Corporate Network là mạng lưới kết nối các nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty đa quốc gia hoạt động ở Châu Á thuộc Economist Intelligence Unit (EIU). Ông Justin Wood đã có cuộc chia sẻ với báo giới khi đưa ra con số tăng trưởng 0,3% của Việt Nam.
Ông nhìn nhận thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009?
Năm 2009 là năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Economist Intelligence Unit dự báo GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,3%, trong khi mức tăng trưởng năm 2008 là 6%.
Thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị thu hẹp mạnh do suy thoái. Trong tháng 1/2009 xuất khẩu giảm khoảng 31% ở hầu hết các nước Châu Á.
Trên thế giới, xuất khẩu dầu giảm 52%, may mặc giảm 32%, trong đó những thị trường như Mỹ, EU, Nhật chiếm đến 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh xuất khẩu, FDI cũng bị giảm 70%, lượng kiều hồi không thể bằng năm ngoái nghĩa là dưới 8 tỷ USD. Ngành ngân hàng, tín dụng khó khăn hơn và họ ngại rủi ro nên việc cho vay cũng bị hạn chế hơn. Mặt khác, giá BĐS giảm cũng ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư.
Nhưng trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để cứu lấy nền kinh tế trước những diễn biến xấu đang tác động đến…?
Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp cải thiện tình hình này, đưa ra gói kích cầu. Theo tính toán của chúng tôi, trong năm 2009, khoản chi tiêu mới của chính phủ khoảng 5,5 tỷ USD.
Giá dầu giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến thậm hục ngân sách. Tuy nhiên, sự thâm hụt ấy phần nào cũng được bù đắp với khoản ODA là 5 tỷ USD trong năm nay.
Năm 2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ước tính chỉ giải ngân được khoảng 2,2 tỷ USD, rất thấp so với 7,6 tỷ USD trong năm 2008. Những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm chính là hệ thống hạ tầng, pháp luật, thuế, tham nhũng…
Năm 2009, dự báo môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đứng thứ 92 so với mức 87 năm 2008. Mặc dù Việt Nam có nỗ lực lớn về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng tốc độ lại không nhanh như các nước khác.
Việt Nam cũng cần phải cải tiến hơn nữa khi mà vẫn đứng thứ 121 trên thế giới về chống tham nhũng.
Có sự khác biệt rất lớn giữa con số dự báo tăng trưởng mà EIU đưa ra so với Chính phủ Việt Nam đã đưa ra trước đó, 0,3% so với 6%. Ông có nghĩ mình nhìn nhận quá bi quan không?
Nếu so với những năm trước ở Việt Nam thì đây là mức sụt giảm rất lớn (như năm 2008 là tăng trưởng 6,2%) nhưng nếu nhìn vào những nước xung quanh thì không đến nỗi.
Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương (+) trong khi một số nước khác là tăng trưởng âm (-). Tôi cho rằng, với những phân tích của chúng tôi thì 0,3% là mức tăng trưởng thực tế của Việt Nam trong năm 2009.
Với mức tăng trưởng 0,3%, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam sẽ tăng cao. Ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam?
Xuất khẩu giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới việc tạo công ăn việc làm của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 4,7% trong năm 2008 lên 9% trong năm 2009. Đây là điều không thể tránh được.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp thông qua gói kích thích kinh tế về tiền tệ. Biện pháp đó sẽ giúp cho nền kinh tế đỡ bị ảnh hưởng hơn so với việc nếu làm.
Vấn đề ở đây là Chính phủ sẽ phải chịu sức ép về hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Khi nền kinh tế suy yếu, người dân bị mất việc làm, họ sẽ có những bất đồng về chính sách. Do đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa việc chống tham nhũng
Xin cám ơn ông!
Lan Hương (ghi)