Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
Tại bàn tròn trực tuyến: Lòng yêu nước: Đối thoại giữa các thế hệ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều nêu vấn đề, cần nhận diện kẻ thù của dân tộc. Liệu kẻ thù của dân tộc ngày hôm nay có gì khác trước, và lòng yêu nước của ngày hôm nay có khác xưa?
Rất tâm đắc với chủ đề này, nhà báo lão thành Hữu Thọ, từng trải nghiệm qua bão lửa chiến tranh cho rằng: Lòng yêu nước là động lực to lớn cho sự phát triển của dân tộc.
Ông quả quyết: "Ở nước nào, người công dân chân chính cũng yêu đất nước của họ. Không phải chỉ người Việt Nam mới yêu nước, mới có người anh hùng, mới có truyền thống văn hoá tiêu biểu cho lòng yêu nước. Nhưng thực sự, dân tộc ta đã có một chủ nghĩa yêu nước Việt Nam".
Bối cảnh lịch sử và tự nhiên của dân tộc ta đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước có đặc điểm khác với chủ nghĩa yêu nước của các dân tộc khác, ông nói.
Nhìn vào lịch sử, cả Bách Việt rộng lớn bây giờ chỉ còn lại Lạc Việt trên tư cách một dân tộc. Trải qua nghìn năm đô hộ mà vẫn giữ được tự chủ, bản sắc dân tộc mình, không phải lịch sử dân tộc nào cũng có.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ngày nay, khái niệm xâm lược mới lắm, khác lắm, không giống như thời trước, thế hệ của các ông phải cầm súng bảo vệ đất nước.
"Bây giờ, khái niệm xâm lăng của phương Tây là biên giới mềm, là khái niệm xâm lăng văn hoá"
Ông dẫn ví dụ: Người Pháp rất sợ nền văn hoá Gôloa mất đi. Niềm tự hào rượu vang sẽ bị Coca Cola xâm lược. Họ nói với tôi rằng, anh uống gì thì uống, ăn gì thì ăn, trừ Coca Cola.
Bằng câu chuyện này, nhà báo Hữu Thọ nhắn nhủ: Chủ nghĩa yêu nước trước hết là bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền văn hóa dân tộc. "Chủ nghĩa thực dân không đồng hoá được ta bởi không tiêu diệt được nền văn hoá của dân tộc Việt Nam".
Ông nói tiếp, khi kinh tế yếu, bản sắc văn hóa bị mờ nhạt đi thì không thể nói tới chuyện yêu nước, không thể nói tới chuyện chống xâm lăng... Phải có nền văn hoá mạnh đủ sức kháng cự được những cái không tốt cho hội nhập, bảo vệ nền văn hoá truyền thống của mình.
Trước những băn khoăn đương đại về giới trẻ đang nguội nhạt lý tưởng, ông quả quyết: Phải tin vào thanh niên, phải tin vào giới trẻ. Họ đầy hoài bão, đầy lý tưởng. Có điều phải biết cách khơi gợi.
Đừng bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của thanh niên
Nhà báo Hữu Thọ kể lại câu chuyện hồi ông làm trợ lý cho tướng Nguyễn Chí Thanh:
"Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, sư đoàn 316 làm nông trường ở Điện Biên. Trong dịp lên thăm đơn vị này. Tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi thẳng Trung đoàn trưởng rằng: Nếu có lệnh cho sư đoàn 316 vào Nam chiến đấu thì sẽ có bao nhiêu người lên đường, bao nhiêu người sẽ ở lại?
Trung đoàn trưởng nói: 50-50. (Có lẽ ông sợ rằng hoà bình đã làm những người lính chợt quên đi gian khó, ngại hi sinh).
Tướng Nguyễn Chí Thanh nói luôn rằng: Đồng chí về nghĩ lại đi, quân đội, thanh niên chúng ta không thể như thế được.
Và thực tế đã chứng minh điều đó. Khi được lệnh điều động, chỉ có duy nhất 2 người bệnh của sư đoàn ở lại. Tuy nhiên, sau đó, họ cũng tìm cách mau khỏi bệnh để kịp theo sư đoàn".
Kể lại câu chuyện cảm động này, nhà báo Hữu Thọ muốn nói rằng: Đừng bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của thanh niên. Khi cần, họ sẵn sàng bảo vệ dân tộc.
Nhà văn Việt Hà góp lời: "Yêu nước là tình cảm tự nhiên của mỗi người, tự nhiên như sự hiếu nghĩa..."
"Nếu được hướng dẫn một cách hợp lý, giới trẻ sẽ hành động đúng, chuẩn xác để thể hiện lòng yêu nước". Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng. Anh: Lê Anh Dũng
|
|
Tin vào thanh niên là tin vào tương lai
Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng quả quyết: Tư tưởng yêu nước luôn là tình cảm đặc biệt, chủ đạo trong nhân dân VN, không chỉ người lớn tuổi. Các thế hệ khác nhau. Đó là động lực thôi thúc, mách bảo con người ta hành động, làm những gì có thể vì đất nước, dân tộc này.
Cảm nhận được trăn trở của thế hệ đi trước, người đứng đầu Trung ương Đoàn khẳng định: Giờ đây không phải lòng yêu nước của thế hệ trẻ đang kém đi. Không giống như thời chiến, kẻ thù hiện hữu rất rõ. Giờ đây kẻ thù "mang gương mặt khả ái" đang len lỏi ở khắp nơi, trong tư duy, suy nghĩ, thói quen của mỗi người. Thật khó để nhận ra chúng.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng cũng tin rằng, nếu được hướng dẫn một cách hợp lý, giới trẻ sẽ hành động đúng, chuẩn xác để thể hiện lòng yêu nước.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tiếp lời: cũng có một bộ phận giới trẻ bước vào đời, nhìn mọi thứ mơ hồ, khó đoán định. Họ nhìn thấy người đi trước không gương mẫu, tham nhũng, cửa quyền, độc đoán, hưởng thụ. Những việc này ít nhiều ảnh hưởng đến lòng yêu nước của thế hệ trẻ.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn, nhà báo Hữu Thọ cho rằng: Người lớn, trước hết là Đảng viên bây giờ không gương mẫu, đừng hi vọng giáo dục được lớp trẻ. Giáo dục lớp trẻ bằng những tấm gương. Ngày xưa, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi là những tấm gương. Ngày nay, Anh Ngọc ở Dung Quất cũng là một tấm gương sáng.
"Lòng tin không phải từ ước muốn mà phải được hun đúc từ chính những hành động, những câu chuyện cụ thể. Nếu không chỉnh đốn Đảng thật tốt, chống tiêu cực không thành công, thì đừng mong giáo dục được giới trẻ?", ông Hữu Thọ nói.
Nhà báo Hữu Thọ nhất mực tin vào thanh niên, tin vào thế hệ trẻ ngày nay.
Ông dẫn chứng luôn: Năm 1999, cùng Tổng bí thư khi đó là tướng Lê Khả Phiêu tới công tác tại Thuận An (Huế), nhìn sắc áo xanh tình nguyện đang xả thân giúp đỡ đồng bào trong cơn lũ dữ. Ông và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khóc. "Chúng tôi khóc vì thấy thanh niên mình tốt quá. Như vậy mình mới thấy muốn sống thêm".
"Không tin vào thanh niên, nghĩa là không tin vào tương lai. Sự thực, thanh niên là những người đáng tin cậy".
"Tội của người già chúng ta là không đi sâu tìm hiểu, nêu gương để mọi người theo", nhà báo Hữu Thọ tâm tư.
Tuần Việt Nam
(lược thuật)