Ông Bùi Duy Đức, tổng giám đốc công ty Vissan khẳng định: giá các mặt hàng lạp xưởng, xúc xích, thực phẩm đóng hộp… dành cho nhu cầu tiêu dùng tết này sẽ rẻ hơn tháng 9 và tháng 10 này khoảng 5 - 10%. Và công ty đảm bảo giá bán lẻ thấp hơn thị trường khoảng 10% cả nhóm hàng thực phẩm tươi sống lẫn chế biến. Riêng với mặt hàng thịt heo, ngoài lượng thịt tươi sống chuẩn bị từ các nguồn, công ty đang gia tăng dự trữ lượng hàng đông lạnh có thể đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ tăng 50% so với tết năm ngoái.
Tại các siêu thị, các nhà cung cấp thực phẩm đã gửi bảng thông báo giá hàng tết và các loại thực phẩm có bao bì hộp xuân. Theo tính toán của nhà kinh doanh siêu thị, đại lý bán lẻ thì họ có thể bán lẻ cho người tiêu dùng với mức giá rẻ hơn bình quân 10% so với hiện nay. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nói: hiện nay hầu hết các công ty đều có mức ưu đãi, tăng chiết khấu khá tốt cho các đơn vị bán lẻ, cộng vào đó các ngân hàng cũng có chính sách giảm lãi suất. Vậy nên chỉ cần khéo tính toán, đặt mua hàng số lượng lớn thì các siêu thị có thể bán cho người tiêu dùng các loại sản phẩm tết với giá rẻ hơn từ 5 - 10% so với mức giá hiện nay.
Cơ sở để các đơn vị sản xuất kinh doanh công bố giá hàng tiêu dùng mùa tết này sẽ không tăng, mà có thể rẻ hơn 5 - 10% so với thời điểm hiện tại chính là xu hướng giảm giá nguyên liệu trên toàn thế giới đang tạo điều kiện cho các công ty trữ hàng, gia tăng sản xuất hàng tết với mức giá ngày càng rẻ hơn. Hiện nay nguyên liệu đầu vào của các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến gồm bơ, dầu ăn, bột mì, bột sữa, bột cà phê ca cao… đều giảm giá từ 5 - 40%. Ngay cả nguyên liệu bao bì các loại từ vỏ hộp giấy, thiếc đến nhựa đều giảm giá khoảng 10 - 55%.
Ngoài ra, sức mua của thị trường trong các tháng qua đã bị giảm hoặc chững lại, theo cục Thống kê TP, loại trừ yếu tố biến động giá, lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu thụ 10 tháng đầu năm chỉ tăng 13,3% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 15,5%. Do vậy, muốn tăng doanh thu buộc nhà kinh doanh phải thiết kế mức giá cạnh tranh.
Ghi nhận từ các công ty sản xuất thực phẩm, bánh kẹo như Vissan, Cầu Tre, APT, Bibica, Kinh Đô… lượng hàng dự trữ tết tăng thêm 10 - 50% so với năm ngoái.
Với nhóm hàng chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm dùng cho cá nhân và gia đình, theo phân tích của ông Lương Vạn Vinh - giám đốc công ty Mỹ Hảo, các doanh nghiệp đang tăng sản xuất lẫn nhập hàng dự trữ để bán tháng tết. Hầu hết các đơn vị đều dự đoán thị trường tiêu thụ các tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 20 - 30% so với hiện nay, vì từ quý 1 đến nay người tiêu dùng đã thắt lưng buộc bụng. Nay giá rẻ hơn, thì nhiều khả năng sức mua sẽ tăng...
Đáng lưu ý trong kinh doanh mùa tết này là thái độ ngập ngừng, chưa dám đặt hàng Trung Quốc của các thương nhân Việt Nam. Các năm trước, bánh kẹo, nước trái cây, mứt, chocolate… để làm giỏ quà là thế mạnh của hàng Trung Quốc. Hiện nay là thời điểm phải chốt các đơn hàng mà nhiều đơn vị vẫn chưa dám mạnh dạn nhập.
Một số nhãn hiệu bánh kẹo bán chạy của năm trước như Khongguan, Munchy, M&M, Snickers, Nestlé, Church… sản xuất tại Trung Quốc, từng được nêu tên vì có dính líu đến melamine trên các báo trong thời gian qua, đều bị các đơn vị phân phối bán lẻ e ngại. Ngay cả mứt Trung Quốc, theo tiểu thương chợ Bình Tây, năm nay có thể sẽ không về nhiều vì tâm lý người tiêu dùng sợ trong mứt sẽ có các chất bảo quản, chất chống mốc, chất tạo màu…