Có người cho rằng việc giảm lãi suất huy động là tất yếu khi thời kỳ khủng hoảng đã qua đi, nhưng cũng có người cho rằng các ngân hàng phải điều chỉnh bởi với mức huy động cao như hiện nay thì họ sẽ lỗ bởi lãi xuất cho vay tối đa chỉ là 21%/năm.
Ngân hàng nhỏ giảm lãi suất đang ở mức quá cao
Ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhbank) hiện có mức lãi suất huy động đối với tiền đồng (VND) áp dụng cho kỳ hạn 2 tháng là 18,62%/năm (tương đương 1,551%/tháng), áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng là 18,90%/năm (tương đương 1,575%/tháng). So với mức lãi suất gần đây nhất mà ngân hàng này áp dụng trong chương trình "Lãi suất cao bất ngờ’’ với kỳ hạn 2 - 3 tháng là 19,5%/năm vào cuối tháng 6 thì đã có mức giảm khá mạnh, đến gần 1%.
Trước đó, một ngân hàng khác là Kiên Long đã phải tự hủy bỏ mức lãi suất cao đến 20% chỉ sau 1 - 2 ngày áp dụng và đưa lãi suất của ngân hàng này về mức 19%. Được biết, việc bỏ lãi suất 20% của Kiên Long thực hiện sau khi có nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước và cảnh báo sẽ có những hình thức kỷ luật nếu không có những điều chỉnh phù hợp.
Trên thị trường, mức lãi suất huy động bằng VND báo cáo về Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua cho thấy, các NHTM nhà nước phổ biến ở mức 17-18%/năm; lãi suất huy động của các NHTM cổ phần phổ biến ở mức 18-18,5%/năm. Số ngân hàng có mức lãi suất trên 19% rất hiếm, có thể chỉ áp dụng ở một số chi nhánh trong thời gian ngắn. Mức nhạy cảm 19% được một số ngân hàng duy trì như Ngân hàng Đại Dương hay Kiên Long...
Các ngân hàng rõ ràng đã cảm nhận được thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng việc có giảm hay không và giảm thế nào rõ ràng còn phải trông chờ vào tín hiệu thị trường và nhất là có người dám phát đi tín hiệu chính thức đầu tiên. Đơn giản, những ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao nhất đều rơi vào những ngân hàng nhỏ, tính cạnh tranh thấp hơn.
Mục tiêu an toàn sẽ được ưu tiên?
Trao đổi về khả năng hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng, ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc Ban nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, việc này hoàn toàn có thể được các ngân hàng tính đến. Các ngân hàng tăng lãi suất lên cao là nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn, nếu mục tiêu đó đã đạt được thì sự an toàn dài hạn sẽ được ưu tiên. Theo kinh nghiệm của ông Mạnh, để duy trì hoạt động các ngân hàng phải có mức chênh lệch lãi suất vào ra tối thiếu trên 3%.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác như ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng khoảng cách này là 4% và khuyên các ngân hàng nên duy trì lãi suất huy động vốn 17%.
Dựa trên các tính toán này, với lãi suất cho vay tối đa là 21% như hiện nay thì rất nhiều ngân hàng hiện đang có mức lãi suất trên 18% đều phải chịu lỗ và cần phải tính toán lại. Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức 17,5% để yêu cầu các ngân hàng giải trình so với những cơ sở trên là không bất ngờ. Và việc có thể giảm lãi suất của các ngân hàng được một số người hiểu là "ép" thực ra là một hướng mà chắc chắn các ngân hàng phải tính toán khi có điều kiện để đảm bảo sự an toàn của mình.
Ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất cho vay
Bắt đầu từ 9/7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Theo đó, toàn bộ khách hàng đều có thể được hưởng lãi suất cho vay mới với mức giảm chung là 0,2%.
Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ giảm 0,6% cho khách hàng thuộc các lĩnh vực được ưu tiên như: các dự án trọng điểm của Chính phủ, xăng dầu, xi măng, điện, sắt thép; sản xuất kinh doanh xuất khẩu có hợp đồng điều chỉnh giá, các mặt hàng thay thế nhập khẩu như phân bón, thức ăn gia súc; các mặt hàng thiết yếu cho đời sống; thi công các công trình trọng điểm hoàn thành trong thời gian 2008 - 2009.
BIDV cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn. Điều chỉnh giảm 2% và mức cho vay tối đa là 8,8% để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; nhập khẩu phôi thép, phân bón, xăng dầu, hóa chất, thiết bị phụ tùng; vải nguyên liệu, nguyên liệu dược phẩm, nguyên liệu giất... Giảm 1% so với mức đang áp dụng cho các hàng nhập khẩu khác với mức tối đa là 9,8%
|