Năm “động đất sóng thần”
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam dự báo: Năm 2009 sẽ là một năm rất khó khăn vì kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao.
Đầu tiên là ở khu vực xuất khẩu và đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, trong khi cân đối vĩ mô cũng đang có vấn đề nghiêm trọng. Hậu quả là sau thời gian lạm phát và bất ổn, nền kinh tế đang bị yếu đi, các doanh nghiệp bị “suy nhược” nặng. Một số doanh nghiệp đã “ra đi”, số doanh nghiệp gặp khó đang tăng nhanh…
Mạng tin Tình báo Kinh tế (EIU) chỉ ra rằng, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, châu Á sẽ chịu tác động nhẹ hơn so với một số khu vực kinh tế mới nổi khác như Đông Âu và Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, một số đánh giá cho rằng Việt Nam là quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nhất ở châu Á. Điều này cho thấy khó khăn trước mắt của Việt Nam là không nhỏ. Báo cáo tháng 11 của EIU dự báo năm 2009 Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng ở mức 4,3%.
Những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2009 là không nhỏ. Mức độ ấy có thể gây thiệt hại lớn hơn so với chúng ta nghĩ nếu các nhà quản lý, hoạch định không đi sâu phân tích những tác động, hậu quả để tìm ra giải pháp.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp lớn và triển vọng kinh tế Việt Nam 2009, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: “Tôi thấy trong kinh tế vĩ mô, chúng ta chưa đi sâu phân tích các vấn đề, chưa nhận thức đủ mức tác động tới nền kinh tế trong nước, do đó sẽ khó ứng phó với những biến động khi xảy ra. Đối với doanh nghiệp thì lại càng khó khăn hơn vì họ khó dự báo được tình hình ở tầm vĩ mô”.
Tiến sỹ Adam McCarty - chuyên gia kinh tế khu vực Mêkông - nhận định: 6 tháng qua, "thoái trào" của tài chính toàn cầu ảnh hưởng đáng kể lên toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, người dân có xu hướng chuyển sang các tài sản đảm bảo như dự trữ USD, vàng…
Theo chuyên gia này, trước những tác động lớn trong năm 2008 thì năm 2009 được dự báo sẽ là năm “động đất sóng thần”.
Không nên quá bi quan
Vậy bài toán lớn nhất đặt ra cho Việt Nam lúc này là gì? Theo PGS. TS Trần Đình Thiên: “Chống suy thoái, bảo đảm tăng trưởng là hợp lý. Nhưng mục tiêu ưu tiên hàng đầu trực tiếp hiện nay là phải ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Đây là hai điều quan trọng nhất”.
Một vấn đề nữa, kích cầu trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm là đúng nhưng cần phải lưu ý đến kinh nghiệm của cả thế giới và Chính phủ Việt Nam có nghĩa là: kích cầu không dễ thành công. Vấn đề là phải tính toán thật kỹ, kích vào đâu, cho ai, theo cơ chế nào.
Theo TS Thiên, muốn vậy, các dự án được kích cầu phải đảm bảo 3 điều kiện: Một là giúp tháo gỡ nhanh các nút thắt tăng trưởng gây ách tắc lâu nay như cảng biển, cầu đường, năng lượng…; hai là có sức lan toả, ưu tiên các dự án thu hút nhiều đầu vào, tạo nhiều việc làm; ba là gỡ khó cho xuất khẩu.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì có ý kiến: Cần phải cơ cấu lại nền kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Chúng ta cần hành động từ địa phương nhưng tư duy thì toàn cầu.
Nhưng dù thế nào thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên quá bi quan bởi theo TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, chúng ta vẫn có những điểm sáng có thể ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Về phía nước ngoài, hiện chính phủ các nước đang nỗ lực hết sức để ổn định tình hình tài chính và thúc đẩy nền kinh tế của mình, nhiều gói cứu trợ nền kinh tế có quy mô lớn chưa từng có đã và đang được đưa ra.
Bên cạnh đó, chúng ta có quyền hy vọng vào sức đầu tư rất lớn trong năm 2009 khi môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn thứ ba trên thế giới trong năm 2008.
Lan Hương