Bài toán nhân lực CNTT vẫn khó
Posted: 13/10/2008.
Bốn hạn chế liên quan đến kỹ năng chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, đáp ứng các chuẩn quốc tế, khả năng cập nhật công nghệ và năng lực cạnh tranh là một bài toán nan giải đối với doanh nghiệp (DN) khi sử dụng nguồn nhân lực CNTT.
Theo thống kê của Hội tin học TP. HCM (HCA), tại khu vực phía Bắc số lượng các trường ĐH - CĐ đã tăng hơn 46% trong vòng 3 năm qua (từ 130 trường năm 2006 lên 190 trường năm 2008), trong khi tại các tỉnh phía Nam tăng trên 50% (từ 139 trường lên 200 trường). Tại khu vực phía Bắc, ngành CNTT - TT hầu hết tập trung tại các trường ĐH công lập và Bán công - Dân lập, còn ở phía Nam tỷ lệ đào tạo chuyên ngành này tập trung chủ yếu vào các trường ĐH - CĐ công lập và trung tâm đào tạo.
Lượng sinh viên đăng ký tham gia học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT - TT cũng cho thấy lực lượng được đào tạo đủ để đáp ứng nguồn lực phục vụ cho xã hội. Tại khu vực phía Bắc từ số sinh viên khoảng 14.000 đã tăng lên 24.000 và khu vực phía Nam tăng từ 17.000 lên 27.000 trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong 23 lĩnh vực đào tạo có liên quan đến ngành CNTT - TT như: khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin, đồ họa máy tính … cũng thể hiện được sự đa dạng trong đào tạo và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trình độ của sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang trong giai đoạn đào tạo tại các trường ĐH - CĐ vẫn là một vấn đề khiến doanh nghiệp lo lắng.
Trên thực tế, đa số các DN sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại vì trình độ và kiến thức của sinh viên rất hạn chế. Theo khảo sát của HCA đối với 80 DN CNTT - TT, trong 6.330 người có trình độ từ trung cấp đến cao học đều nằm ở mức trung bình và khá. Về khả năng am hiểu công nghệ và kỹ năng chuyên môn, chỉ có 28% đạt yêu cầu đặt ra của DN, 82% phải đào tạo lại mới có thể theo kịp các dự án đang triển khai. Khả năng làm việc theo nhóm cũng tương tự với 64% nguồn lực không thể hòa nhập ngay với những module và cần có thời gian mới có thể làm việc tập thể. 71% chưa thích ứng với sự thay đổi công nghệ, 90% nhân sự có trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Phần lớn DN đều khuyến cáo các trường ĐH - CĐ cũng như trung tâm đào tạo cần phải quan tâm hơn nữa những kỹ năng liên quan đến ngoại ngữ, kỹ năng mềm như truyền thông, làm việc theo nhóm.
Nguyễn Sơn
(theo ICTnews)
Các tin mới:
Học lập trình là 1 trong 5 tùy biến nghề nghiệp còn đáng giá hơn cả một tấm bằng MBA.
14 kiểu sinh viên chắc chắc sẽ thất nghiệp sau khi ra trường.
10 Dấu hiệu cho thấy nghề lập trình và phát triển phần mềm là phù hợp với bạn.
Bạn sở hữu bằng đại học từ trường danh giá, giờ muốn tìm việc. Lời khuyên là hãy đi học lập trình.
Những kỹ năng cần thiết để trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp.
Các tin cũ hơn:
"Gắn đào tạo kiến thức với đào tạo thực tiễn!".
Doanh nghiệp Game Việt Nam: Vô danh - hữu thực.
Quản lý và khuyến khích các lập trình viên.
Đượm buồn ở nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào.
Xây dựng Truông Bồn thành Cụm di tích lịch sử Quốc gia.