Gần 600 hộ kinh doanh tại chợ Ga Vinh và hàng ngàn con người đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp sau khi UBND tỉnh Nghệ An có quyết định giao toàn bộ khu vực chợ Ga Vinh cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Bán nhà, bán đất để góp vốn xây dựng chợ
Năm 1993, UBND tỉnh Nghệ An quyết định xây dựng chợ Ga Vinh với kinh phí hơn 16 tỉ đồng. Trong tổng số vốn hơn 16 tỉ để xây dựng chợ, tỉnh đã huy động người dân đóng góp gần 13 tỉ đồng.
Sau khi có quyết định huy động vốn của UBND tỉnh, nhiều hộ dân đã bán đất, cầm cố vay vốn của ngân hàng, thậm chí vay nóng với lãi suất cao để kiếm được một suất kinh doanh trong chợ. Tỉnh Nghệ An đã có văn bản cam kết để cho các hộ dân được kinh doanh ổn định và lâu dài; đuợc phép chuyển nhượng, mua bán khi không có nhu cầu kinh doanh.
Từ nguồn vốn huy động của nhân nhân dân, 12.240m2 đất hoang hoá, bùn lầy đã trở thành chợ Ga Vinh với quy mô lớn. Chợ Ga Vinh giai đoạn đó đã góp phần hình thành diện mạo của Thành phố Vinh, được Nhà nước tặng huy chương vàng cho Công trình tiêu biểu.
Thời gian đầu bước vào kinh doanh, hàng trăm tiểu thương nơi đây đã gặp muôn vàn khó khăn. Hầu hết các hộ kinh doanh đều lỗ vốn, may lắm thì cầu hoà. Kinh doanh lỗ, cộng thêm khoản lãi suất từ ngân hàng khiến đời sống tiểu thương vô cùng lao đao.
Những năm 1993 - 1998, một số hộ kinh doanh buộc phải sang nhượng ki-ốt cho người khác để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
Quãng thời gian từ 1998 - 2004, việc kinh doanh ở chợ Ga Vinh vẫn trầy trật do nhiều biến động về thị trường. Tuy nhiên, đời sống bà con tiểu thương đã đỡ khó khăn hơn giai đoạn khởi đầu.
Từ năm 2004 đến nay, bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ Ga Vinh bắt đầu làm ăn có lãi. Khách hàng đến mua bán ở khu vực chợ ngày một đông. Số nợ ngân hàng tồn đọng từ những năm 90 của thế kỷ trước đã được các tiểu thương trả dần. Bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ hy vọng sẽ trả hết số nợ ngân hàng nếu việc kinh doanh tiến triển tốt đẹp.
Đang trong giai đoạn "ăn nên làm ra", ngày 10/4/2009, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 2054/UBND-ĐT do ông Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An ký. Nội dung văn bản này đồng ý cho Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 (trụ sở tại tỉnh Điện Biên) đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ chợ Ga Vinh trên diện tích của chợ.
Cho rằng dự án này không minh bạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tiểu thương, hàng trăm hộ gia đình kinh doanh đã làm đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và Thanh tra Chính phủ để phản đối lại chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An.
Thậm chí, các hộ kinh doanh đã đồng loạt đóng quầy, tập trung trước trụ sở UBND Thành phố Vinh và UBND tỉnh Nghệ An để đòi bảo đảm quyền lợi và phản đối chính sách của tỉnh.
"Vắt chanh bỏ vỏ’" (?)
Chị Nguyễn Thị Thao, chủ ki-ốt số 1-2 cho hay: "Thời kỳ đầu, tôi phải bỏ ra 117 triệu (tương đương với 222 chỉ vàng 9999) để được kinh doanh. Để có được số tiền lớn như vậy, ngoài việc bán một mảnh đất rộng 200m2, tôi còn phải bán đi một ki-ốt tại chợ Vinh và đi vay mượn từ ngân hàng và anh em trong gia đình".
|
Chị Nguyễn Thị Thao, một tiểu thương tại chợ Ga Vinh bất bình: "Kiểu làm việc như vậy của lãnh đạo tỉnh khác nào "vắt chanh bỏ vỏ", khi cần vốn thì kêu gọi dân, khi không cần nữa thì vứt dân ra đường". Ảnh: Duy Tuấn
|
Cũng như số phận hàng trăm tiểu thương khác, thời kì đầu, quầy hàng của chị Thao kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ lúc đó với chị không phải là kinh doanh có lãi mà là cố gắng làm sao để lỗ ít nhất.
Thế nhưng, chị vẫn cố gắng cầm cự để buôn bán kinh doanh. Những năm gần đây, ki-ốt của chị bắt đầu kinh doanh có lãi, số tiền vay mượn ngân hàng cũng được chị gom góp trả dần. Đang trên đà buôn bán thuận lợi thì chị nhận được thông tin: tỉnh Nghệ An sẽ quyết định giao toàn bộ khu vực chợ Ga Vinh cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư khu trung tâm thương mại và toà nhà cao tầng.
Chị Thao bức xúc: "Lúc khó khăn nhất, tỉnh Nghệ An cần đến người dân để huy động vốn xây dựng chợ Ga Vinh, bà con chúng tôi đã phải bán đất, bán nhà để góp vốn. Vậy mà bây giờ, khi có một doanh nghiệp tư nhân với chiếc "bánh vẽ" là xây dựng khu trung tâm thương mại, phía tỉnh Nghệ An đã vội đẩy bà con chúng tôi ra ngoài rìa, không cho chúng tôi bàn bạc, thảo luận, ý kiến gì hết.
Kiểu làm việc như vậy của lãnh đạo tỉnh khác nào "vắt chanh bỏ vỏ". Khi cần vốn thì kêu gọi dân, khi không cần nữa thì "vứt" dân ra đường. Muốn làm gì thì cũng phải hỏi ý kiến của dân, đảm bảo quyền lợi cho dân chứ?".
Được biết, hiện chợ Ga Vinh đang có gần 600 hộ kinh doanh với gần 2 ngàn lao động. Với bà con tiểu thương, những ki-ốt mà họ đang kinh doanh là nguồn sống, nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.
Nhiều hộ dân kinh doanh tại đây đang đứng trước một nỗi lo: Không biết sắp tới, số phận của hàng ngàn con người sẽ ra sao khi mà UBND tỉnh quyết định đập phá toàn bộ chợ Ga Vinh và giao nó cho một doanh nghiệp tư nhân xây dựng.
|
Ông Trần Minh Khuê, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Ga Vinh đang lo lắng những hậu quả về xã hội sau khi tỉnh quyết định "bán" khu vực này cho một doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Hoàng Sang
|
Ông Trần Minh Khuê, chủ ki-ốt 32, 33 cho hay: "Số lượng thanh niên đang buôn bán, kinh doanh trong chợ phải đến mấy trăm người. Nếu tỉnh "bán" nó cho một doanh nghiệp tư nhân, không biết số phận những con người này đi đến đâu. Tôi lo sợ rằng một số trong họ lại rơi vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, mại dâm. Không biết, phía tỉnh có lường trước được các hậu quả về xã hội này không?".
Không hay biết gì về việc tỉnh Nghệ An đang "đẩy nhanh tiến độ" xây dựng khu trung tâm thương mại, bà con tiểu thương chợ Ga Vinh đã tập trung trước trụ sở UBND thành phố Vinh và UBND tỉnh Nghệ An để phản đối và yêu cầu lãnh đạo tỉnh trả lời.
Tuy nhiên, câu trả lời mà đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An vẫn không làm hài lòng các hộ dân. Theo nhiều hộ dân, dự án này có quá nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tiểu thương.
(còn nữa)