Cũng theo bản Dự thảo, 5 doanh nghiệp bao gồm VNPT, Viettel, VTC, FPT và CMC sẽ phải căn cứ vào điều kiện cụ thể thực tế để nghiên cứu lựa chọn, ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ cụ thể được giao. Chẳng hạn, tăng cường đầu tư cho phát triển công nghiệp CNTT để tăng tỷ trọng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trong tổng doanh thu của các ngành; mở rộng thị phần quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu…
Theo đại diện các doanh nghiệp, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, doanh nghiệp cần cơ chế hỗ trợ cụ thể để “cùng chung tay” thực hiện thành công đề án trên.
Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc CMC cho biết, CMC sẵn sàng làm đầu mối, tổng thầu trong việc triển khai dịch vụ Intranet và dịch vụ thư điện tử quốc gia theo hình thức thông thường, hoặc hình thức hợp tác công tư. Ông Chính cũng khẳng định, nếu được làm, CMC đảm bảo trong 12 tháng đầu sẽ triển khai đồng bộ khoảng 2.000 điểm; 2 năm sau, triển khai khoảng 5.000 điểm xã/phường. Ngoài ra, theo ông Chính, CMC cũng không ngại thực hiện dự án cung cấp 1 triệu máy tính giá rẻ; dự án cơ sở dữ liệu dân cư, hay xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm...
Tuy nhiên, theo ông Chính, CMC cần được hưởng những cơ chế hỗ trợ để giúp công ty trở thành doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Cơ chế mà ông Chính nói ở đây là hỗ trợ vốn; hỗ trợ đầu tư từ quỹ khoa học công nghệ hay được giao các dự án và công trình trọng điểm của Nhà nước, hoặc cùng với Nhà nước tham gia nghiên cứu phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm. “Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông có hoạt động nghiên cứu phát triển như miễn thuế, hỗ trợ tối đa về cơ sở hạ tầng, đặt hàng các đề tài nghiên cứu...”, ông Chính đề xuất.
Cùng chung quan điểm, một lãnh đạo của VNPT cũng cho biết, VNPT dự kiến chi một khoản tiền trên 63.000 tỷ đồng để thực hiện 12 dự án trong kế hoạch triển khai Đề án Sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, VNPT cũng cần một số vốn “đối ứng” nhất định từ ngân sách nhà nước, để giúp thực hiện thành công các dự án. Chẳng hạn, Dự án Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm thiết bị đầu cuối thông minh, theo VNPT, cần khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện dự án này (VNPT chịu 50%, ngân sách nhà nước chịu 50%). Hay việc xây dựng các phòng kiểm thử (Teslab) công nghệ băng rộng với vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, VNPT cũng đề xuất cơ chế góp vốn 50-50.
Còn với FPT, theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học FPT, FPT sẵn sàng góp phần hiện thực hoá giấc mơ “Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông mạnh nhất”.
“Trường đại học FPT sẽ đào tạo ít nhất 20% nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu trên. Nhưng để làm được điều này, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực sự và đi kèm là các chính sách tài chính hợp lý để toàn thể các chủ thể có thể tham gia hiện thực hoá giấc mơ này”, ông Tùng nói.
Huyền Anh
(theo Báo Đầu Tư)