Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài nắm bắt được mục tiêu định hướng mà Đề án đặt ra.
Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, đưa công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8-10% vào GDP, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, ứng dụng hiệu quả CNTT trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tại hội nghị, các chuyên gia, một số doanh nghiệp nước ngoài như Intel, Cisco, Huawei, IBM... đã chia sẻ kinh nghiệm về những chính sách, xu thế của CNTT và truyền thông quốc tế để Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo, thiết lập cơ chế phù hợp để Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường đầu tư tốt trong việc phát triển CNTT.
Đó là các vấn đề như việc mở rộng kết nối băng thông rộng tới khu vực nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giúp các doanh nghiệp CNTT có nguồn tín dụng tốt hơn để đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo trên thị trường Việt Nam. Đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia và tích hợp vào chương trình đào tạo nhiều học phần về công nghệ cao để nâng cao chất lượng lao động CNTT.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển CNTT và truyền thông, trong đó phải kể đến việc đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng; người Việt Nam ham học hỏi; giá nhân công ở Việt Nam hợp lý... Đây có thể coi là là môi trường đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo chuyên ngành CNTT.
Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển CNTT và truyền thông. Đội ngũ lao động còn thiếu kinh nghiệm.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp nước ngoài cần nêu các yêu cầu cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực cũng như nội dung đào tạo. Bên cạnh đó cần trang bị cho các kỹ sư, công nhân Việt Nam có đủ kiến thức, làm chủ máy móc, thiết bị trong lĩnh vực CNTT… góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Từ Lương
Theo Chinhphu.vn