‘Người đương thời’ Đỗ Việt Khoa xin giã từ nghề giáo
Posted: 21/5/2010.
“Có nhiều lý do khiến tôi quyết định rời khỏi ngành giáo dục nhưng lý do chính là do tôi thấy hụt hẫng, mất niềm tin, quá thất vọng, vô vọng về môi trường giáo dục”, ông Đỗ Việt Khoa, giáo viên THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội, tâm sự.
"Tự tôi muốn ra đi, muốn rời khỏi ngành giáo", thầy giáo Đỗ Việt Khoa, THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: VnEpress
- Nguyên nhân nào khiến ông đưa ra quyết định nghỉ việc?
- Tôi nghỉ việc do nhiều nguyên nhân. Trước hết, tự tôi muốn ra đi, muốn rời khỏi ngành giáo dục. Tôi mất niềm tin về ngành giáo dục.
Bốn năm qua (từ năm 2006) tôi bị trù dập, bị bôi nhọ... quá nhiều. Chuyện họ trù dập gây khó khăn cho tôi như cơm bữa cũng là một áp lực. Thậm chí, có thể tôi bị họ tung tin là phản động, là kẻ thần kinh... nhưng nguyên nhân chính khiến tôi quyết định rời xa ngành giáo dục là sự hẫng hụt, mất niềm tin. Tôi thấy đấu trông với tiêu cực bây giờ sao khó thế?.
- Ông đã gửi đơn xin nghỉ việc đến những cơ quan nào?
- Tôi gửi đơn tới Sở GD-ĐT Hà Nội đã hơn 10 ngày nay nhưng chưa thấy hồi âm. Tôi đến trực tiếp xin gặp lãnh đạo Sở và nhiều lần gọi điện thoại cho Giám đốc Sở nhưng đều không được tiếp đón.
Hiện, tôi đi làm bình thường. Trong khi chờ quyết định của Sở GD-ĐT, tôi vẫn làm đúng công việc của mình để không ảnh hưởng đến đồng nghiệp và học sinh.
- Tâm trạng của ông sau khi đưa ra quyết định này?
- Dù rất buồn, nhưng tôi hết lựa chọn rồi. Vợ tôi khuyên tôi bỏ đi từ lâu, chỉ vì lo ảnh hưởng tới con cái nên tôi cố nhẫn nhịn. Nay tôi không chịu được nữa, đành phải thôi.
- Ông định làm gì sau khi nghỉ dạy?
- Tôi chưa có kế hoạch gì. Trước mắt, tôi sẽ về giúp việc nhà, dạy hè cho hai đứa con. Tôi hy vọng tôi sẽ tìm được nơi nào có tình người hơn để sống.
Trích Đơn xin thôi việc của ông Đỗ Việt Khoa:
Kính gửi: Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội.
Tên tôi là Đỗ Việt Khoa. Sinh ngày 29/5/968. Tôi là giáo viên trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội.
Tôi làm đơn này đề nghị ông và các cán bộ lãnh đạo Sở giáo dục đào tạo Hà Nội cho tôi thôi việc hẳn kể từ tháng 7/2010.
Lý do:
Như ông đã biết tôi đã từng gửi nhiều lần đơn tố cáo các việc làm sai trái của ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo và các cá nhân liên quan từ tháng 12/2007 đến nay. Tuy nhiên thanh tra sở GD-ĐT Hà Tây cũ và Hà Nội mới đã cố tình kéo dài việc thanh tra và bao che sai phạm, đã ra kết luận hết sức sai trái.
Tôi đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần đề nghị ông giải quyết, ra quyết định hành chính xử lý đối với những sai phạm mà các ông khẳng định. Tôi sẵn sàng chấp nhận bị kỷ luật nếu các ông cho là tôi vi phạm. Tuy nhiên trong thời gian dài vừa qua, lãnh đạo sở GD-ĐT Hà Nội im lặng không giải quyết. Tôi cũng đã có đơn gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Nhưng tất cả đều im lặng, đùn đẩy né tránh trách nhiệm giải quyết.
Hậu quả vô cùng tai hại, những sai phạm tại trường tôi không bị xử lý. Nhiều sai phạm tiếp diễn, xuất hiện nhiều sai phạm mới, như trong 4 đơn tố cáo tôi mới gửi ông từ tháng 10/2009 tới nay.
Việc không xử lý sai phạm khiến hiệu trưởng trường tôi càng ngày càng lộng hành, trù dập tôi ngày càng nghiêm trọng. Đã 4 năm họ ép tôi không hoàn thành nhiệm vụ và không nâng lương.
Cuộc đấu tranh của tôi 4 năm nay nhằm bảo vệ kỷ cương của ngành giáo dục, bảo vệ quyền lợi nhân dân và quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi. Việc lãnh đạo các cấp đều im lặng hoặc né tránh giải quyết, im lặng trước cả hành vi tôi bị trù dập, hãm hại và hãm lương khiến tôi nghi ngờ rằng lãnh đạo ngành đã tham gia vào việc trù dập tôi. Sai phạm có hệ thống, có tổ chức không bị xử lý khiến tôi mất niềm tin vào lãnh đạo Sở GD-ĐT và các cấp. Bầu không khí trường tôi vô cùng đen tối, gian dối. Sức chịu đựng của tôi có hạn.
Vì vậy, sau khi đã cân nhắc kỹ tôi làm đơn này xin ông cho tôi được thôi việc, và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết các chế độ cho tôi.
|
Khánh Tường
Các tin mới:
Sinh viên công nghệ tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Phân biệt giữa Front End, Back End và Full Stack Developer.
Tuyến sinh 2018: CNTT vẫn giữ ngôi "vương" nhưng cửa đi vào Đại học "Top" trên đã khép.
6 điều có thể bạn chưa hiểu đúng về lập trình.
5 bí quyết để trở thành lập trình viên xuất sắc.
Các tin cũ hơn:
Làm sao để tăng tốc độ đọc hiểu tiếng Anh?.
Tốt nghiệp đại học tôi chấp nhận làm ô-sin.
Lời khuyên cho sinh viên mới ra trường.
Từ 1/7 cả nước áp dụng mức học phí mới.
Lựa chọn nghề nghiệp theo cách nào?.