Đầu vào dễ dãi
TS. Bùi Việt Phú (Sở GD&ĐT Quảng Trị) cho rằng, chất lượng giáo dục ĐH, CĐ khó nâng cao khi tỷ lệ giảng viên và sinh viên ngày càng chênh lệch. Năm 1987, số giảng viên/sinh viên trung bình là 1/6,6 thì nay con số này 1/28. Đây là bất cập dẫn đến nhiều hạn chế về chất lượng đào tạo.
“Thông thường ở các nước phát triển, cứ 3 năm phải thay đổi giáo trình vì công nghệ, khoa học phát triển như vũ bão, trong khi đó giáo trình của chúng ta hơn 30 năm nay không đổi”, ông Phú nói.
ThS. Nguyễn Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Nghiên cứu giáo dục cho biết: Kết quả tuyển sinh hằng năm của các trường ĐH, CĐ ở những trường thuộc “top” đầu thì tương đối cao, số còn lại lấy trên điểm sàn, những trường mới thành lập thì tuyển sinh “xé rào”. Chất lượng đầu vào chưa cao, chỉ cần 4,5 điểm/môn là có thể trở thành sinh viên ĐH, CĐ. Đầu vào dễ dãi dẫn đến việc sinh viên lơ là học tập.
ThS. Đỗ Diên, ĐH Khoa học (ĐH Huế) so sánh những sinh viên có đầu vào thấp giống như hạt lúa lép. “Ai cũng biết nếu giống lúa không tốt, thì dù có chăm bón tốt đến đâu cũng khó phát triển”. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị thắt chặt khâu tuyển sinh đầu vào trên cơ sở nâng cao điểm sàn, thay đổi môn thi, khối thi cho phù hợp ngành nghề, trường đào tạo.
Đào tạo cho ai?
Hậu quả của chất lượng đào tạo không đảm bảo là: Nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm hoặc không làm được việc. ThS. Nguyễn Ngọc Tài minh chứng: Trong cuộc thi đánh giá theo chuẩn của tập đoàn Intel để tuyển kỹ sư cho xưởng sản xuất của mình ở TPHCM, trong số 2.000 sinh viên công nghệ thông tin người Việt Nam, chỉ có 90 người trúng tuyển. Trong nhóm 90 người, chỉ có 40 người đủ trình độ tiếng Anh để làm việc cho Intel.
Theo PGS-TS Đào Duy Huân - ĐH Tài chính Marketting, mặc dù hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ có việc làm nhưng tỷ lệ có việc làm đúng ngành nghề đào tạo còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 60%. Nguyên nhân là còn nhiều hạn chế trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ và chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất…
Ông Huân cho biết: Chi phí đào tạo một sinh viên một năm ở nước ta từ 6 - 10 triệu đồng, tương đương 300 đến 500 USD, trong khi ở các nước tiên tiến từ 10.000 đến 15.000 USD (gấp 30 lần).
Một trong những kênh đánh giá về chất lượng đào tạo là phản hồi của doanh nghiệp - nơi sử dụng “sản phẩm” của các trường. Tuy nhiên, qua khảo sát 110 cơ sở giáo dục, TS. Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục cho rằng, những “người tiêu dùng” này đang bị các trường bỏ lơ. Quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mới ở hình thức và thiếu thực tiễn.
Theo thống kê từ năm 1987 đến nay, tốc độ phát triển các trường ĐH, CĐ rất nhanh, năm 1987 có 101 trường thì năm 2010 là 440 trường. Số sinh viên cũng tăng từ 130.000 lên đến 1,7 triệu (tăng 13 lần), nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 22 năm chỉ tăng 0,07%, từ 10,09% năm 1987 lên 10,16% năm 2009. Nhiều trường mới lập ra thiếu cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, người học, cơ sở vật chất…
|
Quang Phương
Theo Tienphong.vn