“Giải trình” cuối ngày QH thảo luận về kết quả giám sát việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, người đứng đầu ngành nêu nhiều nguyên do có thể “thông cảm” cho yếu kém.
Xét về việc cho ra đời các trường ĐH thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khái quát, từ năm 1987 đến 2009 có thêm 94 trường lập mới trong đó 4 năm gần đây (2005 - 2009) khai sinh 37 trường. Năm 2008, đánh giá tổng kết 10 năm ra đời đại học mới, Bộ trường GD-ĐT xác nhận không thể tiếp tục cho thành lập và quản lý các trường ĐH tràn lan như vậy.
Về điều kiện hoạt động của các trường ĐH, năm 1997 trung bình 1 giảng viên dạy 7 sinh viên, hiện tại đã vọt lên con số 28 sinh viên. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xác nhận tình trạng chưa giám sát chỉ số này nghiêm túc như một yêu cầu về chất lượng và việc này đã tồn tại nhiều năm. Ông Nhân khẳng định tới đây, tỷ lệ này sẽ được xem là một tiêu chí để xét chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.
Trình độ của đội ngũ giảng viên, thêm một con số không vui được nêu ra, tỷ lệ tiến sỹ 12 năm qua vẫn chỉ hơn 10%. So với năm 1987, ngoài số hơn 10% tiến sỹ, giảng viên còn lại đều là cử nhân thì nay có hơn 40% là thạc sỹ, cử nhân chỉ còn 49%. Số cử nhân giảng viên đã giảm được 90%.
Cũng thời điểm năm 1987, khi mới đổi mới đất nước, ngành GD-ĐT mỗi năm cho ra trường 20.000 kỹ sư, bác sỹ. Đến nay mỗi năm lượng sinh viên ra trường hơn 220.000 người, gấp 11 lần.
Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh: “Nếu không có sự phát triển như vừa qua, với quy mô cũ, chúng ta mất 11 năm mới đào tạo đủ nhân lực yêu cầu cho 1 năm”.
Về chất lượng việc đào tạo vừa nhận nhiều “chỉ trích” tại hội trường trong suốt 1 ngày, người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn cho rằng những gì chưa làm được, các đời Bộ trưởng GD-ĐT từ năm 1975 đến nay cũng phải chia trách nhiệm.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Nhân thừa nhận: không thể tiếp tục phát triển về số lượng mà không giám sát chất lượng như vừa qua. Theo đó, nguyên nhân những yếu kém ngành GD xác định là không chỉ sửa ở hoạt động sư phạm mà vấn đề nằm ở các hoạt động quản lý (quản lý nhà nước và quản lý thị trường).
“Giáo viên yếu, cơ sở vật chất trường lớp yếu là sự thật nhưng nguyên nhân cũng từ hệ thống con người quản. Không thể tiếp tục phát triển về quy mô trường ĐH mà buông lỏng chất lượng như vừa qua” - ông Nhân nhận “lỗi”.
Đại biểu đặt niềm tin vào đề án cải tạo giáo dục ĐH trong 3 năm? (ảnh: Việt Hưng).
Các chỉ số đánh giá được điểm lại: năm 2008 - 2009, y tế, giáo dục VN hạng 84, năm 2009 - 2010 đã lên hạng 76. Giáo dục ĐH năm 2008 - 2009 đứng hạng 98, đến 2009 - 2010 lên 6 bậc, đứng hạng 92, so với mốc 103 của năm 2007 - 2008 thì 3 năm cũng lên được 11 bậc.
Nhưng chỉ tiêu kém nhất là về chất lượng quản lý nhà trường, hiện đứng thứ 111/133. “Như vậy, quốc tế cũng đánh giá đây là khâu kém nhất của giáo dục ĐH Việt Nam, cũng đúng như ý kiến các đại biểu hôm nay” - Bộ trưởng Nhân một lần nữa thừa nhận.
Người đứng đầu Bộ GD-ĐT trình bày đề án đổi mới chất lược giáo dục ĐH 2010 - 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt. Các thay đổi sẽ “nhắm” tới vấn đề quản lý nhà nước và quản lý từng trường với 12 nhóm giải pháp.
Nếu như chiến lược đổi mới giáo dục phổ thông nòng cốt là phong trào “2 không” tiến hành trong 4 năm thì đề án cải tạo bậc học ĐH, Phó Thủ tướng tự tin cho rằng trong vòng 3 năm sẽ cải thiện được tình hình, tạo tiền đề tốt cho giai đoạn tiếp theo.
P. Thảo