Đào tạo chui, cắt xén chương trình
Từ một công ty kinh doanh mua bán các thiết bị văn phòng, máy vi tính, hàng kim khí điện máy, bỗng dưng Công ty cổ phần Bách Nghệ (quận Bình Tân, TPHCM) trở thành một cơ sở đào tạo liên kết với Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM (quận 9), Trường CĐ Nghề số 8 (Đồng Nai) rồi tự biên tự diễn ra ngành mới để thông báo tuyển sinh.
Và với kiểu kinh doanh “tay không bắt giặc” này, nhiều sinh viên theo học lớp thiết kế đồ họa máy tính (K2.7) hệ CĐ (liên thông từ trung cấp lên) đã phải đờ đẫn sống trong tình cảnh dở khóc dở cười.
Theo sinh viên N.T.T, lớp có 18 bạn, vừa trúng tuyển và bắt đầu học từ tháng 10-2009. Tuy nhiên, khi vào học, cả lớp lại được dồn học chung với các lớp hệ CĐ chính quy (quản trị mạng, kế toán) nên học lại rất nhiều môn. Trong khi đó, học phí phải đóng là 2.630.000 đồng/học kỳ. Khi phát hiện bị ngồi nhầm lớp, nhiều sinh viên phản ứng nhưng nhà trường vẫn không giải quyết... Đến ngày 31-12-2009, phụ huynh của những sinh viên này phải trực tiếp kéo đến trường yêu cầu nhà trường trả lại học phí vì đào tạo không đúng như cam kết.
Theo anh Lê Minh Hiếu, nhân viên phòng tuyển sinh của Công ty cổ phần Bách Nghệ: “Thực tế năm 2009-2010, Trường CĐ Nghề số 8 không giao cho chúng tôi tuyển sinh hệ CĐ liên thông từ trung cấp lên. Và việc tuyển sinh này là do chúng tôi tự đăng thông tin trên một số báo để tuyển sinh. Do chỉ có 18 em nên không thể mở lớp (thiếu phòng ốc, thiếu giáo viên)... đành gộp chung với các sinh viên hệ chính quy. Từ việc tự tuyển sinh chui này mà nhà trường không hề có bất cứ một chương trình nào để dạy cho các em hệ liên thông nên cũng đào tạo... chui!
Liên quan đến các quyền lợi của sinh viên – học viên, nhà trường cũng không giải quyết thỏa đáng. Thứ nhất, nhà trường cố tình lờ chuyện miễn giảm học phí cho những sinh viên thuộc đối tượng chính sách... và chỉ giải quyết khi các em khiếu nại.
Tuy nhiên, nhiều em thuộc đối tượng miễn giảm học phí dù đã được cơ sở chính xác nhận miễn giảm nhưng nhà trường cũng chỉ thực hiện miễn giảm 50% phần miễn giảm và xén bớt 50% còn lại của các em. Thứ hai, rất nhiều sinh viên đã đóng tiền bảo hiểm từ tháng 9-2009 nhưng đến nay các em vẫn chưa nhận được thẻ bảo hiểm.
Cùng với việc đào tạo chui, theo phản ánh của nhiều giảng viên, chương trình của một số môn học đã bị cắt xén như các môn tiếng Anh căn bản, Anh văn chuyên ngành, vẽ thiết kế với autocard, hoạt hình với 3D studio max... Không dừng lại đó, nhiều giảng viên không được ký hợp đồng lao động nhưng vẫn bị nhà trường trừ tiền bảo hiểm…
Cơ sở chính: không biết!
Sau nhiều lần liên hệ với Giám đốc Công ty CP Bách Nghệ, chúng tôi vẫn không nhận được sự hợp tác từ phía đơn vị này với lý do “lãnh đạo và ban giám hiệu đã đi công tác hết rồi, tuần sau mới về”. Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã trực tiếp xuống cơ sở chính của Trường CĐ Nghề số 8 tại số 11 Bùi Văn Hòa, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.
Theo Hiệu trưởng Trần Anh Thu, nhà trường ký hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty CP Bách Nghệ từ cuối năm 2008. Tuy nhiên, năm học 2009-2010 nhà trường quyết định không giao cho cơ sở này xét tuyển hệ CĐ liên thông (thông báo số 09/BN/TB – TCĐN8 ngày 29-6-2009), thậm chí trong các ngành liên kết đào tạo năm nay của nhà trường với cơ sở Bách Nghệ cũng không hề có ngành thiết kế đồ họa máy tính.
“Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được số lượng sinh viên – học viên trúng tuyển mà chúng tôi đã giao cho họ đào tạo. Việc cơ sở này ra thông báo xét tuyển, gộp chung để đào tạo với các ngành khác là việc làm sai trái và cho dù họ có báo lên chúng tôi cũng sẽ không nhận những sinh viên này vì chỉ tiêu liên kết đào tạo không có” – ông Thu khẳng định.
Cũng theo ông Thu, do ở quá xa và kiểm tra chưa chặt chẽ nên trách nhiệm cũng một phần thuộc về nhà trường. Trường sẽ rà soát lại tất cả từ chương trình, số sinh viên – học viên, các chế độ chính sách tại cơ sở Bách Nghệ. Nếu quả thật có nhiều bất ổn như thế, trường sẽ chấm dứt hợp đồng liên kết đào tạo với đơn vị này.
Thanh Hùng