Nghịch lý thừa, thiếu
Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT ở các vị trí lập trình viên, nhóm trưởng, giám đốc dự án… Hiện 3 công ty đang hoạt động tại Công viên phần mềm Đà Nẵng có nhu cầu tuyển dụng 100 người, nhưng mới có 40 ứng viên đáp ứng được yêu cầu trong số hàng trăm đơn xin được phỏng vấn.
Theo thông tin từ Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm này thường xuyên nhận những đơn đặt hàng của các công ty tại TP.HCM và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT, lập trình viên, trưởng nhóm dự án… làm việc tại TP.HCM hoặc xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Số lượng tuyển dụng mỗi đơn hàng như vậy rất lớn từ vài chục đến hàng trăm lao động tùy thuộc từng vị trí tìm kiếm các ứng viên với mức lương từ 1800 - 2000 USD/tháng đối với lập trình viên (làm việc tại Nhật Bản). Mặc dù Huế cũng là nơi quy tụ nhiều trường đại học, cao đẳng, cũng như các tổ chức phi chính quy khác nhưng số ứng viên đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ rất thấp. Do đó, các doanh nghiệp này thường xuyên liên lạc với Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm trong những đợt có sinh viên sắp tốt nghiệp để tiếp tục tuyển dụng.
Cũng theo ông Sơn, trong thời gian gần đây các trường Đại học, Cao đẳng đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo vẫn chưa cải thiện nhiều. Sinh viên CNTT sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm hoặc làm việc trái ngành nghề, làm việc bán chuyên nghiệp… vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, nghịch lý đào tạo nhiều nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư kêu thiếu vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Doanh nghiệp cần vào cuộc
Trong các hội thảo xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vấn đề nguồn nhân lực luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Để “trấn an” các nhà đầu tư, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng cho rằng, nguồn nhân lực nếu thiếu phải đào tạo. Đà Nẵng hiện đang là địa phương đầu tàu ở miền Trung về giáo dục và đào tạo, sắp tới sẽ có những dự án rất lớn để phát triển hệ thống giáo dục.
Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ có đại học quốc tế, Đại học FPT, Đại học Thông tin và Truyền thông (nâng cấp từ trường Cao đẳng CNTT hữu nghị Việt-Hàn) cùng với các trường đã có như đại học Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Duy Tân, Đông Á và hàng loạt các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo phi chính quy. “Đà Nẵng sẽ chú trọng đặc biệt đến đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư vì Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu thành phố công nghệ cao, thành phố môi trường”, ông Minh nhấn mạnh.
Còn ông Lê Minh Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lại cho rằng, không phải miền Trung không có người giỏi, mà do chính sách thu hút chưa thực sự tốt nên con em miền Trung sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đều vào TP.HCM hoặc một số tỉnh khác để tìm việc làm. Vậy tại sao các nhà đầu tư không nghĩ rằng nếu thực sự có nhu cầu và tạo môi trường làm việc tốt thì sẽ thu hút được lực lượng này quay về miền Trung để phục vụ quê hương? Doanh nghiệp cũng cần phải xắn tay cùng với địa phương đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu của mình. “Trong lúc các nhà đầu tư đều kêu thiếu nguồn nhân lực thì hàng nghìn sinh viên vẫn phải vất vả tìm kiếm cơ hội sau khi ra trường”, ông Ánh dẫn chứng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, để có đủ nguồn nhân lực cần đào tạo theo hai loại hình: một là để đáp ứng nhu cầu trước mắt, nghĩa là khi doanh nghiệp cần thì địa phương phối hợp đào tạo; một loại hình khác mang tính dài hơi là đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Kim Sơn dẫn chứng: “Cách đây mấy năm, một số doanh nghiệp như Công ty phần mềm FPT, Migrabit, Unitech, Softech, 3T… đến Đà Nẵng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ phần mềm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực. Những doanh nghiệp này chấp nhận giải pháp tuyển dụng vào rồi cho đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy điều này có bất lợi là chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng đến thời điểm này, họ đã ổn định và phát triển tốt”.
Trong chiến lược phát triển, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đều xác định lấy công nghiệp CNTT làm ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội. Các địa phương này cũng đang nỗ lực tạo môi trường tốt, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, xây dựng các khu công nghiệp CNTT tập trung để thu hút nhà đầu tư. Do đó nguồn nhân lực CNTT vẫn tiếp tục là nhu cầu bức bách của các địa phương này.
Hạnh Dương
(theo ICTnews)