Rớt đại học
Sau khi kết thúc kỳ thi THPT, Cường đã không có “duyên” với cổng trường đại học. Lặng lẽ hơn, trầm tư hơn, Cường không những phải nghĩ cách để “tự cứu” mình mà quan trọng hơn phải làm công tác tư tưởng cho bố mẹ.
Tháng 9-2003, Cường thi đỗ và nhập học tại Hanoi-Aptech, một trung tâm chuyên đào tạo lập trình viên. Không phải là giảng đường đại học nhưng học ở Hanoi-Aptech, Cường đã dần khẳng định được mình bằng sự chịu khó và cầu tiến.
“Tôi khâm phục đức tính tự học của Lê Mạnh Cường, điều này rất quan trọng với người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cường nắm bắt vấn đề nhanh, sâu, tiếp thu công nghệ mới tốt, rất hợp với công tác nghiên cứu nếu em lựa chọn con đường này” - ông Hoàng Hải, giảng viên Hanoi-Aptech, cho biết. Bùi Bảo, cậu bạn học cùng lớp Hanoi - Aptech, nhận xét: “Chính niềm đam mê và sự cố gắng rất lớn đã giúp cậu ấy thành công”.
Quá trình vừa học vừa làm đã giúp Cường nắm bắt được các vấn đề thực tế, từ đó phát triển hơn nữa khả năng và tư duy nghiên cứu, sáng tạo của mình.
Bắt tay vào công việc
Sinh năm 1984, trong khi các bạn cùng trang lứa còn đang bỡ ngỡ tìm việc, Lê Mạnh Cường đã trở thành một chuyên gia phần mềm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ Java. Là một trong những nhân viên trẻ tuổi nhất Công ty Ho@techvn, một công ty con của Ho@tech (Cộng hòa Pháp), Cường đảm nhận vị trí chuyên gia kỹ thuật (technique specialist), làm việc và có vai trò quan trọng như một trưởng nhóm trong các dự án phần mềm.
Không phải tình cờ hay may mắn mà Lê Mạnh Cường có được vị trí làm việc này. Đó là kết quả của những cố gắng không mệt mỏi trong thời gian vừa đi học vừa đi làm ở các công ty phần mềm khác như Nedyg, FPT Software trong lúc còn đi học tại Hanoi-Aptech.
Liệu Ho@techvn có “mạo hiểm” đầu tư tài chính và trách nhiệm cho một nhân sự có tuổi đời còn quá trẻ như Lê Mạnh Cường? Ông Phan Xuân Hòa - quản lý dự án Ho@techvn - khẳng định: “Chắc chắn là không. Cường đảm nhiệm vị trí đó tốt nhất so với những người khác ở công ty”. Ông Hòa giải thích Lê Mạnh Cường là nhân viên có trình độ công nghệ vững, tinh thần làm việc cao, rất chịu khó nghiên cứu và học hỏi. Ông Hòa tin tưởng nếu Cường giữ được tinh thần và trách nhiệm làm việc như hiện nay, Cường còn tiến xa hơn nữa.
Phương châm sống của Cường chính là “không bao giờ hết ước mơ”. Với Cường, “điều quan trọng để thành đạt đó là định hướng được ngành nghề, sau khi định hướng được rồi phải cố gắng hết mình với con đường đi đó. Thất bại giúp mỗi người mạnh mẽ và kiên trì hơn nếu biết nhìn thất bại theo hướng tích cực độ lượng”.
PHẠM HÀ
(theo Tuổi Trẻ Online)