Phương thức tuyển sinh hiện nay đang có gì bất ổn và có còn phù hợp với thực tế? Cần thay đổi như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH FPT, một trường đang áp dụng phương thức tuyển sinh riêng - đánh giá:
- Cách thi tuyển sinh hiện nay của Bộ GD-ĐT được các trường đồng loạt áp dụng dựa trên giả thuyết: học phổ thông tốt sẽ học ĐH tốt. Cách thi tuyển là kiểm tra những kiến thức đã học. Như vậy, nhược điểm lớn nhất là không đáp ứng được yêu cầu chọn được những thí sinh phù hợp nhất với việc học ĐH, học ở những trường ĐH khác nhau.
Hình thức tuyển sinh hiện nay là chỉ nhằm đóng cái dấu đủ điều kiện học ĐH hay không bằng điểm sàn. Phân thí sinh ra làm hai loại, gây cảm giác không đạt điểm sàn giống như “công dân hạng hai”. Quan niệm xã hội hiện nay cho rằng vào trung cấp, CĐ là do không vào nổi ĐH. Cách thi cử hiện nay đang "tiếp tay” cho tâm lý và cách nghĩ đó của xã hội.
Đến lúc nào đó học ĐH là quyền, đủ tiền, thích học là được học, nếu vì điều kiện gì đó hoặc sở thích thì có thể học bằng những con đường khác nhau. Cách tuyển sinh này cũng quá nhấn mạnh đầu vào. Cách thức tổ chức tuyển sinh là do bộ không tin trường, không tin địa phương có thể làm tốt. Không thể phát triển, không thể có đổi mới và đột phá nếu như dựa trên sự không tin tưởng lẫn nhau.
Bộ đang tuyển sinh giúp các trường (!)
Quan điểm của tôi là tuyển sinh - tuyển chọn người vào học - là việc của trường. Mỗi trường có một chiến lược phát triển riêng, mục tiêu đào tạo cụ thể, các điều kiện mọi mặt khác nhau... nên cần có phương thức tuyển sinh riêng.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tuyển sinh giúp các trường. Tất cả các trường đều tuyển như nhau dựa trên cùng một lý thuyết học phổ thông tốt thì học ĐH tốt, chưa kể đến tính may rủi do sự lựa chọn của thí sinh...
Cách tuyển sinh của trường chúng tôi vẫn phù hợp với quy chế tuyển sinh nhưng tạo cho trường một sự chủ động nhất định, chọn được đầu vào phù hợp. Ít nhất chúng tôi có quyền lắc đầu đối với những người mình nghĩ rằng không đủ tố chất theo học.
|
|
PV báo Tuổi Trẻ: Nhưng các nhà quản lý giáo dục luôn lý giải sở dĩ phải áp dụng phương thức tuyển sinh như hiện nay vì giáo dục ĐH ở VN chưa giải quyết được mối quan hệ cung - cầu. Khi nhu cầu học ĐH luôn vượt quá khả năng đáp ứng thì phải tuyển chọn gay gắt, chặt chẽ?
TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường Đại học FPT: Cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn tâm lý xã hội đang cho rằng quan hệ cung - cầu là một nguyên nhân cơ bản để áp dụng hình thức tuyển sinh hiện nay nhưng thực tế không phải vậy. Cung - cầu trong giáo dục ĐH hiện nay đã có những thay đổi. Theo tôi, nó không còn ở tình trạng căng thẳng, khi cầu vượt quá cung nhiều như trước đây, buộc chúng ta phải lựa chọn những hình thức tuyển sinh khắt khe và căng thẳng. Như kỳ thi tuyển sinh năm nay, báo chí đã phản ánh nhiều trường không tuyển được.
Thực tế mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu HS hoàn thành chương trình THPT. Trong đó khoảng 850.000 học sinh tốt nghiệp. Khoảng 85-90% trong số đó thi ĐH, cộng với số thí sinh tự do dồn lại từ năm trước, tôi ước chừng có khoảng 900.000 thí sinh thực tế. Đó chính là cầu.
Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển mới của ĐH, CĐ chính quy được công bố là 560.000, chưa tính những số chỉ tiêu được bổ sung cho các trường, ngành mới. Bên cạnh đó còn các loại chỉ tiêu như đào tạo theo nhu cầu xã hội, liên thông, tại chức...
Chưa kể cả nước có 135 trường đào tạo hệ CĐ nghề với trung bình 1.500 chỉ tiêu/trường. Như vậy, nhìn vào nguồn đầu vào ĐH và thực tế xét tuyển NV2, NV3 khó khăn của các trường ĐH, CĐ hiện nay sẽ thấy chúng ta đã ở tình trạng mấp mé cung vượt cầu chứ không phải ngược lại. Đã đến lúc không phải các trường ĐH muốn làm gì cũng được, người học đã có quyền và nhiều cơ hội lựa chọn. Nếu không hấp dẫn, người học sẽ không chọn trường đó.
PV báo Tuổi Trẻ: Vậy theo ông, phương thức tuyển sinh ĐH cần thay đổi theo hướng như thế nào?
TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường Đại học FPT: Cải tiến tuyển sinh trước hết là phải xem lại quan hệ cung - cầu đối với giáo dục ĐH hiện nay. Phải nhìn nhận lại mối quan hệ này, từ đó có cách nhìn khác, cách tiếp cận khác để giảm căng thẳng, áp lực không cần có đối với việc tuyển chọn đầu vào ĐH. Có rất nhiều giải pháp đưa ra hiện nay mang tính tình thế. Ví dụ như gần đây tôi thấy lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói việc chỉ tổ chức một đợt thi ĐH thay vì hai đợt... Những giải pháp này chỉ là cải tiến nho nhỏ, không giải quyết được tận gốc của vấn đề, không tạo ra sự thay đổi.
Tuyển sinh ĐH, CĐ đang cần một quá trình chuyển đổi phương thức mà cuối cùng là giao hết cho các trường, là việc của các trường ĐH, CĐ. Hiện nay do bối cảnh xã hội có thể chưa làm được ngay nhưng phải bắt đầu làm sớm, dần dần chuyển về để trường thực hiện.
PV báo Tuổi Trẻ: Cơ quan quản lý giáo dục lo ngại không tuyển sinh có thể dẫn đến tình trạng các trường tuyển sinh với chất lượng thấp?
TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường Đại học FPT: Tôi luôn cho rằng việc tuyển sinh là của các trường. Các trường có thể chịu trách nhiệm trước xã hội về cả một tổng thể lớn là quá trình đào tạo, dạy - học, cấp bằng tốt nghiệp... Vậy tại sao lại không thể chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh. Tuyển sinh là khâu dễ nhất trong cả quy trình đào tạo ĐH. Phải tập trung cho khâu tuyển sinh như hiện nay mất sức, mất quá nhiều thời gian. Nếu cầu thật sự vượt cung đáng kể thì cần có bộ lọc. Nhưng khi cung và cầu đã xấp xỉ thì nên coi việc ràng buộc bằng xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm theo những tiêu chí nhất định là một sự tính toán, hạn chế cho các trường rồi. Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát, sàng lọc trong quá trình đào tạo.
THANH HÀ thực hiện
(theo báo Tuổi Trẻ)