Chỉ thị 58-CT/TW ra đời là cột mốc có tính chất bước ngoặt trong quan điểm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam về vai trò của CNTT trong sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại. Kể từ đó, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển CNTT đã được xây dựng và thực hiện trên thực tế. Trong 10 năm qua đã có 179 văn bản quy phạm pháp luật về CNTT được xây dựng và ban hành. Đáng chú ý là ngày 12/4/2007, Thủ tướng ra Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010. Chỉ ba tuần sau đó, ngày 3/5/2007 Thủ tướng ra Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010, trong đó nhấn mạnh việc phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin để phục vụ cho nhu cầu ngày càng gia tăng nhanh chóng của các cơ quan cung cấp dịch vụ cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, tài chính, thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Ngày 1/6/2009, Thủ tướng ra Quyết định số 698/2009/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mới đây nhất, ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin" trong Quyết định số 1755/2010/QĐ-TTg.
Mới đây, tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội đã đưa ra nhận định: "Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một thời cơ để phát triển" (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, trang 71). Trong Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng cũng có nhận định rất đúng đắn rằng "Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội và kinh tế tri thức" (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trang 183). Tài liệu này cũng nhấn mạnh "phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu-ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đi kèm theo các chính sách nêu trên là quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức nhà nước nhằm thực hiện các phương châm và giải pháp nêu trong các chính sách trên thực tế. Những tiến bộ về thể chế đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, sự phát triển công nghệ thông tin chưa "trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng" và chưa "là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước" như tinh thần của Chỉ thị 58-CT/TW đã nêu.
Công nghệ thông tin thường chỉ được nhấn mạnh trong những văn bản chính sách hay pháp lý có liên quan trực tiếp đến ngành CNTT chứ ít được đề cập thỏa đáng trong các tài liệu chính sách hay chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp khác như du lịch, hàng hải, hàng không, y tế, nông nghiệp, và nhiều ngành khác. Mức độ áp dụng CNTT trong quản lý nhà nước cũng như trong nhiều ngành kinh tế, dịch vụ xã hội ở các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Mức độ ứng dụng CNTT trong nhân dân còn chưa cao, Thủ tướng Chính phủ chưa trực tiếp lãnh đạo Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin, và nhiều bộ trưởng chưa tham gia Ban này cũng khiến cho việc đưa sự phát triển CNTT như một động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước gặp nhiều khó khăn. Ở các bộ/ngành và các cấp lãnh đạo, quản lý thấp hơn cũng chưa có sự thống nhất ý chí chính trị cao dành cho sự phát triển CNTT, coi đó như động lực phát triển kinh tế-xã hội toàn diện như tinh thần của Chỉ thị 58/CT-TƯ hay tinh thần của Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng CSVN lần thứ XI. Nói cách khác, trong hoạt động thực tế cho đến nay, CNTT ở Việt Nam mới được xem như một ngành chứ chưa được coi trọng như động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước.
Như vậy, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển CNTT với tư cách là động lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển toàn diện đất nước chính là nhận thức và ý chí chính trị của lãnh đạo các ngành, các cấp. Một Nghị quyết Trung ương về phát triển CNTT sẽ tạo bước đột phá lớn cho sự thống nhất ý chí chính trị ở các ngành, các cấp cho mục tiêu chung của đất nước.
Với tầm nhìn CNTT như một ngành, Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Trong các ngành kinh tế, CNTT Việt Nam rõ ràng là ngành kinh tế vượt trội so với trình độ phát triển chung của đất nước, là ngành có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, và là ngành Việt Nam có nhiều tiềm năng đuổi kịp các nước phát triển nhất (Nhóm Tư vấn chính sách VINASA 2011).
Với tầm nhìn có tính chiến lược hơn, CNTT cần được xem như động lực quan trọng nhất thúc đẩy toàn diện đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước. Phát triển mạnh và thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi ngành, mọi cấp, mọi tầng lớp nhân dân, mọi khía cạnh của đời sống xã hội sẽ là cơ sở hiện thực để đưa đất nước tiến kịp với các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới. Một tầm nhìn chiến lược như vậy đòi hỏi tư duy chiến lược và các hành động tương ứng, vượt xa ra ngoài khuôn khổ của sự phát triển một ngành. Để biến tiềm năng mà CNTT có thể đem lại cho đất nước thành hiện thực, CNTT cần có vị trí đặc biệt, cơ chế đặc biệt, và cách tiếp cận sáng tạo không ngừng. Những điều này chỉ có thể có được với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, của nhà nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp, và toàn xã hội.
Tác giả : Vũ Mạnh Lợi
Nhóm Tư vấn Chính sách VINASA
(theo VTV.VN)