Tuyên bố chung cấp bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu về Chương trình nghị sự số tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 19/4/2010 tại Granada, Tây Ban Nha nêu rõ, CNTT là nguồn chủ yếu cho các sáng tạo và các cơ hội kinh doanh mới.
Tuyên bố này cũng chỉ ra rằng: "Một chiến lược tăng trưởng bền vững, thông minh cần phải lôi cuốn tất cả mọi người tham gia, và để mọi công dân châu Âu đều có cơ hội và kỹ năng tham gia đầy đủ vào một xã hội được internet thúc đẩy. Chiến lược này là cách đưa các nước thành viên vượt qua suy thoái kinh tế hiện nay".
Ở Mỹ, trong Thông điệp Liên bang ngày 25/1/2011 Tổng thống Mỹ Obama cũng nhấn mạnh CNTT như một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hóa nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện. Ông nêu rõ trong 5 năm tới phải làm cho 98% người dân Mỹ được sử dụng công nghệ không dây thế hệ mới.
Ông nhấn mạnh: "Điều này không đơn thuần là nói về kết nối internet tốc độ cao hơn hay ít cuộc gọi bị rớt hơn, mà là về việc kết nối mọi miền của nước Mỹ với kỷ nguyên số. Đó là về cộng đồng nông thôn ở Iowa hay Alabama nơi những người nông dân và doanh nghiệp nhỏ có thể bán hàng của mình trên toàn thế giới. Đó là về những người lính cứu hỏa có thể tải xuống thiết bị cầm tay bản thiết kế của ngôi nhà đang cháy; là sinh viên có thể đi học với sách giáo khoa điện tử; hay là người bệnh có thể nói chuyện đối mặt qua video với bác sỹ của mình".
Nhật đã thành lập Cơ quan đầu não về Chiến lược CNTT do Thủ Tướng làm Tổng Giám đốc (Kiyoshi Mori 2008). Điều này cho thấy mức độ ưu tiên phát triển CNTT rất cao ở Nhật. Năm 2006 Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản (MIC) đưa ra chính sách "u-Japan" (Ubiquitous Japan) với tham vọng kết nối mọi người và mọi thứ (người với người, người với hàng hóa, hàng hóa với hàng hóa), mọi lúc, mọi nơi bằng mạng CNTT. Chiến lược này theo đuổi mục đích xây dựng xã hội dựa trên nền tảng CNTT, nhấn mạnh cả sự phát triển ngành CNTT cũng như ứng dụng CNTT trong mọi ngành, mọi lĩnh vực xã hội. Nhật cũng đang dự thảo Luật về Thông tin và Truyền thông nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển CNTT ở Nhật (Kiyoshi Mori 2008).
CNTT được Chính phủ Trung Quốc nhìn nhận như động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế và chiến lược "đuổi kịp" các nước phát triển khác. Năm 1999 Trung Quốc thành lập Nhóm lãnh đạo công tác tin học hóa Quốc gia, và năm 2001 Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp làm Trưởng nhóm cùng với 5 Phó Thủ tướng làm Phó Trưởng nhóm và 25 Bộ trưởng là các thành viên nhóm này để lãnh đạo công cuộc "tin học hóa" Trung Quốc với mục tiêu đưa đất nước trở thành "xã hội thông tin" (Taylor and Zhang 2008). Năm 2007 Trung Quốc đầu tư đến 48,8 tỷ USD cho R&D (chiếm 1,49% GDP), là nước đứng thứ 4 trên thế giới về điểm này, chỉ sau Mỹ, Nhật, và Đức. Đầu tư của nhà nước chỉ chiếm 24,6%, còn lại là do các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức ở khu vực tư nhân đầu tư (Verso, Tekes, and Finpro 2010).
Ở Thái Lan, từ năm 1992 Chính phủ đã thành lập Ủy ban Công nghệ thông tin Quốc gia do Thủ Tướng đứng đầu với các thành viên là lãnh đạo của các ngành và đại diện của khu vực tư nhân. Năm 2002 Chính phủ đưa ra một chính sách CNTT được biết đến với tên gọi tắt là "IT2010" được thiết kế cho giai đoạn 2001 - 2010. Chính sách IT2010 của Thái Lan đưa ra tầm nhìn chung là xây dựng "Nền kinh tế tri thức" dựa trên 3 trụ cột chính là (1) thúc đẩy sự sáng tạo, (2) xây dựng nguồn vốn con người, và (3) củng cố hạ tầng cơ sở và ngành công nghiệp CNTT. Tầm nhìn mới của chính sách CNTT của Thái Lan không chỉ tập trung vào "công nghệ" mà chủ yếu là tập trung vào việc ứng dụng CNTT để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân và phát triển xã hội (Thuvasethakul and Koanantakool 2002; Winley, Arjpru, and Wongwuttiwat 2007).
Khuôn khổ Chính sách CNTT đến năm 2020 của Thái Lan mới được xây dựng (được Chính phủ Thái Lan thông qua tháng 11 năm 2010) cũng dựa trên: Việc xây dựng lực lượng lao động thạo về CNTT và nguồn lực con người cho ngành CNTT; Cơ sở hạ tầng CNTT, và Phát triển ngành CNTT để trên cơ sở đó xây dựng "chính phủ thông minh", các ngành kinh tế thông minh, ngành y tế và giáo dục thông minh, sử dụng CNTT xây dựng môi trường thân thiện để đạt được mục tiêu có một nước "Thái Lan thông minh vào năm 2020" (SinchaiKamolphiwong 2010).
Malaysia cũng thành lập Hội đồng CNTT Quốc gia do Thủ Tướng làm Chủ tịch, Phó Thủ Tướng làm Phó Chủ tịch, và Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Sáng chế làm Thư ký. Hội đồng này đưa ra tầm nhìn phát triển CNTT để "xây dựng một xã hội tri thức trên đất Malaysia với sự giàu có về thông tin, hùng mạnh về tri thức, với một hệ thống giá trị độc đáo, và là xã hội tự quản" (trang web của Hội đồng CNTT Quốc gia Malaysia. Như vậy, tầm nhìn của Chính phủ Malaysia đối với sự phát triển CNTT cũng là tầm nhìn rộng trong đó CNTT được xem như động lực chính cho sự phát triển toàn diện xã hội.
Ở Việt Nam, Chỉ thị 58-CT/TƯ ngày 17/10/2000 có nêu rõ: "Công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển... và tạo khả nǎng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá."
Một vài đoạn trích nêu trên cho thấy lãnh đạo cấp cao nhất của các nước lớn trên thế giới và của Việt Nam đều chung một tầm nhìn về vai trò của CNTT với tư cách một động lực cho sự phát triển toàn diện xã hội hiện đại trong điều kiện toàn cầu hóa nhanh chóng. Tầm nhìn này vượt xa ra ngoài khuôn khổ sự phát triển ngành CNTT. Chúng ta không còn đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên thông tin nữa, mà đã đang ở trong kỷ nguyên đó. Phát triển CNTT phục vụ sự phát triển kinh tế tri thức, xây dựng xã hội tri thức chẳng những là đòi hỏi có tính quy luật, mà còn là niềm hy vọng đưa đất nước tiến kịp các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
Tác giả : Vũ Mạnh Lợi
Nhóm Tư vấn Chính sách VINASA
(theo VTV.VN)