- Nhiều chuyên gia nhận định điều kiện mở trường đại học quá dễ dãi dẫn tới thành lập trường tràn lan, không kiểm soát nổi?
|
Ông Đào Trọng Thi |
- Nói dễ dãi là rất đúng. Chúng tôi cũng đã đưa nhận định như thế vào báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học trình trước Quốc hội tại kỳ họp lần này. Rất nhiều trường mở ra tuyển sinh ồ ạt song đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, trình độ còn kém xa yêu cầu. Cơ sở vật chất cũng rất nghèo nàn. Yêu cầu là 6m2 cho một sinh viên nhưng nhiều trường mới đạt 0,5m2. Nhiều nơi còn phải đi thuê, mượn trụ sở. Cái “vỏ” đã như thế, trang thiết bị giảng dạy, học tập lại càng thiếu thốn. Việc mở trường dễ dãi cũng khiến đầu tư cho giáo dục đại học bị dàn trải, manh mún, thậm chí thụt lùi. Cách đây 5 năm, suất đầu tư cho 1 sinh viên là 6 triệu đồng nhưng vì chạy theo số lượng, tuyển vượt chỉ tiêu cho phép nên con số này phải chia nhỏ ra rất nhiều, chỉ còn khoảng 2,5 triệu đồng!
- Có những thí sinh với 3 môn thi chỉ được 9 điểm cũng đỗ đại học, ông có bình luận gì?
- Đầu vào rất quan trọng đối với chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất đã hạn hẹp thì phải tuyển được học sinh giỏi mới đảm bảo chất lượng tốt. Chạy theo số lượng tới mức phải chấp nhận thí sinh chỉ đạt có 9 điểm/30 như thế chứng tỏ phải tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện để theo đuổi chương trình học. Như vậy chắc chắn là không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.
- Những hình ảnh như trường học cạnh quán karaoke hay nằm kề sân vận động có nói lên sự tạm bợ của một bộ phận cơ sở giáo dục đại học?
- Tất cả những hiện tượng đó đều vi phạm các quy định về vận hành hoạt động của các nhà trường. Nếu không khắc phục kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục đào tạo đại học, cả về chuyên môn, về kiến thức hay giáo dục đạo đức...
- Để xảy ra tình trạng như trên, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
- Trách nhiệm thuộc nhiều cấp khác nhau. Quốc hội cũng có trách nhiệm bởi hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này hiện nay chưa đầy đủ, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu. Cùng với đó là công tác điều hành quản lý trực tiếp của Chính phủ, Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, cơ chế phối hợp quản lý giữa các cơ quan liên quan có vấn đề. Bản thân các cơ sở đào tạo đại học cũng có trách nhiệm, năng lực không đủ nhưng cứ xin chỉ tiêu thật cao, chạy theo số lượng. Ở đây, người xét duyệt và người đề xuất đều có lỗi. Người duyệt không kiểm tra, quản lý lỏng lẻo nhưng cơ sở đào tạo cố tình đăng ký vượt khả năng cũng là sai.
Theo kết quả giám sát, phần lớn các trường ngoài công lập, trường “quốc tế” đều tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn. Điểm chuẩn của các trường cao đẳng còn thấp hơn. Để trở thành sinh viên, nhiều thí sinh chỉ cần đạt trên dưới 13, 14 điểm (điểm sàn), tức là mỗi môn thi chỉ cần đạt từ 4,3 điểm đến 4,7 điểm/10. Với các đối tượng ưu tiên, do được cộng tối đa tới 3,5 điểm, nên điểm trúng tuyển của nhiều thí sinh có khi chỉ là 9 -10 điểm!
|
- Cần có biện pháp nào để chấn chỉnh nạn mở trường dễ dãi, thưa ông?
- Yêu cầu bắt buộc là phải thắt chặt hơn điều kiện và cam kết khi cho phép thành lập trường. Ít nhất, phải thực hiện đúng, nghiêm túc những quy định hiện hành về chất lượng giáo dục đại học. Đối với những trường hợp đã vi phạm, cần phải xử lý nghiêm. Những trường chưa đủ các yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng, cần bắt buộc họ phải khắc phục. Nếu không “nâng cấp” được, phải áp dụng những biện pháp như tạm dừng, không cấp chỉ tiêu tuyển sinh hoặc chỉ giao chỉ tiêu phù hợp năng lực thực tế. Ngoài ra, có thể “hạ cấp” một số trường từ “mác” đại học xuống cao đẳng để vừa đúng với năng lực thực sự. Cuối cùng, với những nơi 10 năm rồi chưa xây dựng được cơ sở vật chất và không có khả năng thay đổi trong tương lai thì phải giải thể. Những chế tài này đều có quy định trong luật, giờ chỉ cần thực hiện nghiêm thôi.
- Ông có tin những yếu kém trong giáo dục đại học sẽ được xoay chuyển trong vài năm tới?
- Chấn chỉnh một cách triệt để là câu chuyện lâu dài nhưng tôi tin sẽ hạn chế dần được vi phạm trong thời gian tới. Có những tồn tại mới đây đã được Bộ GD-ĐT tiếp thu, điều chỉnh ngay. Tôi rất hy vọng, nếu quyết tâm, Bộ có thể sẽ dùng biện pháp mạnh như “hạ cấp”, giải thể đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng.
Chính Trung (Thực hiện)