Muốn thành công phải dám nghĩ, dám làm
Đề cập đến sự sáng tạo, tính quyết đoán dám nghĩ dám làm của một CIO, tại CIO Summit 2010, những người đảm nhiệm vai trò lãnh đạo CNTT của các đơn vị rất chú ý tới kinh nghiệm của chuyên gia Gui Anvanith - TGĐ Ngân hàng Ngoại thương Campuchia (FTB) trong vấn đề nghiên cứu và phát triển ATM tại quốc gia này.
Ông Gui Anvanith chia sẻ, việc sử dụng những chiếc thẻ nhựa để rút tiền từ các máy ATM có thể là một việc bình thường ở nhiều quốc gia, tuy nhiên tại Campuchia, nơi xã hội vẫn còn có thói quen sử dụng tiền mặt trong mọi giao dịch thì đây thực sự cũng là một cuộc cách mạng. Trước bài toán nan giải ấy, trên cơ sở nghiên cứu thói quen, sở thích, môi trường cũng như nhu cầu của người dùng, đầu năm 2009 ông Gui Anvanith đã trực tiếp chỉ đạo FTB thực hiện dự án ATM bằng công nghệ nhận dạng sinh trắc học thân thiện với người dùng qua bốn đặc điểm khác biệt hoàn toàn so với các đối thủ: Có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng bản địa, được nhận dạng bằng dấu vân tay (thay vì dùng số PIN như thông thường), sử dụng màn hình cảm ứng và đặc biệt là không bao giờ “nuốt” thẻ.
Chính từ những ưu điểm nổi trội này, ngay lập tức hệ thống ATM của FTB đã thu hút được người dùng quan tâm, đồng thời cải thiện hình ảnh “chậm trễ” lâu nay vốn ngự trị trong suy nghĩ của khách hàng mỗi khi nghĩ tới FTB.
Trao đổi kinh nghiệm cá nhân, ông Nguyễn Hoài Giang - TGĐ Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Cách đây 8 năm, ngay khi triển khai dự án CNTT cho nhà máy đã phải đối mặt với thực trạng hóc búa là có nên ứng dụng hệ thống CNTT, hệ thống điều khiển mới nhất hay không vì tại Việt Nam chưa từng có tiền lệ để tham khảo. “Dồn dập có những ý kiến cho rằng hệ thống mới chưa được chứng minh bằng thực tế, nếu áp dụng sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn với số tiền khổng lồ, nhưng cuối cùng, tôi cùng các đồng nghiệp đã “dũng cảm” đề xuất với lãnh đạo áp dụng hệ thống mới nhất. Đến nay hệ thống mà chúng tôi lựa chọn đã thực sự khẳng định được chất lượng, góp phần vào thành công sản xuất hơn 5 triệu tấn sản phẩm các loại”, ông Giang nói.
“Vật vã” thuyết phục lãnh đạo
Theo quan điểm ông Dương Dũng Triều – TGĐ công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại hoặc hiệu quả của dự án ứng dụng không được như mong muốn là do thiếu sự hỗ trợ sát sao của lãnh đạo. “Chính sự tham gia của lãnh đạo, chủ động thúc giục lãnh đạo trong các quyết định để có thể điều chỉnh kế hoạch, dự án khi cần thiết là điều vô cùng quan trọng”, ông Triều nhấn mạnh.
Thế nhưng, CIO cần phải làm gì để thuyết phục, nhất là với lãnh đạo “ngoại đạo” với CNTT? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vinh - Chánh Văn phòng Thành uỷ Hải Phòng (CIO 2010) cho biết: “Để các dự án ứng dụng CNTT đạt hiệu quả, tôi và các đồng nghiệp đã phải thực hiện thuyết phục theo cách làm là dần dần từng bước để các cấp lãnh đạo có thể hiểu đầy đủ về sự cần thiết của ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, để từ đó họ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo bám sát quá trình thực hiện”. Nhưng khó khăn hơn cả là đối với những người lãnh đạo CNTT tại các đơn vị mà vai trò của CIO hay phòng ban, bộ phận CNTT chưa có được vị trí xứng đáng. Về thực tế này, ông Bùi Hải Quân - Giám đốc CNTT Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - Bộ Quốc Phòng (CIO 2010) chia sẻ: "Phòng CNTT của Tân Cảng được thành lập từ cuối năm 2006. Khi đó, suy nghĩ của lãnh đạo và nhiều người đều nhìn phòng CNTT của chúng tôi chỉ như một công cụ, phương tiện không quan trọng. Để thuyết phục được lãnh đạo đồng thuận với dự án CNTT không đơn giản. Chúng tôi phải kiên trì, thậm chí là nhẫn nại đến mức… chờ trực trước cửa phòng lãnh đạo để gặp trực tiếp thuyết phục”.
Liên kết nhân lực để tạo sức mạnh
“Một trong những hạn chế lớn hiện nay của CIO chính là thường có suy nghĩ mình có thể quyết định tất cả mọi vấn đề trong phạm vi dự án, tuy nhiên đối với các dự án có giải pháp phức tạp, thì vai trò của người sử dụng hay cán bộ nghiệp vụ rất quan trọng. Chính vì thế, cần có hợp tác chặt chẽ với người sử dụng”, ông Triều khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Bùi Hải Quân kể lại câu chuyện khó khăn khi ngày đầu đưa ứng dụng công nghệ vào thay thế hoạt động thủ công cho doanh nghiệp. Để thay đổi nhận thức của đội ngũ nhân lực lên tới 3000, trong đó không ít người lâu nay chỉ quen làm việc thủ công như lái xe, bốc xếp… rất nan giải. Trong những ngày đầu họ lo lắng, rồi thậm chí từ chối không tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng nguồn lực và tùy theo năng lực của nhân sự để giao việc, đề xuất với lãnh đạo đưa ra thành mệnh lệnh, bắt buộc bằng mọi giá phải vận hành hoạt động thì chúng tôi cũng thông qua Công đoàn, Đoàn thanh niên vận động mọi người, đồng thời góp ý với lãnh đạo xây dựng chế độ lương thưởng mới theo năng suất lao động.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Henry Rhoel – Trưởng phòng Công nghệ của Hệ thống dịch vụ Bảo hiểm Chính phủ (GSIS Philippines) cũng chia sẻ kinh nghiệm liên kết nhân sự trong dự án “khổng lồ” là tháo gỡ khủng hoảng cho GSIS khi hàng loạt giao dịch liên quan đến lương hưu, quản lý tài khoản… đình trệ do hệ cơ sở dữ liệu quá tải, không thể xử lý, nhân sự chủ chốt đã bỏ đi gần hết… Chỉ trong vòng một tháng, ông đã tái cấu trúc lại nhóm dịch vụ CNTT, thuê chuyên gia trẻ giỏi chuyên môn từ lĩnh vực ngân hàng và viễn thông, thuê một nhóm làm việc có thể giải quyết vấn đề đình trệ quỹ lương hưu. Đặc biệt trong hệ thống thanh toán, ông đã đề xuất ngân sách riêng để thu hút các luật sư, chuyên gia kế toán giỏi nhằm đảm bảo tất cả các quá trình tái cấu trúc thành công.
Với nhân sự giỏi và một quy trình chuẩn hóa, hệ thống cơ sở dữ liệu cũ đã được thay thế bằng hệ thống mới hiện đại, Henry đã vực dậy cả một GSIS đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng với khả năng lãnh đạo và quá trình đào tạo nghiêm túc, chỉ sau 9 tháng kể từ ngày nhận chức.
Nguyên Đức
(theo báo Bưu điện Việt Nam)