và đang theo học các chương trình đào tạo của Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Nghean-Aptech, có 70% là sinh viên đến từ các ĐH, CĐ.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng, đại học cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phần mềm cần đào tạo lại ít nhất 1 năm cho khoảng 80 - 90% sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng.
Lệ Quỳnh, sinh viên năm 3, ĐH Mở TP HCM đang theo học khóa tiếng Hàn ở một trung tâm ngoại ngữ tại quận 4, cho biết: “Em học tiếng Hàn khoa Đông Nam Á nhưng trong trường không dạy giao tiếp và không được học với giáo viên người Hàn. Ra ngoài học mới thấy mình phải bổ sung thêm nhiều kỹ năng nữa thì mới mong đi làm được”.
Sinh viên phải… tự cứu mình
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 khối các trường ĐH, CĐ, Bộ GD - ĐT nhận định, “sản phẩm” ra trường của giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đội ngũ cử nhân, kỹ sư yếu cả về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp...
Ông Vũ Sĩ Nam, Tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè, cho biết có năm, doanh nghiệp phải tuyển khoảng 400 lao động có trình độ ĐH, 600 lao động có trình độ CĐ, TCCN. Sau khi vào phải mất 3 - 6 tháng đào tạo lại nhưng cũng chỉ dám giao việc phụ. Nhiều lao động dù tốt nghiệp ĐH, CĐ những trình độ ngoại ngữ, vi tính vẫn còn hạn chế. Có sinh viên chuyên ngành xuất nhập khẩu nhưng được giao đi làm thủ tục khai báo hải quan thì “chịu”, không làm được.
Tuy nhiên, ở góc độ đào tạo, Hiệu trưởng một ĐH cho rằng mỗi doanh nghiệp có những yêu cầu khác nhau. Nếu buộc nhà trường phải dạy sinh viên để đáp ứng nhu cầu của từng doanh nghiệp thì không thể. Việc của nhà trường là đào tạo ra SV đáp ứng được yêu cầu chung nhất của xã hội. Đó là SV có tri thức, kỹ năng và thái độ để làm việc. Vì thế, SV cần phải tự bổ sung thêm kiến thức để phù hợp với đòi hỏi của doanh nghiệp.
Một khảo sát về hiện trạng giáo dục đại học trong một số ngành học ở Việt Nam do Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ thực hiện gần đây cũng cho thấy: Nội dung của mỗi môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời, mất cân đối giữa các giờ học lý thuyết và thực hành. Ở nhiều trường, các môn học và chương trình đào tạo được thiết kế mà không dựa trên những mong đợi rõ ràng về kết quả học tập của sinh viên ở đầu ra (những kiến thức, kỹ năng, và thái độ mong đợi sinh viên đạt được khi hoàn tất môn học hoặc khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo.