Dưới đây là 10 trong số các tính năng ưu việt nhất của Windows Server 2012.
Tránh trùng lặp dữ liệu
Một trong những hằng số bất biến của công nghệ và ngành công nghiệp IT là các yêu cầu về bộ lưu trữ dữ liệu và những đòi hỏi này đang gia tăng cực kỳ nhanh. Từ việc phình to hộp thư điện tử cho đến tràn ngập tài liệu chia sẻ làm mọi doanh nghiệp đều có nhu cầu sử dụng bộ lưu trữ hiệu quả hơn. Đó là lý do tính năng chống trùng lặp dữ liệu (Data deduplication) xuất hiện.
Chương trình hoạt động như sau: Giả sử bạn có một số lượng lớn file VHD (virtual hard drive) cần di chuyển. Mỗi VHD đó có rất nhiều file và ứng dụng giống nhau, như trò chơi dò mìn minesweeper, Windows calculator và các ứng dụng khác trong Accessories. Data deduplication sẽ gỡ bỏ toàn bộ các bản sao ứng dụng từ các VHD đó mà chỉ giữ lại một bản. Sau đó dữ liệu còn lại được lưu tại một vị trí tách biệt trong SVI (System Volume Information) và trỏ tới những file đóng vai trò là mẫu nguồn (source template). Việc này giúp giải phóng một khối lượng lớn không gian bộ nhớ đặc biệt khi nó được áp dụng cho hàng ngàn file. Data deduplication có tác dụng với nhiều mạng máy tính khác nhau và cả máy tính chạy Windows 8 hay Windows Server 2012. Nếu bạn có nhiều file và dữ liệu cần lưu mà không đủ bộ nhớ thì đây là một tính năng thực sự hữu ích.
Tùy chọn cài đặt cho phép loại bớt GUI
Windows Server 2012 hiện tại có một tùy chọn cài đặt mặc định cho phép cài đặt server core ít GUI hơn. Người dùng cũng có thể cài đặt Windows Server 2012 với giao diện người dùng tối thiểu nhất, tức họ thậm chí có nhiều cách hơn để cài đặt chỉ những file Windows Server mình cần. Việc này giúp làm giảm không gian ổ đĩa, giảm thiểu nguy cơ tấn công từ các hacker nhờ hạn chế số lượng file cài xuống tối thiểu.
Hyper-V 3.0
Windows Server 2012 được nạp nhiều tính năng mới, nhưng có lẽ tính năng được coi là cải tiến lớn nhất chính là ảo hóa Hyper-V. Từ bỏ VMware, giờ đây Microsoft đã bổ sung cho Hyper-V một danh sách các cải tiến vô cùng ấn tượng. Một trong số đó là hỗ trợ tới 64 xử lý và 1TB RAM trên máy ảo, cũng như hỗ trợ tới 320 bộ xử lý phần cứng mức logic và 4TB RAM trên một máy chủ (host). Thông điệp là rất rõ ràng: Microsoft đang làm mọi thứ có thể để đánh đổ vị trí của VMware, sự chọn lựa nền tảng ảo hóa hàng đầu cho doanh nghiệp ở thời điểm này.
Quản lý địa chỉ IP (IPAM)
Một trong những mối lo lớn nhất của rất nhiều chuyên gia IT là giám sát các địa chỉ IP được sử dụng trên mạng của tổ chức. IPAM là một tính năng mới trong Windows Server 2012 cho phép định vị và quản lý không gian địa chỉ IP trên mạng. Người dùng cũng có thể quản lý và giám sát những server DNS và DHCP. Tính năng cũng khám phá IP tự động và cung cấp một máy chủ (host) chứa những tác vụ khác liên quan đến IP, tập trung vào quản lý, giám sát và kiểm kê.
Các thay đổi về ảo hóa mạng
Một trong những khía cạnh còn khúc mắc trong việc quản lý và cung cấp máy ảo đó là đối phó với những quy định và chế tài từ quản lý địa chỉ IP. Microsoft đang tiến hành những cải tiến lớn cho ảo hóa mạng trong Windows Server 2012, tất cả đều nhắm tới xử trí các vấn đề liên quan đến địa chỉ IP và máy ảo. Tính năng mở đường cho sự thừa nhận đám mây riêng, và cũng tháo dỡ rào chắn cho phép tiếp cận IaaS dễ dàng hơn.
Re-FS
Định dạng file hệ thống NTFS đã được sử dụng hơn một thập kỷ qua bởi Microsoft. Các yêu cầu gần đây từ ảo hóa và điện toán đám mây riêng đòi hỏi nhiều hơn từ NTFS, vì vậy Microsoft đã quyết định bổ sung những tính năng mới và gia cố những tính năng hiện tại cho NTFS. Kết quả là một bản nâng cấp NTFS được gọi là Re-FS xuất hiện.
Re-FS hỗ trợ file và kích thước thư mục lớn hơn, dọn dẹp ổ đĩa, cải thiện hiệu năng, hỗ trợ ảo hóa nâng cao…
Chuyển dịch máy ảo
Một trong những tính năng ấn tượng trên Hyper-V 3.0 là shared nothing live migration, cho phép người dùng di dời máy ảo từ máy này sang máy khác với đòi hỏi phải có bộ lưu trữ chung trước khi tiến hành chuyển nhượng. Tính năng này có lợi cho những bộ phận IT nhỏ và giúp dễ dàng hơn khi di dời các máy ảo mà không cần bộ lưu trữ chia sẻ đắt tiền. Đây là một trong những tính năng rất ấn tượng trong Windows Server 2012 và giúp cho các phòng ban IT vừa và nhỏ trở nên nhạy bén và phản ứng nhanh hơn đối với các nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng.
Kho lưu trữ và không gian lưu trữ
Việc sử dụng hiệu quả tất cả những dạng bộ lưu trữ tách biệt đôi khi có thể là một công việc hết sức khó khăn, đặc biệt khi nhu cầu lưu trữ ngày càng gia tăng. Microsoft đang hi vọng giúp các nhà quản trị giải quyết được vấn đề bằng cách giới thiệu hai khái niệm Storages và Spaces trong Windows Server 2012.
Kho lưu trữ (Storage Pools) tổng hợp các thiết bị lưu trữ vật lý vào những đơn vị gắn kết nhau giúp dễ dàng hơn trong việc bổ sung dung lượng bộ nhớ khi cắm thêm bộ lưu trữ. Như đã đề cập trước đó, các thiết bị lưu trong kho lưu không phải được đồng nhất về loại thiết bị hay kích thước lưu trữ. Bạn có thể kết hợp các thiết bị và kích thước lưu trữ tại đây.
Không gian lưu trữ (Storage Spaces) cho phép người dùng tạo các ổ đĩa ảo có cùng đặc điểm như thiết bị thực: Có thể được cắm, tháo, lưu dự phòng và mặt khác quản lý được như với những ổ đĩa vật lý truyền thống. Nhưng Spaces thậm chí còn có những tính năng hữu ích hơn. Chúng cũng có thêm chức năng phụ trong lưu dự phòng, khôi phục…
PowerShell 3.0
Microsoft hỗ trợ PowerShell trong Windows Server 2012. Hơn 2000 câu lệnh PowerShell (cmdlet) được bổ sung cho phép nhà quản trị quản lý môi trường Windows Server tốt hơn. Bản cập nhật mới nhất cũng cải thiện khả năng truy cập Web, hẹn lịch, hỗ trợ các phiên ngắt kết nối cùng nhiều tính năng mới khác.
Những thay đổi trong CHKDSK
Ứng dụng CHKDSK đã được sử dụng từ MS-DOS 1.0 và hiện đã được gia cố trong Windows Server 2012. Thay vì mất một lượng lớn thời gian kiên trì quét qua từng sector trên những ổ đĩa lớn thì CHKDSK mới bây giờ quét ổ đĩa theo hai bước: dò lỗi và ghi lại lỗi (cũng có thể chạy nền) sau đó vá lỗi dữ liệu.
Sự khác nhau giữa phiên bản CHKDSK truyền thống và phiên bản cải tiến là khá rõ nét về thời gian: Một số lượt quét có thể kéo dài 150 phút để hoàn tất thì chỉ mất 4 giây trên phiên bản cải tiến.
NamNguyen (Theo Petri)