Gần đây, trên VTV xuất hiện bộ phim truyền hình nhiều tập nói về nông thôn Việt Nam: "Gió làng Kình". Trước khi chiếu, nhiều ngày trước đó, bộ phim được quảng cáo khá rầm rộ với nhiều lời tán dương, đã khiến người xem chờ đón.
Nhưng qua một số tập, người xem có chút hiểu biết về nông thôn Việt Nam đương đại, về nghệ thuật điện ảnh cũng chung nhận định: Phim phản ánh méo mó về nông thôn hiện nay.
Công bằng mà nói, êkíp làm phim đã hết sức nhiệt tình, nghiêm túc, mong đem đến cho người xem những cảnh báo tâm huyết, ngõ hầu góp phần hướng nông thôn Việt Nam phát triển tốt đẹp trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiệu quả đạt được luôn là một khoảng cách xa.
Trong bước đường phát triển của nông thôn hiện nay, dĩ nhiên là luồng gió của nền kinh tế thị trường đã lùa vào, làm thay đổi nhiều điều và sẽ bộc lộ nhiều cái mới so với trước, cả hay lẫn dở, tích cực lẫn tiêu cực, mà cái dở không phải là ít.
Nhưng chắc chắn một điều, nông thôn hiện đại không thể như chuyện của làng Kình. Có thể cái ác, cái xấu ở đây đó còn ghê gớm, nguy hại hơn nhiều nhưng không thể có một ông trưởng thôn ngang nhiên lộng hành, tác oai tác quái, muốn làm gì thì làm, bất chấp mọi luật pháp, đạo lý như vậy.
Người xem nào cũng có cảm nhận, ông ta như vua ở cái làng Kình nhỏ bé kia khiến ai cũng phải sợ sệt, quy phục. Ở trên ông ta, không còn ai nữa (không có Đảng, Chính quyền từ cấp xã trở lên, không có pháp luật, không có quần chúng).
Ta vẫn nghe nói ở nông thôn nhiều năm qua đã xuất hiện một tầng lớp "cường hào mới". Đó là một bộ phận cán bộ xã, thôn biến chất, tìm mọi cách đục khoét, vơ vét, tư lợi, nhưng chỉ là một số rất ít, cá biệt. Dẫu tội lớn, hậu quả gây nên rất tệ hại - hơn cả trưởng thôn làng Kình - nhưng đều phải khéo che đậy, tìm vỏ bọc, luồn lách luật pháp, chứ không thể ngang nhiên như trong phim.
Chi tiết ông trưởng thôn, đến khi bị bãi chức vẫn cố tình không bàn giao, ngang nhiên chống lại quyết định của xã, công khai tuyên chiến với cán bộ Đảng, Chính quyền quả là khó chấp nhận. Sự thật thì kẻ có quyền nào, dẫu là nhỏ, mà không vì lợi ích tập thể thì đến khi bị mất chức cũng sẽ tìm mọi cách níu giữ, nhưng sẽ là kín đáo chứ không lộ liễu.
Các tác giả muốn nói đến một vùng nông thôn nào đó ở miền Bắc, không xa thành thị, nhưng người xem có cảm giác mỗi khi nhân vật trưởng thôn xuất hiện cứ như là một nông thôn ở thời nào đã xa, chứ không phải thời nay.
Nhân vật này cứ như một quan chức giam tham, thâm hiểm, hãnh tiến, vụ lợi, không có mấy vẻ của trưởng thôn. Ở ông ta, trí tuệ dĩ nhiên là không nhưng tàn bạo, đểu cáng cũng không hẳn, khờ khạo, hớ hênh càng không phải.
Văn học trước Cách mạng tháng Tám có nhân vật chị Dậu (tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố), Chí Phèo (tác phẩm "Chí phèo" của Nam Cao)… là điển hình cho người nông dân cực khổ, bị bần cùng hóa. Rồi những Nghị Quế, Bá Kiến… là điển hình cho tầng lớp địa chủ, cường hào gian ác, nhưng dốt nát ở nông thôn. Trưởng thôn trong "Gió làng Kình" không thể phản ánh trung thực một bộ phận cán bộ đứng đầu làng, thôn hiện nay.
Được biết, tác giả "Gió làng Kình" đã ít nhiều gây được sự chú ý của khán giả qua một số phim nói về nông thôn trước bộ phim này. Nhưng liệu thế này thì có thể gọi là một bước thụt lùi? Điều này chắc chắn cả tác giả lẫn khán giả điều không mong muốn.
Theo Nguyễn Đình San